iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Cách từ chối lịch sự khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều

I. Tại sao biết cách từ chối lịch sự lại quan trọng

Biết cách từ chối lịch sự là một kỹ năng quan trọng giúp bạn thiết lập ranh giới tại nơi làm việc, duy trì lịch trình làm việc hiệu quả và giữ được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Khi bạn từ chối một cách khéo léo, mọi người sẽ tôn trọng quyết định của bạn và không cảm thấy bị hụt hẫng vì bị từ chối thẳng thừng.

Từ chối cũng giúp bạn khẳng định trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của mình. Điều này cho thấy bạn biết cách quản lý thời gian và công việc, không để mình bị quá tải. Từ chối một cách nhẹ nhàng chứng tỏ bạn quan tâm đến cảm xúc của người khác và cách họ nhìn nhận về bạn. Bạn có thể thực hành cách từ chối một cách lịch sự để dành thời gian cho những việc bạn thực sự quan tâm và yêu thích.

Sự lịch sự và khéo léo trong cách từ chối của bạn sẽ cho thấy rằng bạn cởi mở với những cơ hội trong tương lai và sẵn sàng giúp đỡ khi có thể, tạo dựng được sự tin tưởng và tôn trọng từ đồng nghiệp.

Xem thêm: Cách hỗ trợ đồng nghiệp đang bị căng thẳng trong công việc

II. Các cách từ chối lịch sự khi được nhờ vả bạn nên biết

Việc giúp đỡ và hỗ trợ đồng nghiệp là một văn hoá tốt đẹp cần được duy trì và phát huy tại nơi làm việc. Khi công việc quá tải, chúng ta có thể nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp và ngược lại, giúp họ khi cần. Tuy nhiên, nếu bị nhờ vả quá nhiều, liên tục, chúng ta có thể cảm thấy phiền phức. Dưới đây là 3 cách từ chối lịch sự mà bạn có thể tham khảo:

1. Chia sẻ về khối lượng công việc của mình

Nếu đồng nghiệp thường xuyên nhờ bạn giúp đỡ với lý do họ bị quá tải, bạn có thể từ chối bằng cách chia sẻ rằng bạn cũng đang trong tình trạng tương tự. Ví dụ: "Hiện tại, mình cũng đang ngập đầu với nhiều việc cần làm, không thể hoàn thành kịp. Mong bạn thông cảm."

Khi từ chối, bạn nên giải thích tình huống của mình một cách chân thành để đồng nghiệp hiểu rằng bạn không rảnh rỗi để giúp đỡ mọi lúc. Ví dụ: "Mình hiểu bạn đang gặp khó khăn, nhưng hiện tại mình cũng đang có rất nhiều việc phải hoàn thành, mình không thể giúp bạn được."

Nếu không thể giúp đỡ, bạn có thể gợi ý một giải pháp khác hoặc đề xuất ai đó có thể giúp. Ví dụ: "Mình rất muốn giúp, nhưng hiện tại mình đang bận. Bạn thử hỏi anh/chị A xem sao, mình nghĩ họ có thể giúp được."

2. Chia sẻ về áp lực deadline của mình

Ngoài lý do quá tải công việc, bạn có thể giải thích rằng mình đang phải đối mặt với nhiều deadline quan trọng. Ví dụ: "Hiện tại, mình cũng đang bị deadline dí, có nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành gấp. Nếu tạm ngưng để hỗ trợ bạn, công việc của mình sẽ bị đình trệ và có thể không kịp tiến độ, gây ảnh hưởng xấu đến dự án."

Khi bạn chia sẻ cụ thể như vậy, đồng nghiệp sẽ hiểu rằng bạn đang rất bận rộn với những công việc quan trọng và không thể gác lại để giúp họ. Bạn có thể nói thêm: "Mình thật sự muốn giúp, nhưng tình thế hiện tại không cho phép. Nếu mình bỏ công việc để hỗ trợ bạn, thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi công việc của mình bị trễ hạn?"

Bằng cách giải thích rõ ràng và chân thành, đồng nghiệp sẽ nhận ra rằng việc nhờ bạn giúp đỡ lúc này là không hợp lý. Điều này giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt đẹp mà không phải gánh thêm áp lực công việc.

3. Bạn không rõ cách làm, sợ sẽ làm không tốt, gây sai sót

Có một câu nói vui rằng: "Người giỏi sẽ bị giao nhiều việc, còn người không biết gì thì chỉ làm những việc đơn giản." Bạn có thể sử dụng ý này để từ chối khéo léo khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều. Hãy chia sẻ rằng bạn không rành về công việc đó, lo sợ làm không tốt và gây ra sai sót. Ví dụ: "Mình không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, sợ rằng sẽ làm không đúng và gây thiệt hại cho công ty."

Khi bạn giải thích như vậy, đồng nghiệp sẽ hiểu rằng nhờ bạn trong trường hợp này là không hợp lý. Điều này cũng giúp bạn tránh được việc phải nhận thêm trách nhiệm mà không có đủ kỹ năng. Tuy nhiên, bạn cần phải thực sự không rành về công việc đó để tránh bị lộ liễu, chẳng hạn như lần trước bạn làm được, mà lần này lại nói không biết thì sẽ không khéo léo chút nào.

Ngoài những cách trên, tùy vào tình huống và cách ứng xử của mỗi người, bạn có thể có thêm nhiều cách từ chối khéo khác. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ nên từ chối khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều và lạm dụng sự giúp đỡ của bạn. Nếu họ chỉ thỉnh thoảng nhờ giúp, bạn nên sẵn lòng hỗ trợ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Bài viết này không cổ súy cho việc ích kỷ, luôn từ chối và không chịu giúp đỡ đồng nghiệp khi được nhờ vả.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn !
--------------------------
Mọi thông tin liên hệ:

iconicJob Vietnam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Tài Phan có kinh nghiệm 6 năm trong ngành Digital Marketing, luôn muốn chia sẽ những kiến thức hữu ích đến với mọi người. Quan niệm sống của tôi là “Lạc quan luôn là yếu tố dẫn đến thành công, không điều gì có thể thực hiện được mà không có hy vọng và sự tự tin”.
back-to-top iconicjob