iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Không phải lương, đây mới là 8 nguyên nhân phổ biến khiến nhân viên bỏ việc

Trong khi nhân sự ở những công ty khác đang dần ổn định thì những nhân viên làm việc tại công ty bạn cứ tấp nập ra – vào. Họ vào làm được đôi ba tháng, thậm chí vài tuần là lại nhanh chóng nộp đơn thôi việc và bảo rằng mình không phù hợp, dù bạn có đề xuất tăng lương thì họ vẫn một mực từ chối.

Đôi khi vấn đề xuất phát không phải từ mức lương, không phải vì những khác biệt trong văn hóa nơi công sở mà bắt nguồn từ chính sai lầm của nhà quản lý và kể cả những người  đồng nghiệp xấu tính. Hãy cùng tìm hiểu 8 nguyên nhân phổ biến khiến nhân viên bỏ việc ngay sau đây và thử xem bạn có thấy dáng dấp quen thuộc của mình trong từng trường hợp cụ thể đó không nhé.

1. Sếp không hề quan tâm nhân viên

Theo như chia sẻ của hầu hết nhân viên thì quyết định ra đi hay ở lại của họ phụ thuộc rất nhiều vào người quản lý trực tiếp. Bạn có phải là người sếp bất tài, mối quan hệ giữa bạn và nhân viên không thân thiết, bạn chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc mà bỏ mặc cảm xúc của nhân viên… tất cả đều là những nguyên nhân thúc đẩy nhân viên rơi vào trạng thái chán nản, sau đó là hành động nộp đơn xin thôi việc.

Hãy đặt mình vào trường hợp của nhân viên để thấu hiểu, chính bạn cũng không thể làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày với một vị sếp chỉ chăm chăm vào kết quả công việc, không hề động viên hay hỏi han bất kì vấn đề nào khác đúng không nào? Nếu bạn là người quản lý thông minh, bạn nên khích lệ nhân viên mỗi khi khó khăn và cùng chia sẻ niềm vui với thành công của họ, biết cách cân bằng giữa thái độ làm việc chuyên nghiệp và hình ảnh vị sếp gần gũi sẽ giúp bạn có được những nhân viên cấp dưới tận tâm và trung thành.

2. Khối lượng công việc quá tải

khong-phai-luong-day-moi-la-8-nguyen-nhan-pho-bien-khien-nhan-vien-bo-viec-2

Một nhân viên dù có tài giỏi đến đâu nhưng nếu bị giao quá nhiều việc sẽ dễ “ngộ độc” vì quá tải và tìm lối thoát ở một nơi chốn khác. Tuy nhiên, đáng buồn là có khá ít các nhà quản lý nhận ra điều đó. Để công việc được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả, bạn thường đùn đẩy cho nhân viên giỏi giải quyết tất cả những nhiệm vụ khó khăn, khiến họ ngập đầu với mớ giấy tờ, con chữ trong khi những nhân viên yếu kém hơn lại thảnh thơi với vài ba công việc dễ dàng. Thời gian đầu, có thể nhân viên sẽ cảm thấy tự hào vì được bạn tin tưởng nhưng về lâu về dài, chúng sẽ được thay thế bằng cảm xúc tiêu cực, họ sẽ nghĩ rằng bạn không ưa gì họ và đang tìm cách “trừng phạt” họ.

Đừng quá lạm dụng tài năng của nhân viên giỏi, hãy phân chia công việc một cách khoa học. Công việc khó khăn đôi khi cũng là thử thách giúp nhân viên yếu kém có thêm động lực để phát triển bản thân, bạn không thể để họ cứ mãi dậm chân tại chỗ. Hoặc trong trường hợp cấp bách, bắt buộc phải sử dụng tối đa “chất xám” của nhân viên giỏi, hãy cho họ sự tưởng thưởng xứng đáng như tăng lương hay thăng chức.

3. Nỗ lực của nhân viên không được ghi nhận

Bên cạnh những nhân viên lười biếng, không có năng lực thì số lượng nhân viên hằng ngày cố gắng và nỗ lực vươn lên trong công việc vẫn chiếm phần đa số. Bạn không nên đánh giá thấp và xem đó là chuyện đương nhiên.

Tuy mục đích của mỗi nhân viên là khác nhau, người thì mong được tăng lương, người chỉ mong được tuyên dương trước mặt tập thể nhưng tựu chung lại, họ đều mong muốn sự ghi nhận từ cấp trên là bạn. Để không khiến nhân viên thất vọng và luôn giữ được ngọn lửa cống hiến, hãy luôn quan sát, khen ngợi và trao thưởng đúng lúc. Đối với những nhân viên thực sự nổi bật, liên tục hoàn thành xuất sắc công việc thì ngoài tăng lương, thưởng nóng, bạn cũng có thể cho họ những đặc ân khác như được ra về sớm 2 tiếng hay tăng ngày nghỉ phép…

4. Sếp tuyển người sai, thăng chức cũng nhầm người

khong-phai-luong-day-moi-la-8-nguyen-nhan-pho-bien-khien-nhan-vien-bo-viec-4

Bạn có nhận thấy sự khó chịu của nhân viên cũ đối với người mà bạn mới tuyển vào công ty? Hãy coi chừng, rất có thể bạn đã chọn sai người rồi đấy, đặc biệt là khi nhân viên có thái độ phản đối lại là người siêng năng và làm việc tốt nhất công ty. Thông thường, ai cũng có tâm lý muốn được hợp tác với cộng sự giỏi giang và nhiệt tình trong công việc, khi nhu cầu không được thỏa mãn, nghĩa là người mới không có năng lực hoặc thiếu tinh thần làm việc nhóm, họ sẽ ngay lập tức đưa ra phản ứng ngược.

Bên cạnh tuyển sai người, thăng chức nhầm người cũng là lý do khiến nhân viên bất mãn và nghỉ việc khá nhiều. Cơ hội không được trao cho người làm việc hết sức mà lại trao cho người “ăn không ngồi rồi”, giỏi nịnh bợ sếp. Dù có ở lại và nỗ lực gấp đôi thì cũng không có gì đảm bảo lịch sử không tái diễn, nhân viên tốt sẽ lần lượt ra đi.

5. Không được tạo cơ hội để thỏa mãn đam mê

Làm sao bạn có thể bắt nhân viên tập trung 100% vào công việc suốt 8 giờ liên tục, họ cần phải có những khoảng thời gian riêng cho sở thích và đam mê của họ. Khi đam mê được thỏa mãn, năng suất làm việc của họ cũng theo đó mà tăng lên và ngược lại.

Chẳng hạn, nhân viên của bạn quan tâm đến các vấn đề xã hội, họ có thói quen mỗi sáng phải lướt qua các trang mạng, trang báo điện tử để cập nhật thông tin rồi mới bắt đầu công việc. Nếu bạn không tâm lý thì bạn sẽ cho rằng việc này gây lãng phí thời gian, họ đang không chú tâm vào công việc, vậy là bạn quyết định ra chính sách ngắt kết nối với các trang web này, chỉ được truy cập vào địa chỉ nội bộ mà thôi. Kết quả là hiệu năng làm việc của họ dần giảm sút.

Hãy là người sếp thông minh khi quản lý nhân viên, đừng quá áp đặt các luật lệ và quy tắc, hãy để nhân viên thỏa mãn đam mê trong quá trình làm việc, bạn sẽ nhận thấy hiệu quả công việc tăng lên đáng kể.

6. Sếp không có khả năng khơi gợi và phát triển sức sáng tạo của nhân viên

khong-phai-luong-day-moi-la-8-nguyen-nhan-pho-bien-khien-nhan-vien-bo-viec-6

Không biết cách khơi gợi sự sáng tạo hoặc hạn chế sự sáng tạo của nhân viên là thất bại của nhà quản lý. Nhân viên càng giỏi thì lại càng có nhiều sáng kiến để cải tiến công việc, nếu bạn bác bỏ chúng chỉ vì sợ rủi ro thì họ sẽ cảm thấy căm ghét và một điều chắc chắn là họ sẽ nhanh chóng rời bỏ bạn.

Là nhà quản lý, trách nhiệm của bạn là nên khuyến khích nhân viên bộc lộ ý kiến và khai phá tài năng tiềm ẩn, chính bạn cũng phải tìm ra lĩnh vực mà họ có khả năng cải thiện hoặc phát triển để trao nhiệm vụ phù hợp. Và đừng quên đưa ra những phản hồi, góp ý tích cực để nhân viên luôn thấy được tôn trọng và được quan tâm nhé.

7. Công việc nhàm chán, không thử thách

Sếp giỏi là người biết đặt ra thử thách cho nhân viên để họ bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và phát triển lên tầm cao mới. Nếu nhân viên gặp khó khăn, bạn phải là người đứng ra hướng dẫn và hỗ trợ họ đạt được thành công. Cảm giác nhàm chán, không được thử thách bản thân trong một thời gian dài có thể đẩy nhân viên đi đến quyết định nghỉ việc, vì vậy, hãy cân nhắc và giao những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ quan trọng nếu bạn nghĩ rằng họ hoàn toàn có khả năng đảm đương.

8. Sếp không giữ lời

khong-phai-luong-day-moi-la-8-nguyen-nhan-pho-bien-khien-nhan-vien-bo-viec-8

Chứng kiến cấp trên lật lọng, không giữ lời hứa là điều khiến cho tất cả nhân viên cảm thấy mất niềm tin và mất dần sự tôn trọng. Bạn cam kết với nhân viên rằng nếu đạt kết quả tốt trong công việc, họ sẽ được thưởng nhưng rồi bạn làm lơ và cho qua chuyện. Nếu bạn đã lãng quên lời hứa thì không có lý do gì mà nhân viên phải giữ lời hứa trung thành với công ty, nghỉ việc là điều tất yếu.

Là người đứng đầu, bạn đừng bao giờ vì chút lợi ích nhỏ mà tự bôi xấu hình ảnh bản thân, từ đó bỏ mất những nhân viên xuất sắc. Hãy luôn giữ lời hứa vì khi đó, bạn trở nên đáng kính và đáng tin cậy hơn trong mắt mọi người, một khi gió đã xuôi thì buồm cũng thuận – mọi sự tự nhiên cũng trở nên hết sức dễ dàng.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob