Không phải hằng ngày ra rả vào tai nhân viên “Em làm việc nhanh lên” nghĩa là bạn có thể khiến cho nhân viên của mình tăng tốc. Thay vì ngồi nói suông hay “chỉ tay năm ngón”, bạn nên thực hiện những điều này để giúp nhân viên làm việc nhanh và hiệu quả hơn.
1. Cải thiện tốc độ làm việc của bản thân
Sếp là tấm gương cho nhân viên học hỏi, nếu bản thân bạn không thể đẩy nhanh tốc độ làm việc thì những lời giáo huấn của bạn cũng bằng thừa, nhân viên sẽ tỏ thái độ bất mãn, thậm chí chống đối những yêu cầu mà bạn đưa ra.
Vậy nên, để cả quy trình được tiến hành thuận lợi và hoàn thành đúng như dự kiến, bạn nên điều chỉnh nhịp độ làm việc của mình sao cho nhanh chóng và linh hoạt. Sự tiến bộ của bạn sẽ là động lực để nhân viên thay đổi, họ không chỉ thầm công nhận năng lực của người lãnh đạo mà còn làm việc với tốc độ “ngàn năm ánh sáng”.
2. Đơn giản hóa thủ tục phê duyệt
Tốc độ làm việc của nhân viên không chỉ bị giới hạn bởi năng lực cá nhân mà còn chịu ảnh hưởng bởi quá trình phê chuẩn, xét duyệt từ phía cấp trên. Nếu quá trình này mất nhiều thời gian thì sẽ vô tình trở thành vật cản, trì hoãn tiến độ hoàn thành công việc.
Trong những công ty Nhật Bản hoặc những công ty quy mô lớn, quy trình phê chuẩn văn bản và ra quyết định thường phải thông qua khá nhiều cấp, khoảng 3-5 cấp.Chỉ khi có được sự đồng ý và chữ ký của người lãnh đạo có thẩm quyền cao nhất thì nhân viên mới được triển khai các ý tưởng. Chính các thủ tục rườm rà và thời gian chờ đợi, phản hồi qua lại này là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp bị đối thủ vượt mặt nhanh chóng.
Là cấp trên, thay vì hối thúc nhân viên tăng tốc, bạn hãy cố gắng đơn giản hóa thủ tục phê chuẩn văn bản đến mức tối đa như giảm thiểu số người phê duyệt, cho phép vượt cấp đối với những dự án mang tính cấp bách… Tiết kiệm được vài giờ, vài ngày hay vài tháng đều là những tiền đề giúp doanh nghiệp nâng cao sức mạnh cạnh tranh.
3. Quy định deadline hoàn thành công việc
Thay vì để nhân viên tự quyết định khi nào sẽ hoàn thành công việc, bạn nên quy định deadline rõ ràng hoặc lập thời gian biểu (timeline) dành cho từng nhiệm vụ cụ thể, nhân viên sẽ dựa vào đó để lên phương án và sắp xếp thời gian cho phù hợp.
Đừng đánh giá thấp năng lực của nhân viên, cũng đừng tự mình vẽ ra những tình huống bất ngờ và kéo dài thời gian hoàn thành công việc của họ. Cách tốt nhất để thúc đẩy và khai phá năng lực của nhân viên cấp dưới là giao cho họ deadline mang tính thử thách, chẳng hạn nếu bạn nghĩ họ có thể hoàn thành xong một hạng mục trong vòng 5 ngày, hãy yêu cầu họ làm chúng trong vòng 3 ngày thôi. Họ buộc lòng phải phát huy tối đa công suất và đây là cơ hội để họ sáng tạo nên những cách thức làm việc mới hiệu quả hơn.
4. Tuyệt đối tuân theo thời gian biểu
Đừng quá dễ dãi với những người thường xuyên không tuân thủ thời gian biểu, nếu bạn cho qua thì những lần sau, thời gian biểu bạn đặt ra cũng sẽ không được nhân viên coi trọng, họ mặc sức trễ deadline và coi đó như một chuyện thường tình.
Hãy có chế độ thưởng phạt phân minh, khen ngợi những nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đưa ra hình phạt với những người coi thường chỉ thị của cấp trên. Nếu không phải vì gặp sự cố quá bất ngờ thì bạn tuyệt đối đừng bao giờ thỏa hiệp với đề nghị kéo dài thời gian từ phía nhân viên.
5. Nâng cao mức độ hợp tác giữa các bộ phận
Mâu thuẫn giữa các bộ phận là nguyên nhân thường trực khiến cho công việc bị trì hoãn, tuy nhiên, không nhiều nhà lãnh đạo nhận ra điều này. Nếu có thể kết nối mọi người lại với nhau, tạo ra những hoạt động gắn kết và giúp cho mối quan hệ giữa các bộ phận trở nên thân thiết thì tốc độ làm việc sẽ được gia tăng đáng kể.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam