1. Tại sao dân văn phòng hay đi trễ?
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến dân văn phòng đi làm trễ là thói quen "ngủ nướng". Dù đã đặt báo thức, nhiều người vẫn có thói quen tắt đi và tự hứa "ngủ thêm 5 phút nữa thôi", nhưng khi tỉnh dậy, đã quá giờ đi làm. Thậm chí, có những người ngủ say đến mức không nghe thấy báo thức.
Ngoài nguyên nhân này, còn có các lý do khách quan khác như tắc đường, xe hỏng, đau ốm bất ngờ, hoặc va quẹt xe trên đường...
Dù vì lý do gì, việc đi làm trễ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung và tạo ra hình ảnh không chuyên nghiệp. Nếu thói quen này kéo dài, nguy cơ mất việc là hoàn toàn có thể.
2. Làm gì khi bạn lỡ đi làm trễ để vẫn giữ được sự chuyên nghiệp?
2.1 Thông báo ngay với quản lý
Nếu bạn biết mình sắp trễ, điều đầu tiên cần làm là nhắn tin hoặc gọi điện ngay cho quản lý để thông báo tình hình. Bạn cũng nên giải thích lý do khiến mình đến muộn, cách bạn sẽ xử lý và ước tính thời gian có mặt tại nơi làm việc.
Hành động này không chỉ thể hiện bạn tôn trọng cấp trên, mà còn cho thấy bạn có tác phong làm việc chuyên nghiệp và lịch sự. Việc thông báo sớm giúp quản lý sắp xếp công việc phù hợp, tránh ảnh hưởng đến cả Team.
2.2 Đừng viện cớ, đừng bào chữa
Bạn có bao giờ đi làm trễ vì "ngủ quên", nhưng lại tìm đủ lý do để giải thích như tắc đường, đau bụng, hay hỏng xe không? Thực ra, sếp của bạn biết rõ mọi chuyện! Một, hai lần có thể được bỏ qua, nhưng nếu lặp lại liên tục, không ai chấp nhận được đâu.
Vì vậy, khi trễ giờ, hãy thẳng thắn thừa nhận và trình bày lý do một cách chân thật. Đừng cố viện cớ hay đổ lỗi, sự thành thật luôn được đánh giá cao hơn.
2.3 Xin lỗi chân thành
Một tin nhắn, email hay lời xin lỗi chân thành trực tiếp sẽ giúp quản lý của bạn dịu đi phần nào sự khó chịu. Nếu bạn kèm theo lời xin lỗi bằng cách chủ động xử lý công việc từ xa, điều này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn giúp bạn giữ được ấn tượng tốt. Ví dụ, bạn có thể tranh thủ kiểm tra công việc qua điện thoại khi chờ sửa xe, hoặc suy nghĩ về ý tưởng mới cho dự án trong lúc bị kẹt xe.
2.4 Cam kết không tái phạm
Hãy cho quản lý thấy rằng bạn thật sự nghiêm túc và quyết tâm không để việc đi trễ xảy ra thường xuyên nữa. Một lời hứa rõ ràng sẽ giúp người khác tin tưởng vào bạn hơn và cho thấy bạn đang nỗ lực để cải thiện bản thân.
3. Mẹo giúp bạn không còn đi trễ
3.1 Quản lý thời gian hiệu quả
Để không còn tình trạng đi làm muộn, hãy bắt đầu bằng cách thay đổi thói quen ngủ của bạn. Nếu bạn thường hay “ngủ nướng”, hãy cố gắng đi ngủ sớm hơn một chút. Nếu việc kẹt xe khiến bạn trễ giờ, hãy dậy sớm hơn khoảng 15 phút để có thêm thời gian dự phòng. Bằng cách lên kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý, bạn có thể giảm thiểu tối đa việc đến muộn.
3.2. Chuẩn bị đồ đạc từ tối hôm trước
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc chuẩn bị đồ đạc từ đêm trước có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian vào buổi sáng. Bạn có thể chuẩn bị tài liệu và laptop sẵn sàng trong ba lô, hoặc treo quần áo mà bạn dự định mặc vào ngày hôm sau ở một nơi dễ thấy. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn làm cho buổi sáng của bạn trở nên suôn sẻ hơn.
3.3. Dự phòng sẵn phương án xử lý tình huống phát sinh
Bây giờ, hãy cầm bút lên và ghi ra những tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị phương án ứng phó cho từng trường hợp. Đừng đợi đến khi sự việc xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết, vì như vậy sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian và cảm thấy bối rối. Ví dụ, bạn có thể để sẵn thuốc trị nhức đầu hay đau bụng ở đầu giường, tìm kiếm các đường vòng để tránh kẹt xe, hoặc tìm hiểu trước những tiệm sửa xe gần đường đi làm.
Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn !
--------------------------
Mọi thông tin liên hệ:
iconicJob Vietnam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.