iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Những lý do chính khiến nhân viên bị “đá” khỏi công ty

Mặc dù trường hợp nhân viên bị sa thải thường ít xảy ra hơn so với chủ động xin nghỉ việc nhưng chúng cũng là mối nguy hiểm khôn lường nếu như bạn không chú ý. Đột ngột mất việc có thể khiến bạn không kịp trở tay, để lại tiếng xấu, không tìm được việc làm mới để thay thế và hệ quả là phải sống trong những ngày tồi tệ mang tên thất nghiệp.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không muốn bị sa thải thì hãy tránh xa những nguyên nhân buộc sếp phải ra quyết định “tàn nhẫn” này. Đừng mất thời gian suy nghĩ nữa, iconicJob đã liệt kê đầy đủ 7 lý do chính khiến bạn mất việc ngay trong bài viết này.

1. Bạn đứng đầu danh sách đi muộn, nghỉ nhiều

nhung-ly-do-chinh-khien-nhan-vien-bi-da-khoi-cong-ty-1

Bạn có thể nghỉ việc vì cảm cúm hoặc đi làm muộn vì nảy sinh các vấn đề cá nhân nhưng chắc chắn, chúng phải nằm trong giới hạn cho phép chứ không thể xảy ra liên tục hết lần này đến lần khác được. Khi mà việc vắng mặt hoặc đi trễ của bạn dần trở thành “cơm bữa” thì hãy chuẩn bị tinh thần đi, đấy có thể là nguyên nhân để sếp sa thải bạn.

2. Bạn không thể ngừng nói dối

Nói dối là điều đại kỵ, kể cả với sếp hay khách hàng. Xin nghỉ việc một ngày vì bạn bị chứng mất ngủ khác với việc bạn nói dối rằng người nhà bị ốm nặng và tận dụng khoảng thời gian đó đi du lịch với bạn bè. Mạng xã hội sẽ là hiểm họa tiềm ẩn, nơi những bức ảnh vui vẻ của bạn cùng bạn bè vôt tình lướt qua mắt sếp. Và rồi chuyện gì đến cũng đến, thư sa thải sẽ được chuyển đến email của bạn sớm thôi.

Khoa trương, nói dối với khách hàng về chất lượng sản phẩm, chương trình hậu mãi chỉ để chạy doanh số cũng là điều tuyệt đối không được làm. Thử tưởng tượng một ngày nào đó, những lá đơn khiếu nại của khách hàng lần lượt được gửi đến công ty, sếp của bạn sẽ phát điên lên vì phát hiện ra những chuyện “tốt đẹp” mà bạn đã tạo ra vì thói “khua môi múa mép”.

3. Bạn quen chiếm dụng tài sản của công ty

nhung-ly-do-chinh-khien-nhan-vien-bi-da-khoi-cong-ty-3

Lợi dụng chức vụ để chiếm dụng tài sản công ty thành tài sản của cá nhân mình hoặc trục lợi từ công việc là điều mà bất kỳ vị sếp nào cũng cảm thấy ác cảm. Đừng tưởng bạn có thể qua mặt sếp, là người đứng đầu một công ty, họ tinh tường hơn ai hết. Họ có thể bỏ qua cho bạn một vài lần nhưng nếu như thói quen này cứ tiếp diễn thì không phải là bạn nhận được lời cảnh cáo thôi đâu mà sẽ là quyết định cho thôi việc, giấy trắng mực đen con dấu rõ ràng. Đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ qua những cơ hội lớn hơn đang chờ bạn ở phía trước, hãy tỉnh táo nhận ra đâu mới thực sự là thứ bạn cần.

4. Bạn “nghiện” bắt nạt và quấy rối đồng nghiệp

nhung-ly-do-chinh-khien-nhan-vien-bi-da-khoi-cong-ty-4

Cậy mình là “ma cũ” để bắt nạt “ma mới”, đòi hỏi những yêu sách vô lý hoặc liên tục chọc ghẹo đồng nghiệp mà không hề quan tâm đến sự khó chịu của họ… sẽ nhanh chóng đẩy bạn vào thế cô lập. Đặc biệt, nếu bạn cố tình quấy rối đồng nghiệp bởi những hành vi mang tính chất sàm sỡ thì sự việc sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng nghiệp chẳng những lánh xa bạn mà những hành động xấu xí của bạn cũng nhanh chóng lọt đến tai sếp. Những lý do này quá thuyết phục để bạn phải khăn gói bước ra khỏi công ty.

5. Bạn thường xuyên than vãn

Than vãn vì công việc quá nhiều, phàn nàn vì suất ăn của công ty quá tệ, mức lương quá thấp, cấp trên không có năng lực…, bạn dường như bất mãn với mọi thứ ở công ty? Hãy nhớ rằng, bạn được thuê vào đây để làm việc, để đóng góp tài năng vào việc xây dựng và phát triển tổ chức chứ không phải để “trút bầu tâm sự”, gây ảnh hưởng đến tinh thần của những người xung quanh. Càng phàn nàn nhiều, bạn càng có nguy cơ mất việc.

Tốt hơn hết, hãy tìm cách giải quyết vấn đề tâm lý của chính bạn, tìm niềm vui từ chính công việc hoặc mọi người xung quanh. Những câu chuyện hài hước của người đồng nghiệp cạnh bên hoặc niềm say mê trong công việc sẽ khiến bạn có thêm động lực và quên đi những chuyện không vừa ý.

6. Bạn là người “thọc gậy bánh xe”

Thử xem bạn có phải là tuýp người này không nhé. Khi được hỏi “Có ai có ý tưởng gì mới không?”, bạn im lặng. Nhưng khi được hỏi “Mọi người có đồng ý với ý tưởng này không?”, bạn rất nhanh chóng lắc đầu và đưa ra hàng loạt quan điểm mang tính chê bai để bác bỏ ý tưởng của người khác. Nếu bạn đích thị là tuýp người này thì chắc chắn bạn “không sứt đầu cũng mẻ trán”, không bị sa thải cũng bị đồng nghiệp tẩy chay.

Không nhất thiết 10 lần như một, bạn đều có sáng kiến mới để đóng góp trong buổi họp nhưng ít nhất, bạn cũng cần chứng mình cho mọi người thấy rằng sự tồn tại của bạn ở nơi đây không hoàn toàn vô ích. Tư tưởng sáng tạo đột phá cũng được, phát triển ý tưởng của đồng nghiệp trên một khía cạnh khác cũng chẳng sao, đừng thụ động và trở thành người “thọc gậy bánh xe” nếu không muốn bị sa thải sớm.

7. Bạn không hoàn thành nhiệm vụ

nhung-ly-do-chinh-khien-nhan-vien-bi-da-khoi-cong-ty-7

Tiến độ và mức độ hoàn thành công việc là yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực làm việc và xét duyệt tăng lương nhưng nếu như bạn không thể đáp ứng những yêu cầu từ sếp thì việc giữ bạn ở lại công ty cũng không còn giá trị.

Để tránh bị đánh giá là yếu kém, bạn nên cẩn trọng mỗi lần hứa hẹn với sếp. Hãy tự lượng sức mình, chỉ đồng ý đảm nhận những công việc mà bạn nghĩ mình có khả năng thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến deadline, nếu không nắm chắc, hãy thương lượng với sếp rằng bạn sẽ chốt ngày cụ thể sau khi nắm rõ nhiệm vụ. Thỉnh thoảng, chấp nhận thử thách bản thân với những nhiệm vụ khó khăn cũng là cách để bạn ghi điểm với sếp nhưng trước đó, hãy là người hiểu rõ ưu và nhược của bản thân và lường trước những cản trở có thể bất ngờ xảy đến.
_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob