iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Người sa phu nước Nhật

1-10-4-nhatban

“Người sa phu mang trong mình lịch sử Nhật Bản”

Ở giữa lòng một thành phố Tokyo hiện đại với nhịp sống tất bật và nhộn nhịp, với những tòa nhà cao chọc trời khiến con người bỗng chốc trở nên nhỏ bé, bỗng xuất hiện hình ảnh những người phu xe hiền hòa với chiếc xe kéo kiểu xưa, đưa khách du lịch dạo quanh thành phố với nụ cười luôn nở trên môi và một lòng tự hào to lớn. 

Hôm nay người viết sẽ dành riêng một chủ đề dành cho họ, Người Phu Xe Nước Nhật – những người được cho là “mang trong mình một phần lịch sử Nhật Bản”  – trích theo lời bình luận của diễn giả Hồ Nhựt Quang, Solomon Vietnam.

Đôi nét vắn tắt về lịch sử xe kéo ở Nhật

Nếu có dịp được nghe các nhà nghiên cứu văn hóa kể chuyện, bạn sẽ thấy nước Nhật có một nền văn hóa rất gần gũi và có nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Sự tương đồng đó thể hiện qua những phong tục tập quán hàng ngày, qua cách thờ cúng, qua phong tục cưới hỏi, lễ hội, trang phục, biểu tượng dân gian …. nhiều đến mức bạn ngầm tưởng hai nước đã có sự giao thoa văn hóa từ những buổi đầu của thời kì lập nước.

Hình tượng xe kéo cũng vậy, xe kéo bắt đầu xuất hiện ở Tokyo gần 150 năm trước, là phát minh của 3 người Nhật Bản và bắt đầu phổ biến vào năm 1870 khi nó được chính phủ nước Nhật cấp phép sản xuất. Vậy mà chỉ 13 năm sau, nó đã chính thức xuất hiện tại Hà Nội do thông sứ người Pháp Jean Thomas Raoul Bonnal cho du nhập vào. Sau nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, xe kéo tại Việt Nam dần bị loại bỏ và thay thế bởi một phương tiện khác: đó là chiếc xích lô vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Duy chỉ có người Nhật là đặc biệt lưu giữ lại xe kéo, thậm chí còn xem nó như là một biểu tượng văn hóa đặc biệt, có sức mạnh trường tồn với thời gian. Do đó, chiếc xe kéo vẫn giữ được nguyên bản như kiểu thiết kế cũ, được đặt chiễm chệ giữa đường phố, hãnh diện và uy nghi, khiến cho du khách các nước không khỏi cảm thấy ngạc nhiên và thú vị.

Hình tượng người sa phu nước Nhật

cau_chuyen_ve_samurai_va_van_hoa_cui_dau_cua_nguoi_2

Chính vì biểu tượng xe kéo có một vị trí quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản như thế nên người phu xe nghiễm nhiên cũng trở thành một biểu tượng văn hóa không thể tách rời. Sứ mệnh “tái hiện một phần lịch sử văn hóa Nhật Bản” được thể hiện qua công việc lao động thường ngày của họ. Cũng vì lẽ đó, hình ảnh người phu xe cần cù chở khách tham quan dạo quanh thành phố luôn được người Nhật yêu quý và rất xem trọng.  

Đối với bản thân người sa phu, họ cũng không hẳn là những người tầm thường. Vì hiểu được ý nghĩa quan trọng thông qua nghề nghiệp, họ không ngừng học hỏi và trau dồi văn hóa nước nhà, am hiểu lịch sử văn hóa và các triều đại, những lịch sử các con đường trong thành phố. Để rồi một khi khách du lịch đã bước lên xe, họ sẽ huyên thiên về mọi câu chuyện văn hóa Nhật Bản với lòng tự hào và lòng yêu nước sâu sắc.

Câu chuyện ngắn của cụ Phan Bội Châu

phanboichau1

Trong thời gian du học ở Nhật Bản, cụ Phan Bội Châu đã có dịp trải nghiệm dịch vụ phu xe ở Nhật và kể lại một câu chuyện vô cùng thú vị về người phu xe như sau:

Số là khi vừa chân ướt chân ráo lên Tokyo cùng với cụ Tăng Bạt hổ, hai người có ý định đi tìm người bạn Trung Quốc tên là Ân Thừa Hiến. Khi vừa đưa danh thiếp cho người phu xe, người ấy lập tức chở cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đến địa chỉ ghi trong danh thiếp để liên hệ người cần tìm. Rủi thay, khi đến nơi thì mới biết cậu học sinh Ân Thừa Hiến đã chuyển đi chỗ khác, không còn nghe tin tức gì nữa.

Giữa lúc hai cụ lo lắng không biết phải làm như thế nào, thì người phu xe bình tĩnh bảo “Các ngài hãy cứ chờ tôi ở đây vài ba tiếng, tôi đi tìm chỗ ở của người đó, rồi sẽ quay lại”.

Thử nghĩ mà xem, Tokyo rộng lớn như thế, biết bao nhiêu con đường, địa điểm, vậy mà còn phải tìm một câu học sinh người Trung Quốc chỉ biết tên mà không biết mặt quả thật là một chuyện không hề dễ dàng chút nào. Rồi khi tìm được chắc còn phải trả một khoản phí không hề nhỏ, mà trong khi túi tiền đã gần cạn kiệt. Nghĩ vậy, hai cụ lại càng lo lắng, bồn chồn.

Vậy mà, chỉ ba giờ sau, người phu xe ấy đã trở lại, dẫn hai cụ đến một lữ quán có treo biển “Thanh quốc Vân Nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến”, rốt cuộc cũng đã liên hệ được người mà hai cụ cần tìm.

Bất ngờ hơn nữa, khi hỏi về tiền công, người phu xe chỉ nhẹ nhàng “2 hào 5 xu”. Không chần chừ, cụ Phan Bội Châu rút ra ngay một đồng bạc nhằm trả ơn cho sự giúp đỡ của người phu xe.  Lúc này, người phu xe bỗng đứng thẳng lên, khẳng khái đáp lại:

Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ nhà ga Tokyo đến nhà trọ này, giá xe chỉ có ngần ấy. Vả lại các người là ngoại quốc, yêu mến văn minh nước NHẬT mà đến đây; Vậy ta nên hoan nghênh các vị, chứ không phải hoan nghênh tiền bạc đâu. Bây giờ, các người cho tôi tiền xe vượt quá lệ, thế là KHINH BẠC NGƯỜI NHẬT BẢN đó!“.”

Sau khi nghe xong, cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ không khỏi ngạc nhiên, càng tăng thêm phần kính phục tấm lòng và nhân cách của người sa phu nước Nhật, và lấy lòng tủi hổ cho hành vi thiếu hiểu biết của mình.

                                                                        Theo RED.VN

————————————————————————————

Bài viết dựa trên quan điểm của diễn giả

Hồ Nhựt Quang, Solomon Vietnam



Là người có niềm đam mê điện ảnh và du lịch, tôi thích thưởng thức những bộ phim hay, đậm chất điện ảnh và nhân văn. Lan tỏa những điều tích cực là điều tôi đang và sẽ làm nhiều hơn nữa trong tương lai.
back-to-top iconicjob