iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Những chiêu lấy lòng sếp Nhật dễ đến bất ngờ

Nếu sau ngần ấy năm làm việc trong công ty Nhật mà bạn vẫn chỉ là một nhân viên quèn, không hề để lại ấn tượng gì trong mắt sếp và thậm chí sếp còn không nhớ nỗi tên của bạn thì đấy chính là dấu hiệu cho thấy bạn khó có thể được thăng chức. Nguyên nhân có thể xuất phát từ năng lực yếu kém của cá nhân bạn, sự vô tâm của sếp hay chỉ đơn giản là bạn chưa khiến sếp thấy mình được tôn trọng.

Không khó để lấy lòng sếp Nhật khi làm việc tại Cty Nhật, dưới đây là những chiêu thức mà bạn nên ghi nhớ để có được cảm tình của cấp trên, sự nghiệp của bạn cũng sẽ ngày càng trôi chảy.

1. Dùng đúng cách xưng hô

nhung-chieu-lay-long-sep-nhat-de-den-bat-ngo-1

Cách xưng hô rất được coi trọng ở Nhật, khi muốn gọi tên ai đó, người Nhật thường phải sử dụng các danh xưng như –san, -chan, -kun… chứ không gọi tên thân mật giống như các nước phương Tây.

Tuy nhiên, đối với những người làm công việc đặc thù như giáo viên (sensei) hay nắm giữ các chức vụ quan trọng trong công ty như trưởng phòng, giám đốc thì cách xưng hô có phần hơi khác biệt, công thức đúng sẽ là đúng sẽ là: “Tên” + “chức vụ”

Ví dụ 1:

  • – Cách xưng hô sai: Yumeto san, douzo yoroshiku onegaishimasu (Ông Yumeto, rất vui được biết ông và từ nay xin được giúp đỡ)
  • – Cách xưng hô đúng: Yumeto buchou, douzo yoroshiku onegaishimasu (Giám đốc Yumeto, rất vui được biết ông và từ nay xin được giúp đỡ)

Ví dụ 2:

  • – Cách xưng hô sai: Yuko san, doomo arigatou gozaimasu (Cô Yuko, xin cảm ơn rất nhiều)
  • – Cách xưng hô đúng: Yuko sensei, doomo arigatou gozaimasu (Cô giáo Yuko, xin cảm ơn rất nhiều)

Là cấp trên, sếp có thể gọi bạn bằng bất kỳ danh xưng nào nhưng khi bạn giao tiếp với họ, hãy cẩn trọng tìm từ ngữ phù hợp nhất. Đừng khiến họ hiểu lầm rằng bạn đang không tôn trọng họ, đó là điều vô cùng tối kỵ khi làm việc trong môi trường tiếng Nhật, bạn có thể sẽ bị sếp “bỏ rơi” kể từ đó.

2. Nhất định phải dùng kính ngữ

Bạn bắt buộc phải sử dụng kính ngữ khi trò chuyện với sếp Nhật. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy nhân viên người Nhật chẳng những sử dụng kính ngữ để thể hiện sự tôn kính, phục tùng mà còn thể hiện thái độ có phần khúm núm trước những lãnh đạo cấp cao. Đó là nét văn hóa mà bạn nên tập làm quen khi có ý định lấy lòng sếp.

Kính ngữ trong tiếng Nhật có sự phân biệt rõ ràng đối với từng cấp bậc nghề nghiệp, cấp càng cao như Chủ tịch, Giám đốc thì kính ngữ có mức độ trang trọng, lịch sự càng lớn và cứ thế giảm dần đối với các vị trí Trưởng phòng hay các vị trí tương đương.

Dưới đây là minh họa cho cách sử dụng 2 loại kính ngữ:

社長は 帰られましたか。(Shachou wa kaeraremashitaka)

Giám đốc đã về nhà rồi

部長はぜんぜんお酒をお飲みになりません。(Buchou wa zenzen osake wo onomi ninarimasen.)

Trưởng phòng hoàn toàn không uống được rượu.

Đừng sử dụng nhiều loại kính ngữ trong giao tiếp, bạn sẽ bị xem là khác biệt vì người Nhật không ai làm thế cả. Vả lại, đó cũng là hành động xu nịnh lộ liễu, không được các sếp đánh giá cao.

Một lưu ý nữa là kính ngữ không chỉ được dùng trong giao tiếp hàng ngày mà còn được sử dụng khi bạn nhắc đến sếp với người thứ ba, chẳng hạn câu chuyện giữa bạn và đồng nghiệp xoay quanh việc sếp vừa thưởng cho nhân viên chuyến du lịch xa xỉ, dù sếp không ở đó thì bạn cũng phải dùng kính ngữ trong câu tường thuật.

3. Không cãi lời cấp trên

Sếp thường không hướng dẫn nhiều khi giao việc cho nhân viên và nhân viên cũng không có quyền chất vấn về quyết định của sếp, có lẽ bảo thủ đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến khi nhắc về sếp Nhật. Theo như lý giải của những người lãnh đạo xứ sở hoa anh đào, sở dĩ họ để nhân viên tự “vật lộn” là bởi vì họ tin rằng cấp dưới của mình hoàn toàn có đủ năng lực, khả năng lắng nghe và tư duy tốt để hoàn thành nhiệm vụ, deadline không phải là vấn đề mà họ đặt nặng. Điều đó cũng được phản ánh qua việc sếp sửa lỗi chi chít trên bản báo cáo của nhân viên, bắt nhân viên làm lại từ đầu mà vẫn cố chấp không hỗ trợ.

Bạn không thể lấy lòng sếp nếu không có đủ sự kiên trì và nhẫn nhịn, sếp Nhật chỉ thích những người nghe lời và vâng dạ với mọi mệnh lệnh họ đưa ra. Nếu làm việc lâu và có mối quan hệ thân tình, bạn sẽ nhận ra mỗi quyết định của họ đều có nguyên nhân, chứ không hề mang tính bộc phát. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn tồn tại lâu và chiếm được thiện cảm của những người lãnh đạo.

Bất kỳ văn hóa làm việc nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu, có những điều bạn thích và không thích. Đừng nghĩ tiêu cực rằng muốn lấy lòng sếp thì bạn phải sống giả tạo, làm khác đi với suy nghĩ, chỉ cần nghĩ rằng bạn đang cố gắng thích nghi với văn hóa làm việc thì bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn nhiều. Dù là sếp Nhật hay sếp Việt và các sếp trời Tây, để được công nhận và tin tưởng thì bạn đừng quên điều quan trọng nhất vẫn luôn là thái độ và năng lực, những yếu tố khác chỉ là yếu tố phụ.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob