Phỏng vấn thường được ví như một trò chơi trí tuệ, nơi mà cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đều phải cố gắng tỉnh táo để không bị đối phương đưa vào ma trận. Nói thì đơn giản nhưng chỉ khi trực tiếp bước vào cuộc chiến, bạn mới cảm nhận được mức độ cam go mà nó mang lại.Tuy nhiên, dù có là cao thủ thì cũng sẽ có lúc để lộ sơ hở, nhà tuyển dụng “bắt bài” ứng viên hoặc ứng viên “đọc vị” nhà tuyển dụng. Với vai trò là người tìm việc, muốn vượt qua vòng phỏng vấn một cách dễ dàng, bạn nhất định phải có sự chuẩn bị chu đáo và ghi nhớ những câu hỏi bẫy – chiêu thức được nhà tuyển dụng sử dụng thường xuyên.
1. Hãy giới thiệu về bản thân
- – Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này? Họ muốn xác định ứng viên nhìn nhận bản thân như thế nào, có tự tin giao tiếp và bộc lộ các kĩ năng của mình hay không. Nếu câu trả lời của ứng viên quá tệ, họ sẽ thay đổi kế hoạch và kết thúc buổi phỏng vấn sớm hơn.
- – Đâu là điểm khiến bạn dễ bị đánh lừa? Có thể sau khi nghe câu hỏi này, bạn sẽ ngay lập tức nói về cuộc sống cá nhân của mình như bao người khác, chẳng hạn: “Tôi đã lập gia đình và hiện tại đã có 2 đứa con” nhưng sự thật thì… đó không phải là những điều nhà tuyển dụng mong đợi.
- – Bạn nên hồi đáp ra sao? Tập trung vào những giá trị mà bạn đã đóng góp cho phòng ban, tổ chức, nhà tuyển dụng rất muốn nghe một vài thành tựu mà bạn đã từng gặt hái được trong quá khứ. Hãy chuẩn bị sẵn khoảng 2-3 gạch đầu dòng để có thể ứng đáp ngay khi được hỏi.
2. Hãy mô tả bản thân bằng một từ duy nhất
- – Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này? Chỉ với một từ, nhà tuyển dụng có thể biết bạn thuộc tuýp người gì, mức độ tự tin của bạn thế nào và bạn hợp với những kiểu phong cách làm việc ra sao
- – Đâu là điểm khiến bạn dễ bị đánh lừa? Câu hỏi này là một thử thách vì bạn sẽ không biết được kiểu tính cách mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm để có thể đưa ra câu trả lời phù hợp nhất, nếu không khôn khéo thì bạn sẽ mất điểm ngay lập tức.
- – Bạn nên hồi đáp ra sao? Hãy trả lời thận trọng, tốt nhất là chọn những từ có liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Chẳng hạn, đối với vị trí Kế toán, bạn không thể miêu tả bản thân là một người “sáng tạo” và tương tự, bạn không thể tự hào vì mình “đúng giờ” nếu ứng tuyển vị trí Designer… Tuy không có câu trả lời hoàn hảo nhất nhưng hầu hết các nhà tuyển dụng vẫn thường tìm kiếm những ứng viên sở hữu những yếu tố như: chịu được áp lực cao, trung thực và đáng tin cậy.
3. Hãy so sánh vị trí này với những vị trí khác mà bạn đang ứng tuyển
- – Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này? Họ chỉ đơn giản muốn biết rằng bạn có đang ứng tuyển một vị trí nào khác hay không và bạn đang cảm thấy hứng thú với công ty nào nhất
- – Đâu là điểm khiến bạn dễ bị đánh lừa? Nếu bạn trả lời “Tôi chỉ ứng tuyển duy nhất một vị trí này thôi” thì nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang nói dối vì trên thực tế có rất ít người chỉ ứng tuyển một công việc duy nhất. Nhưng nếu bạn hào hứng kể ra hàng loạt những cái tên khác thì nhà tuyển dụng lại cho rằng bạn thuộc kiểu người “đứng núi này, trông núi nọ”, họ cũng không cảm thấy yên tâm và dành nhiều niềm tin về sự trung thành của bạn.
- – Bạn nên hồi đáp ra sao? Để giải quyết câu hỏi khó nhằn này, bạn có thể trả lời như sau “Tôi cũng đang song song phỏng vấn ở một số công ty nhưng tôi vẫn chưa có quyết định chính thức rằng nơi nào là sự lựa chọn thích hợp nhất cho bước tiến sự nghiệp của mình”. Đó vừa là câu trả lời thẳng thắn, không khoe khoang mà vẫn có thể giữ được bí mật cho các công ty đối thủ khác.
4. Hãy kể 3 điểm mạnh và 3 điểm yếu của bản thân
- – Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này? Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ có những tiêu chí riêng về ứng viên lý tưởng và dựa vào câu hỏi này, họ sẽ xác định được đâu mới là người mà họ đang tìm kiếm.
- – Đâu là điểm khiến bạn dễ bị đánh lừa? Nếu bạn chỉ nói đến 3 điểm yếu rồi bỏ ngỏ, không nói thêm gì về cách bạn hành động để cải thiện chúng hoặc bạn liệt kê những điểm mạnh không chút liên quan đến những yêu cầu mà họ đã liệt kê trong bản mô tả công việc thì bạn sẽ có nguy cơ rớt phỏng vấn rất cao.
- – Bạn nên hồi đáp ra sao? Đầu tiên, bạn không được nói rằng điểm yếu của mình là “Làm việc rất chăm chỉ” hay “Tôi rất cầu toàn”, nghe có vẻ như bạn đang không thật sự sẵn sàng chia sẻ sự thật với nhà tuyển dụng. Thay vào đó, bạn hãy chọn lọc những điểm yếu không quá ảnh hưởng đến công việc và kể về quá trình khắc phục chúng trong suốt thời gian qua. Chẳng hạn, nếu bạn ứng tuyển vào một công ty Nhật thì bạn có thể trả lời như sau “Hiện tại, tôi chỉ có thể sử dụng tiếng Anh, tôi nhận thấy điều đó cũng gây ra một vài bất lợi trong giao tiếp nên tôi đã đăng ký khóa học tiếng Nhật kể từ 2 tháng trước, tôi xác định sẽ theo đuổi sự nghiệp ở quý công ty lâu dài nếu tôi là người may mắn được lựa chọn”. Còn khi nói về điểm mạnh, đừng chỉ nói suông mà hãy dẫn dắt và tạo ra mối liên hệ giữa chúng với vị trí bạn ứng tuyển, rằng bạn sẽ làm được những gì với những điểm mạnh đó.
5. Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
- – Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này? Nhà tuyển dụng muốn biết điều gì đã thôi thúc bạn, bạn có nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty họ hay chưa và bạn mong muốn công việc này đến như thế nào.
- – Đâu là điểm khiến bạn dễ bị đánh lừa? Một trong những sai lầm thường thấy là bạn sẽ biến hàng loạt những điều tiêu cực ở công ty cũ thành cái cớ cho bạn ra đi và lấy điểm nổi trội của công ty bạn phỏng vấn thành lý do để bạn nhảy việc, chẳng hạn “Mức lương ở công ty cũ chưa tương xứng với năng lực của tôi. Tôi cảm thấy quý công ty có các chính sách đãi ngộ và lương bổng như những gì tôi đang kì vọng” hay “Tôi có một ông sếp cực kỳ xấu tính, tôi nghĩ mình sẽ tìm được cấp trên tốt hơn nếu được làm việc tại đây”.
- – Bạn nên hồi đáp ra sao? Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã dành thời gian để nghiên cứu và có những am hiểu nhất định về lĩnh vực hoạt động của công ty họ, bạn thậm chí còn vạch sẵn kế hoạch để giúp công ty gặt hái thêm thật nhiều những thành công mới.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam