Khoảng thời gian này, nhân sự của các công ty bắt đầu có nhiều biến động, làm sao để giữ chân nhân tài thực sự là bài toán nan giải. Bên cạnh những lời đề nghị hấp dẫn của các công ty đối thủ thì nhân viên dễ bị dao động hoặc cảm thấy “mất lửa” bởi cách hành xử sai lầm của người lãnh đạo.
Nếu bạn đang là người dẫn dắt tổ chức hoặc đội/nhóm với nhiều thành viên thì hãy lưu ý những vấn đề sau đây, rất có thể bạn chính là nguyên nhân khiến nhân viên của mình đột nhiên làm việc nửa vời hoặc đẩy họ đến quyết định ra đi.
Không quan tâm nhân viên
Khi gia nhập môi trường công sở, việc đi hay ở của một người nhân viên thường được quyết định bởi hai yếu tố: công việc và mối quan hệ với cấp trên. Công việc dù thú vị nhưng nếu sếp và nhận viên không thân thiết, không hòa hợp thì nghỉ việc cũng là chuyện sớm muộn và ngược lại.
Để giữ chân nhân tài, bạn cần xây dựng được bầu không khí gần gũi, gắn bó đối với các thành viên. Trong công việc, bạn có thể là người nghiêm khắc, chỉn chu nhưng ở bên ngoài, bạn nên thể hiện sự quan tâm, đồng cảm và thiện chí muốn được chia sẻ với những khó khăn của tất cả mọi người. Phải biết áp dụng đồng thời cương – nhu thì bạn mới không khiến nhân viên của mình cảm thấy ngộp thở để rồi chạy trốn.
Bắt nhân viên làm việc theo quy tắc
Mỗi người lãnh đạo đều có những quy tắc riêng dành cho cấp dưới nhưng đôi khi, chúng chưa thực sự hợp lý và hiệu quả. Thậm chí đối với những quy tắc ngớ ngẩn, dù nhân viên của bạn không lên tiếng chống đối thì trong thâm tâm họ cũng cảm thấy bất bình. Hãy là một người sếp tinh tế, đừng ép buộc người khác phải làm những gì mà bạn cho là đúng, trước khi ra quyết định, hãy để nhân viên của bạn có cơ hội phản biện và quan trọng hơn hết là hãy mở lòng và thực sự tiếp nhận những ý kiến đó, đừng giả vờ lắng nghe nhưng vẫn giữ khư khư quan điểm của riêng mình.
Phân biệt và đối xử với nhân viên dựa trên bằng cấp
Tuy không thể hiện một cách rõ ràng nhưng tình trạng đối xử thiếu công bằng, đánh giá năng lực dựa trên bằng cấp vẫn đang tồn tại, không chỉ trong môi trường làm việc thực tế mà còn xuất phát ngay từ những buổi phỏng vấn lựa chọn ứng viên. Không quá khó để thấy những người tốt nghiệp Đại học từ những trường top quốc gia sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với những người có cùng năng lực nhưng chỉ có trong tay tấm bằng Cao đẳng, chưa hẳn đã là sự chênh lệch về kiến thức và kỹ năng mà đâu đó vẫn là những định kiến liên quan đến bằng cấp.
Nếu muốn nhân viên của mình phát triển toàn diện và dốc sức làm việc cho tổ chức, bạn không nên thiên vị mà hãy trao cơ hội ngang nhau cho tất cả mọi người. Đừng khiến họ thất vọng khi nỗ lực không được công nhận, một người sếp tốt không bao giờ nhìn vào con người mà chỉ nhìn vào công việc.
Không công nhận cống hiến của nhân viên
Có rất nhiều nhà lãnh đạo xem thành quả của nhân viên như một điều đương nhiên với lí lẽ “công ty trả tiền lương cho họ nên họ phải có nhiệm vụ hoàn thành chúng một cách xuất sắc nhất”. Nói một cách chủ quan thì chúng không sai nhưng nhìn trên góc độ khách quan thì đấy lại là suy nghĩ vô cùng tai hại. Dù ở cấp độ nhân viên hay quản lý thì ai cũng có nhu cầu được công nhận, chỉ là một lời khen ngợi hay động viên nhưng hệ quả mà chúng mang lại là vô cùng to lớn. Nhân viên sẽ cảm thấy được sếp quan tâm, họ tự hào về bản thân và luôn duy trì nguồn năng lượng tích cực trong công việc, thành tích của họ cũng vì thế mà tiến bộ từng ngày. Thử tưởng tượng bạn làm việc không ngừng nghỉ, kết quả cũng vô cùng như ý nhưng cấp trên của bạn chưa một lần đả động đến hay bình luận gì về điều này thì bạn sẽ thấy thất vọng biết bao, giờ thì bạn đã hiểu nguyên nhân khiến cho nhân viên của mình lần lượt rời đi rồi chứ?
Không giải thích với nhân viên về công việc họ đang làm
Để cho nhân viên nắm được tầm vĩ mô và mục đích của những dự án mà họ đang thực hiện không phải là thói quen của nhiều nhà lãnh đạo, chính nhận thức có phần hạn chế này khiến kết quả công việc không đạt mức kì vọng. Bạn có biết rằng khi nhân viên không hiểu được vai trò của mình thì họ chỉ làm việc ở mức cầm chừng, chưa thực sự cố gắng hết sức? Vậy nên, đừng ngại chia sẻ tầm quan trọng của những việc mà họ đang làm, cho họ thấy bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ thấy nhân viên của mình bứt phá một cách bất ngờ.
Cố tình bỏ qua những nhân viên yếu kém
Một tổ chức tồn tại những nhân viên yếu kém sẽ khiến cho các thành viên còn lại cảm thấy bất bình và chán nản. Là người đứng đầu, ngay từ khâu chọn người, bạn đã phải hết sức tỉnh táo để nhận diện nhân tài. Trong trường hợp bạn được thăng chức và nhận trách nhiệm quản lý nhóm, không thể chủ động chọn thành viên thì bạn cũng nên có phương hướng giúp họ nâng cao năng lực. Đối với những người thường xuyên sai phạm, làm việc kém hiệu quả hoặc không có tinh thần hợp tác, hãy đưa ra biện pháp trừng phạt thích đáng. Không được dung túng hoặc bao che cho những nhân viên thân tín, đó sẽ là tiền lệ khiến họ không bao giờ chịu cố gắng và khiến những nhân viên tài năng khác cảm thấy bất công, dẫn đến quyết định nghỉ việc.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam