Không bao giờ là đủ để nói về những điều khác biệt giữa Nhật Bản và nửa còn lại của thế giới, không chỉ về văn hóa đời sống mà cả về quy trình phỏng vấn tưởng chừng như chỉ có chung một quy tắc ở tất cả các nước.Nếu bạn là “tín đồ” của đất nước còn ẩn chứa nhiều điều thú vị này và đang chuẩn bị tâm lý, quyết tâm vượt qua vòng phỏng vấn việc làm tiếng Nhật để hiện thực hóa giấc mơ làm việc cho công ty Nhật thì đây chính xác là 6 điều đầu tiên mà bạn cần “ngộ đạo”. Chúng giúp bạn tránh được cảm giác bỡ ngỡ cũng như biết thêm một số chiêu thức để lấy lòng nhà tuyển dụng.(Hi vọng bạn sẽ đọc được bài viết này trước khi bước vào buổi phỏng vấn)
1. Buổi phỏng vấn thường kéo dài ít nhất 1 tiếng đồng hồ
Một buổi phỏng vấn thông thường chỉ kéo dài từ 15 – 30 phút nhưng khi phỏng vấn ở công ty Nhật, thời gian này sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng, thậm chí có thể lên đến tận 2 tiếng.
Nhà tuyển dụng Nhật rất hiếm khi thể hiện thái độ hoặc khiến bạn có cảm giác họ cần bạn, thay vào đó, họ luôn thận trọng quan sát và cố gắng tìm hiểu nhiều nhất về ứng viên, đó là lý do buổi phỏng vấn luôn diễn ra rất lâu. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác thì đây cũng chưa hẳn là điều tồi tệ vì chẳng ứng viên nào mong buổi phỏng vấn của mình kết thúc chóng vánh chỉ sau vài phút.
2. Tính cách quan trọng hơn năng lực
Tính cách có vẻ như là một yếu tố quan trọng với nhà tuyển dụng Nhật Bản nên bạn đừng ngạc nhiên nếu được hỏi nhiều câu về cuộc sống thường ngày, về sở thích hay các mối quan hệ… Dù kinh nghiệm có thể giúp ích được nhiều cho công việc nhưng theo quan niệm của người Nhật, kể cả bạn chỉ là ứng viên mới ra trường nhưng chỉ cần có tính cách tốt và tinh thần ham học hỏi thì bạn vẫn có thể đóng góp nhiều giá trị cho công ty.
Bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt này một cách rõ ràng hơn nếu như phỏng vấn cùng lúc 2 công ty: một là công ty Nhật và hai là công ty Âu-Mỹ (nơi kỹ năng của ứng viên được xem là yếu tố quan trọng nhất).
3. Khiến nhà tuyển dụng tự hào thì bạn càng “dễ thở
Hầu hết các nhà tuyển dụng Nhật đều rất quan tâm và muốn biết cảm nhận của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển cũng như công ty họ nên những câu hỏi như “Bạn nghĩ gì về công ty của chúng tôi?”, “Bạn thích điều gì ở công ty chúng tôi?” … sẽ thường xuyên xuất hiện trong buổi phỏng vấn. Tuy hơi thiếu thực tế vì bạn chưa từng làm việc cho họ, thậm chí đây chỉ mới là lần đầu tiên bạn bước chân đến nơi đây nhưng nếu muốn ghi điểm, hãy dùng những thông tin bạn thu thập được trên internet để trả lời họ.
Chẳng hạn: “Công ty của bạn rất tuyệt vời. Tôi cũng đã từng sử dụng những sản phẩm của công ty bạn và thấy rất tốt, hẳn là mọi người đã đầu tư rất nhiều tâm huyết…”. Trước những lời có cánh mà bạn dành cho, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy tự hào, từ đó tâm trạng cũng trở nên vui vẻ và dễ chịu hơn khi phỏng vấn bạn.
4. Không khí phỏng vấn luôn căng thẳng
Không chỉ nghiêm túc trong công việc mà ngay cả trong những buổi phỏng vấn, người Nhật vẫn giữ một khuôn mặt lạnh lùng, nghiêm khắc, nó khiến cho bầu không khí trở nên căng thẳng và ứng viên cũng phần nào chịu áp lực về tâm lý. Có thể họ đang muốn thử thách ứng viên nhưng thiết nghĩ, ứng viên sẽ dễ bộc lộ tính cách thật và dễ bị “bắt bài” hơn nếu như không khí phỏng vấn thoải mái và nhà tuyển dụng tỏ ra thân thiện.
5. Hiếm khi chỉ có một nhà tuyển dụng
Xu hướng xuất hiện nhiều nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn (dù không phải tuyển các vị trí cấp cao) dần trở nên phổ biến và công ty Nhật cũng là một trong những nơi áp dụng lối phỏng vấn này. Ít nhất 2 người sẽ có mặt để trò chuyện và đánh giá ứng viên, một người đóng vai trò như “thiên sứ”, nhẹ nhàng và tỏ ra thấu hiểu ứng viên, còn một người luôn nhận nhiệm vụ đặt ra những câu hỏi hóc búa, khiến ứng viên căng não.
Đối với những công ty lớn, việc cắt cử nhiều người (ở nhiều phòng ban) đóng vai trò nhà tuyển dụng mang lại lợi ích khá lớn về mặt thời gian và hạn chế tình trạng bỏ sót nhân tài. Ví dụ, nếu ứng viên phù hợp với vị trí Sales hơn là vị trí Marketing (vị trí mà từ đầu họ ứng tuyển) thì nhà tuyển dụng thuộc phòng Kinh doanh sẽ linh hoạt đưa ra đề nghị, chiêu mộ ứng viên về phòng ban của họ.
6. Phép lịch sự rất được coi trọng ở công ty Nhật
Tham gia phỏng vấn ở các công ty Nhật, bạn phải tuân thủ các quy tắc. Chẳng hạn, trước khi mở cửa bước vào phòng phỏng vấn, hãy gõ cửa và nói “Shitsurei shimasu” – “Xin thất lễ”. Khi vào phòng, bạn cũng không được ngồi ngay, hãy đứng cạnh chiếc ghế và đợi nhà tuyển dụng lên tiếng mời… và rất nhiều các quy tắc khác liên quan đến phép lịch sự mà bạn nên tìm hiểu. Phép lịch sự là một điều tối quan trọng, kể cả khi bạn đã được nhận vào làm thì bạn cũng đừng bỏ qua điều này.
Chỉ với một số hành động nhỏ nhặt, bạn sẽ chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng Nhật và có cơ hội đậu phỏng vấn, trải nghiệm môi trường văn hóa trong các công ty Nhật sẽ là bước đệm để bạn trưởng thành và hoàn thiện bản thân.