iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

3 cách giúp bạn cứu vãn cuộc phỏng vấn thất bại

Phỏng vấn thất bại không có nghĩa là mọi cánh cửa đều đóng sập ngay trước mắt bạn. Hãy nhớ rằng dù cho nhà tuyển dụng đã gọi tên ứng viên được chọn thì khả năng họ mở ra cơ hội khác cho bạn cũng không phải là không thể. Dưới đây là 3 gợi ý giúp bạn vớt vát lại hình ảnh trong mắt nhà tuyển dụng và xoay trở tình thế sau cuộc phỏng vấn “tệ hơn vợ thằng đậu” vừa qua.

1. Tự đánh giá bản thân và ghi chú lại những sai sót mà bạn mắc phải

3-cach-giup-ban-cuu-van-cuoc-phong-van-that-bai-1

Nếu bạn có linh cảm rằng buổi phỏng vấn của mình không được tốt đẹp hoặc nhà tuyển dụng chủ động gửi thông báo kết quả (không như mong đợi) ngay sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc thì điều quan trọng nhất bạn cần làm là phải giữ bình tĩnh. Hãy bình tâm, ngồi xuống và viết lại những gì bạn đã làm được cũng như chưa làm được trong buổi phỏng vấn, câu hỏi nào khiến bạn ấp úng và cách dùng từ của bạn đã thuyết phục hay chưa…

Việc ghi chú lại những sai sót sẽ giúp bạn có cơ hội một lần nữa nhìn nhận năng lực của bản thân, hiểu rõ ưu và khuyết điểm của mình để thể hiện thật tốt trong những lần phỏng vấn xin việc tiếp theo. Nếu có người quen trong công ty ứng tuyển thì bạn cũng nên tận dụng mối quan hệ này để tìm hiểu chính xác nguyên nhân khiến mình bị loại vì không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng thành thật chia sẻ với ứng viên. Càng hiểu rõ hơn các lý do dẫn đến thất bại, tỷ lệ đậu phỏng vấn và được nhận việc của bạn càng cao.

 

Xem ngay cách giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh

 

 

2. Chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng

3-cach-giup-ban-cuu-van-cuoc-phong-van-that-bai-2

Sau khi đã có bản đánh giá hoàn chỉnh và chắc chắn tâm lý đang ở trạng thái ổn định, bạn hãy gửi email cho nhà tuyển dụng. Hãy cảm ơn họ vì đã chăm chú lắng nghe và đưa ra những nhận xét chân thành cho bạn trong buổi phỏng vấn, nhờ họ mà bạn đã có thêm kinh nghiệm quý giá đến nhường nào. Với thái độ cầu tiến và sự cởi mở, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng, rất có thể họ sẽ trao cho bạn cơ hội thứ hai. Hoặc giả sau những nỗ lực tìm kiếm mà vẫn không thể tìm thấy ứng viên ưng ý, họ sẽ chọn bạn như cứu cánh thay vì những ứng viên còn lại.

Chẳng mất mát gì khi bạn thử làm điều mà các ứng viên khác chưa từng làm, chẳng những gợi nhắc cho nhà tuyển dụng về sự hiện diện của mình, bạn còn nâng hình ảnh bản thân lên một tầm cao mới. Và cũng đừng quên thể hiện mong muốn được hợp tác với nhà tuyển dụng trong tương lai vì biết đâu đấy, bạn sẽ là ứng viên và đối mặt với họ trong vòng phỏng vấn ở một công ty khác.

3. Dò hỏi và đề nghị được phỏng vấn lần 2

3-cach-giup-ban-cuu-van-cuoc-phong-van-that-bai-3

Đây là phương án cuối cùng mà bạn có thể mạo hiểm nếu như không còn gì để mất. Hãy mạnh dạn gọi điện cho nhà tuyển dụng và đề nghị một buổi phỏng vấn thứ hai. Nghe có vẻ “mặt dày” nhưng bạn không thể biết trước được điều gì, nhà tuyển dụng thậm chí có thể chọn bạn khi thấy được niềm đam mê và sự nỗ lực hết mình mà bạn dành cho công việc. Lưu ý là trong trường hợp này bạn không nên gửi email hay thư tay cho nhà tuyển dụng vì họ có thể chọn cách bỏ qua, gọi điện trực tiếp sẽ khiến họ khó từ chối hơn và cảm nhận được thành ý của bạn.

Nếu mọi cố gắng của bạn không thể khiến cho tình thế biến chuyển tốt hơn, nhà tuyển dụng vẫn từ chối bạn thì có lẽ đã đến lúc bạn nên chấp nhận và tập trung sức lực để tìm kiếm các cơ hội việc làm mới. Điều quan trọng là bạn đã được học hỏi từ những sai lầm, đó là nền tảng vững chắc giúp bạn “đánh đâu thắng đó” và ghi điểm tuyệt đối trong những lần phỏng vấn tiếp theo.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob