iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Nên làm gì khi sếp giao việc vào cuối tuần?

Ngày nay, nhiều nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ vào cuối tuần khi được giao việc để gây ấn tượng với sếp. Và mặc nhiên điều này lại trở thành tiêu chí đo lường sự "tận tụy" của nhân viên đối với công ty. Với quan niệm làm việc thêm giờ để thăng tiến nhanh chóng liệu có đúng hay thực chất chỉ là “chiêu trò” bóc lột của sếp? Nếu bạn thường xuyên phải làm việc sau giờ làm, đừng bỏ qua những gợi ý sau đây!

I. Nên làm gì khi sếp giao việc vào cuối tuần?

Khi sếp giao việc vào cuối tuần, cảm giác bị đánh giá thấp thật không dễ chịu chút nào. Đặc biệt là đối với nhân viên mới, việc chấp nhận làm thêm giờ để chứng minh năng lực với sếp là điều hiển nhiên. Đôi khi, sếp giao việc vượt quá khả năng, nhưng bạn vẫn phải cố gắng xử lý vì đó là nhiệm vụ. Thực tế, làm thêm ngoài giờ mang lại nhiều lợi ích đáng kể. 

Khi có nhiệm vụ khẩn cấp hoặc công việc cần xử lý gấp, việc chấp nhận làm thêm giờ nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành đúng hạn là cần thiết. Điều này không chỉ giúp duy trì tiến độ mà còn thể hiện sự tận tụy và trách nhiệm của bạn.

Việc chủ động làm thêm giờ để giải quyết công việc sẽ để lại ấn tượng tốt trong mắt sếp. Sự nhiệt tình và sẵn sàng chịu khó làm việc thể hiện bạn là người chăm chỉ và đáng tin cậy. Đây là bàn đạp để bạn ghi điểm và thăng tiến trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, một cấp trên tốt sẽ biết giao việc đúng người và đúng lúc. Nếu bạn liên tục nhận được yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được trả công tương xứng, hãy xem xét lại tình huống. Đó có thể là dấu hiệu bạn đang bị lạm dụng.

Trong trường hợp này, hãy thương lượng với sếp về khối lượng công việc và thời gian làm thêm. Bạn có thể đề xuất giải pháp như phân chia công việc hợp lý hơn hoặc đề nghị nhận được thêm thù lao cho thời gian làm việc ngoài giờ. Đừng quên bảo vệ thời gian cá nhân của mình. Nghỉ ngơi và thời gian cho gia đình là rất quan trọng. Hãy tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống để không bị quá tải và giữ được hiệu suất làm việc cao.

II. Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị lạm dụng bóc lột sức lao động

Thông thường, sếp thường giao việc cho những nhân viên tin cậy để giải quyết. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và quá tải với khối lượng công việc được giao, điều đó chứng tỏ bạn đang làm việc trong môi trường “độc hại” và bị vắt kiệt sức. Hãy kiểm tra xem bạn có đang rơi vào tình trạng sau đây không nhé.

1. Thường xuyên phải tăng ca ngoài giờ

Như đã nêu trên, chấp nhận làm thêm giờ thể hiện thiện chí cống hiến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi người đều có cuộc sống và mối bận tâm riêng ngoài công việc. Nếu bạn cứ mãi nhận hàng tá công việc không tên, chỉ khiến bạn tự tạo áp lực thêm cho mình. Khi công việc dồn nén lâu ngày, bạn sẽ trở nên chán nản và giảm sút khả năng tập trung xử lý vấn đề.

Nhiều doanh nghiệp thiếu nhân lực hoặc muốn tiết kiệm chi phí nên cố gắng giao thêm việc cho nhân viên. Khi bạn rơi vào tình trạng này và im lặng, bạn đang chấp nhận trở thành “nô lệ” công việc. Nếu bạn không bộc lộ suy nghĩ, sếp sẽ không rõ ràng trong việc quản lý thời gian làm việc, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tập trung của bạn.

Liên tục làm thêm giờ và bị giao thêm việc mà không có sự cân nhắc có thể dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, và giảm sút hiệu suất làm việc. Đừng ngại bày tỏ quan điểm của mình để bảo vệ sức khỏe và duy trì hiệu quả công việc.

2. Gánh thêm việc người khác

Khi bắt đầu công việc, bạn thường nhận được mô tả công việc rõ ràng và cụ thể theo đúng vị trí mong muốn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, bạn có thể thấy rằng danh sách công việc của mình ngày càng dài thêm với những nhiệm vụ không tên, thậm chí không đúng chuyên môn của mình nhưng vẫn phải xử lý. Trường hợp này, sự “hy sinh” vì công việc của bạn hoàn toàn không mang lại giá trị tương xứng.

Việc đảm nhận những công việc không liên quan đến chuyên môn sẽ không giúp bạn trau dồi thêm kiến thức cần thiết. Điều này không chỉ làm bạn mất thời gian mà còn gây cản trở cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của bạn. Lúc này, bạn nên thẳng thắn trình bày suy nghĩ và nguyện vọng cá nhân với sếp để trở về đúng quỹ đạo công việc ban đầu.

Hãy nhớ rằng, việc trao đổi và thương lượng với sếp không chỉ giúp bạn giảm bớt áp lực mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm đối với công việc của mình. Điều quan trọng là bạn cần biết tự bảo vệ quyền lợi của mình và tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng.

III. Cách xử lý yêu cầu làm thêm ngoài giờ

Hầu hết chúng ta đều ngại từ chối lời đề nghị từ sếp, lo sợ điều này có thể ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của mình. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải yêu cầu "làm thêm" mà không thực sự sẵn sàng, hãy tham khảo các gợi ý sau đây.

1. Đánh giá nhiệm vụ được giao

Khi sếp giao việc vào cuối tuần, hãy bình tĩnh và không vội từ chối hay tỏ thái độ. Đây là kỹ năng ứng xử cơ bản mà bất kỳ ai đi làm cũng cần biết. Điều quan trọng lúc này là xem xét tình huống và đánh giá khối lượng công việc. Nếu có sự cố bất ngờ và chỉ bạn mới có thể xử lý, hãy hiểu và thông cảm với đề nghị đó.

Nếu nhiệm vụ đơn giản như gửi email hay gọi điện cho đối tác, hãy vui vẻ nhận lời. Nhưng nếu gặp công việc phức tạp và tốn nhiều thời gian như lập kế hoạch hay làm báo cáo, bạn cần có chiến lược khéo léo hơn. Hãy trao đổi rõ ràng với sếp về thời gian và khả năng hoàn thành để đảm bảo bạn không bị quá tải.

2. Đặt ra giới hạn

Việc từ chối lời đề nghị giúp đỡ của ai đó một cách thẳng thắn sẽ thật sự khó khăn. Nhưng khi bạn bị lạm dụng sức lao động quá mức, hãy tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Bạn không cần tìm lý do để từ chối một cách gián tiếp. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có quyền "nói không" với những yêu cầu tăng ca vô lý. Hãy cho sếp thấy ảnh hưởng của việc làm thêm ngoài giờ, chẳng hạn:

“Tôi rất muốn ở lại để giải quyết công việc theo yêu cầu của sếp. Nhưng nếu làm thêm nhiều giờ liền, tôi sẽ không đủ tỉnh táo để tiếp tục công việc vào ngày mai.”

Thực tế, bạn không thể hoàn thành hết mọi công việc trong một ngày. Nếu công việc không cần gấp, hãy lịch sự từ chối để cấp trên hiểu được nguyện vọng và tình trạng của bạn. Việc từ chối khéo léo sẽ giúp bạn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời cho sếp thấy bạn biết tự quản lý thời gian và sức khỏe của mình.

3. Cùng sếp phân tích công việc

Khi nhận nhiệm vụ lớn vào cuối tuần, trước tiên hãy đánh giá vị trí của nó trong danh sách ưu tiên của bạn. Hãy ước tính thời gian cần để hoàn thành, xác định những người cần hỗ trợ và những tài nguyên cần thiết. Sau đó, trao đổi cụ thể và rõ ràng những điều này với sếp. Việc này giúp sếp hiểu rằng khi bạn nhận nhiệm vụ mới, các công việc khác có thể bị ảnh hưởng và trễ deadline. Từ đó, sếp sẽ nhận ra việc nào quan trọng hơn để ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, sếp có thể cân nhắc và thay đổi deadline nếu thấy thời gian quá ngắn không đủ để xử lý nhiệm vụ mới.

4. Thương lượng thời gian

Khi nhận được công việc ngoài giờ, bạn nên đánh giá lại thời gian cần thiết để hoàn thành công việc đó. Đôi khi sếp giao việc trước chỉ để tránh quên công việc. Vì vậy, hãy xác định xem công việc này có cần xử lý gấp hay không, hãy có thể lên lịch và xử lý sau. Nếu được giao việc vào lúc bận, bạn có thể trao đổi để cả hai bên sắp xếp và đều hài lòng.

“Hiện tại tôi đang có vài việc cá nhân cần giải quyết. Nếu công việc chưa cần gấp, tôi có thể xử lý vào ngày mai được không?”

Nếu không thể đáp ứng ngay lập tức, việc dời lịch giải quyết công việc là một giải pháp tốt cho bạn. Hãy thương lượng một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Trong một số trường hợp, sếp có thể lợi dụng tâm lý "có lỗi" của nhân viên để thuyết phục bạn chấp nhận làm thêm giờ. Vì thế, đừng do dự trong lời nói để tránh bị áp đảo tinh thần. Hãy tự tin và rõ ràng trong việc bảo vệ thời gian cá nhân của mình.

5. Chuẩn bị trước cho công việc lặp lại

Nếu bạn thường xuyên nhận được những công việc giống nhau sau giờ làm, hãy chuẩn bị trước để giải quyết chúng. Việc chủ động sắp xếp và ứng phó linh hoạt sẽ giúp bạn đối phó hiệu quả với tình huống. Nhờ vậy, bạn có thể hoàn thành yêu cầu của sếp mà không phải tăng ca quá nhiều. Sự chuẩn bị trước còn thể hiện bạn là người làm việc chuyên nghiệp, biết cách tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù quan điểm làm thêm giờ để thể hiện sự cống hiến gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nếu đó là nhiệm vụ gấp, đừng ngại ngần giải quyết. Hãy xem "làm thêm giờ" là một trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, bạn cần biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chủ động làm thêm giờ để giải quyết công việc khẩn cấp và khéo léo từ chối những nhiệm vụ không cần thiết nhé.

6. Luôn chủ động trong công việc

Để tránh tình trạng sếp giao việc vào cuối tuần, bạn cần phải luôn chủ động trong công việc của mình. Hãy thường xuyên theo dõi tiến độ công việc để có thể kiểm soát và lập kế hoạch kịp thời cho những tình huống khẩn cấp. Sự chủ động và linh hoạt trong sắp xếp công việc sẽ giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ, hạn chế rủi ro. Nhờ đó, sếp sẽ ít có cơ hội giao việc sát giờ hơn và cũng đánh giá cao khả năng tự quản lý công việc của bạn. Việc này không chỉ giúp bạn giữ được cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân mà còn tạo ấn tượng tốt trong mắt sếp.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn !
--------------------------
Mọi thông tin liên hệ:

iconicJob Vietnam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Tài Phan có kinh nghiệm 6 năm trong ngành Digital Marketing, luôn muốn chia sẽ những kiến thức hữu ích đến với mọi người. Quan niệm sống của tôi là “Lạc quan luôn là yếu tố dẫn đến thành công, không điều gì có thể thực hiện được mà không có hy vọng và sự tự tin”.
back-to-top iconicjob