iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Sếp thường ghét bỏ nhân viên vì 8 điều sau đây

Nếu như những người ở cấp nhân viên thường dễ dàng thể hiện cảm xúc ra mặt thì những người ở các vị trí cấp cao lại chọn cách giấu cảm xúc vào trong, không muốn người khác đoán biết. Đó là lý do dù có bị sếp ghét cay, ghét đắng thì bạn cũng chưa hẳn đã nhận ra.“Phòng cháy hơn chữa cháy”, nếu không muốn bị sếp liệt vào danh sách đen thì tốt nhất là bạn nên cẩn thận ngay từ đầu, hãy hạn chế mắc phải những điều tối kỵ sau đây.

“Nấu cháo” điện thoại trong giờ làm việc

sep-thuong-ghet-bo-nhan-vien-vi-8-dieu-sau-day-1

Bạn được trả tiền để làm việc, không phải để lãng phí thời gian vào những cuộc chuyện trò qua điện thoại. Sếp của bạn dù không nói thẳng thừng nhưng chắc hẳn vẫn không hài lòng về hành động này. Để không bị những cuộc gọi xao nhãng hoặc không để tiếng chuông gây phiền toái cho những người xung quanh, bạn nên cài đặt chế độ rung và chỉ nên trả lời đối với những cuộc gọi khẩn cấp. Bạn cũng nên quy ước với người thân và bạn bè trước, nếu không có việc quan trọng, hãy gọi cho bạn sau giờ làm việc hoặc để lại tin nhắn. Thử thay đổi thói quen xấu này đi, rồi bạn sẽ thấy sếp đối xử với bạn khác biệt như thế nào.

Luôn đặt câu hỏi

Vị sếp nào cũng thích một nhân viên nhanh nhẹn và hiểu chuyện, biết khi nào cần lên tiếng, khi nào cần phải lắng nghe. Vậy nên, thay vì đặt câu hỏi quá nhiều, khiến sếp cảm thấy bị làm phiền, hãy giữ đầu óc minh mẫn và ghi chép cẩn thận (nếu cần thiết). Khi có vấn đề chưa thực sự thông suốt, hãy đặt câu hỏi ngay lúc đó rồi bắt tay vào làm việc, đừng hỏi đi hỏi lại nhiều lần nếu không muốn bị sếp tẩy chay.

Đi làm trễ

sep-thuong-ghet-bo-nhan-vien-vi-8-dieu-sau-day-2

Đừng nghĩ rằng việc bạn thường xuyên đi làm trễ chỉ là sở thích cá nhân. Bạn chẳng những bị trừ tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung mà còn khiến cho sếp của mình bị đánh giá không tốt. Nhân viên làm sai thì sếp là người “đứng mũi chịu sào”, họ không thể vui khi bị mọi người bàn tán sau lưng rằng mình không thể quản lý nhân viên.

Hãy tập làm quen với việc đi làm đúng giờ, chỉ cần thức dậy sớm hơn thường lệ khoảng 30-45 phút, bạn sẽ có thêm thời gian chuẩn bị, ăn sáng ở nhà và tinh thần cũng trở nên tỉnh táo hơn hẳn. Sếp cũng không còn hằn học hay cảm thấy khó chịu mỗi lần nhìn thấy bạn nữa.

Đi họp trễ

Tương tự, bạn đừng bao giờ đến trễ trong các buổi họp, đừng khiến mọi ánh mắt dồn về phía bạn mỗi khi bước vào. Sếp có thể không nói ra nhưng chắc hẳn không hề thích điều này. Đúng giờ là nguyên tắc tối quan trọng dù cho bạn làm việc ở bất cứ nơi đâu, hãy tôn trọng thời gian của mình và thời gian của người khác.

Tù chối yêu cầu của cấp trên

sep-thuong-ghet-bo-nhan-vien-vi-8-dieu-sau-day-3

Đừng viện cớ “Tôi đang bận” để thoái thác hay từ chối lời yêu cầu của sếp. Một khi đã giao phó nhiệm vụ nghĩa là sếp muốn bạn đảm nhiệm chứ không phải một người nào khác. Hãy lắng nghe kỹ lưỡng những lời sếp nói, đánh giá mức độ ưu tiên của nhiệm vụ. Nếu chúng thực sự quan trọng, đừng ngại gạt công việc dang dở sang một bên và tập trung cho nhiệm vụ mới. Trong trường hợp sếp không nói gì thêm thì bạn cũng cần chủ động mở lời, đừng để đến khi bị sếp hỏi, bạn lại giật mình vì chưa hề đụng tay đến những gì mà sếp giao phó.

Bàn làm việc của bạn quá bừa bộn

Tưởng như không phải nguyên nhân khiến sếp ghét nhưng đúng thế đấy, thói quen bày bừa khiến bàn làm việc trông thật lộn xộn vẫn có thể ảnh hưởng đến thiện cảm mà sếp dành cho bạn. Đối với những vị sếp khó tính, họ thường có xu hướng đánh giá khả năng làm việc của nhân viên dựa trên tác phong và thói quen sinh hoạt hàng ngày, những người càng bừa bộn thì càng ít tập trung, khả năng sắp xếp công việc không tốt và không quan sát cẩn thận. Còn chờ gì nữa mà không dành ra 5-10 phút dọn dẹp, vệ sinh lại bàn làm việc, vừa khiến sếp yêu quý mà chính bản thân bạn cũng cảm thấy phấn chấn, có thêm nguồn năng lượng tích cực để hoàn thành nhiệm vụ.

Gây rắc rối cho sếp

sep-thuong-ghet-bo-nhan-vien-vi-8-dieu-sau-day-4

Nhiệm vụ của một nhân viên như bạn là giúp sếp giải quyết bớt những vấn đề khó khăn, chứ không phải mang thêm rắc rối cho họ. Luôn nhớ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, đừng cố chứng tỏ bản thân bằng cách đề xuất những ý tưởng không mang lại giá trị hay chỉ giỏi nói miệng, còn khi làm việc thì không mang lại hiệu quả. Tập trung vào chất lượng công việc, không ngừng học hỏi và luôn rút ra bài học từ những sai lầm là thái độ của một nhân viên khiến cấp trên yêu quý.

Là người rêu rao tin đồn

Mặc dù ở đâu cũng có người chuyên lan truyền tin đồn hay thỉnh thoảng còn được biết đến như “ông/bà tám” nơi công sở thì tốt hơn hết, bạn vẫn nên tránh xa thị phi, đừng là một phần của hội tám xuyên lục địa này nhé. Hầu hết cấp trên đều chỉ muốn nhân viên của mình tập trung vào công việc, họ cực kỳ ghét những người hay buôn chuyện và cũng không có ý định thăng chức cho những nhóm người này. Nếu bạn cảm thấy sếp đang có dấu hiệu ghét mình thì hãy suy nghĩ lại xem, có phải sếp đã nghe thấy bạn nói xấu ai đó trong một lần tình cờ? Hãy thay đổi ngay khi chưa quá muộn.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob