iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Dịch vụ xe kéo với mức giá $150–200/1h ở Nhật

Nếu như đến Việt Nam trong một ngày đẹp trời, du khách thường cảm thấy thú vị và mong muốn trải nghiệm một vòng đường phố trên những chiếc xích lô ngộ nghĩnh thì khi đến Nhật Bản, du khách cũng khó lòng chối từ một phương tiện di chuyển tương tự : đó là chiếc xe kéo Nhật Bản, nhưng có điều là với một  mức giá … TRÊN TRỜI $100 – 150/1h kéo xe.

Xe kéo Nhật Bản

Dịch vụ xe kéo nhật bản

Sự khác biệt giữa dịch vụ xích lô Việt Nam và xe kéo Nhật Bản

Nếu ta xem xét hai loại dịch vụ đó là chiếc xích lô ở Việt Nam và chiếc xe kéo ở Nhật Bản, ta sẽ thấy có những sự khác biệt tuy nhỏ nhưng vô cùng đặc biệt, góp phần tạo nên những giá trị rất riêng của mỗi loại dịch vụ.

Thứ nhất: theo cảm nhận riêng của tác giả, thì giữa chiếc xích lô và chiếc xe kéo thì chiếc xe kéo ở Nhật có phần được trau chuốt hơn, chiếc xe được bảo quản và chăm chút rất cẩn thận từ người phu xe nên nhìn chung là rất đẹp và sạch sẽ. Chiếc xích lô của Việt Nam thì trong vòng 5 – 7 năm trở lại đây mới chính thức được làm mới trở lại, bỏ đi những chiếc cũ kĩ hoặc hư hỏng, thay vào đó là những chiếc mới sạch đẹp và tươm tất hơn.

7

Sự khác biệt giữa chiếc xích lô và chiếc xe kéo tại Nhật

Thứ hai: cũng là người phu xe nhưng người phu xe Nhật Bản lại có nét ăn mặc rất riêng và đặc biệt. Họ khoác lên mình bộ trang phục giống như những người phu kiểu xưa (xem ảnh), còn các bác phu nhà ta thì chọn lối ăn mặc giản dị và bình dân hơn nhiều.  Một điều nữa là hầu hết các phu xe người Nhật đều sành sõi tiếng Anh nên họ có thể dễ dàng giao tiếp và trò chuyện với khách du lịch ngoại quốc.

Người phu xe Việt Nam và Người Phu Xe Nhật Bản

Người phu xe Việt Nam và Người Phu Xe Nhật Bản

Thứ ba: cũng là một dịch vụ di chuyển chủ yếu dành cho khách du lịch nhưng mức giá có sự chênh lệch rất lớn, với 100,000 – 150,000 VND/ 1h cho xích lô Việt Nam và từ 2 – 3 TRIỆU VND / 1H cho xe kéo ở Nhật – Đắt Kinh Khủng !!!

Tuy nhiên, BẠN CÓ TIN KHÔNG? Theo người viết cảm nhận thì với 2 – 3 TRIỆU cho một cuốc xe kéo ở Nhật nhưng hầu hết hành khách đều cảm thấy … VUI VẺ và thoải mái móc hầu bao, trong khi chỉ với 100,000 – 150,000 VND cho một cuốc xích lô ở Việt Nam, nhưng không ít hành khách đã lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí bực tức vì phải trả thêm tiền cho những trường hợp gian dối, nâng giá, đòi thêm tiền boa  từ những người phu xe hám lợi.

VÌ SAO LẠI CÓ SỰ KHÁC BIỆT NHƯ VẬY ?

Hãy học cách làm văn hóa như người Nhật

1.      Sự khác biệt từ cái nhìn của người Việt và người Nhật

Đối với quan điểm cá nhân của người viết, sự khác biệt không nằm đâu xa, mà nó nằm trong chính cái nhìn của xã hội về một biểu tượng văn hóa cụ thể mà giá trị có thể phát sinh từ đó.

Từ lâu, đối với người Việt Nam nói chung, chiếc xích lô thường gắn liền với những lớp người lao động nghèo khổ, những mảnh đời cơ cực, phải lao động vất vả chỉ để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Thậm chí, hình ảnh ấy không ít lần được đưa vào phim ảnh với nhân vật là những bác xích lô đầu hai thứ tóc, không nhà, không gia đình, sớm hôm rong ruổi trên những con đường, tối về úp nón che mặt tìm đến giấc ngủ hòng quên đi chuyện đời. Chính vì vậy, hình tượng chiếc xích lô trong tâm thức người Việt thường gắn liền những giá trị nghèo khổ, với tầng lớp bình dân, với những số phận cùng cực nhất trong xã hội. Chính vì vậy, chiếc xích lô cho dù mang trong mình rất nhiều giá trị lịch sử, và văn hóa qua từng thời kì, nhưng nó ít khi được người Việt xem trọng và coi như là một biểu tượng văn hóa có giá trị cao. 

Ngược lại, trong văn hóa Nhật Bản thường có quan niệm không xét lại những chuyện đã qua. Tức đối với người Nhật, một khi điều gì đã là quá khứ thì cho dù nó có tốt hay xấu thì nó vẫn được tôn trọng và được xem là một phần của lịch sử. Một vị lãnh chúa hay tướng lĩnh sinh thời dù làm nhiều chuyện cường bạo, ác tâm với nhân dân thì khi mất đi vẫn được thờ phụng một cách cung kính như những lãnh chúa khác. Điều đó cũng được áp dụng với chiếc xe kéo, cho dù xe kéo gắn liền với một thời kì mang nặng tính phong kiến và giai cấp ở Nhật Bản, sự phân chia của tầng lớp quý tộc và dân đen, thì nó vẫn được xem là một biểu tượng không thể tách rời, là một phần hồn không thể thiếu của lịch sử.

2.      Giá trị du lịch xuất phát từ đây

Từ quan niệm ấy, người Nhật đã khéo léo đưa vào chiếc xe kéo những câu chuyện lịch sử gắn liền với từng thời đại, khiến cho nó trở nên có linh hồn và có giá trị văn hóa hơn bao giờ hết. Chính điều đó vô tình lại trở thành một nét đặc sắc để thu hút sự hiếu kì của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới mong muốn một lần trải nghiệm dịch vụ này. Một khi đã bước lên xe, hành khách sẽ được đối xử như một quý tộc quyền quý thời xưa, được chính bàn tay người phu kéo xe qua khắp các con đường, được lắng nghe câu chuyện văn hóa, lịch sử lâu đời của nước Nhật, của những con người và những công trình có bề dày lịch sử ngót vài trăm năm. Dường như trong lúc ấy, hành khách sẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự giao thoa giữa cái cổ kính và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, điều khiến cho nước Nhật trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Thông qua dịch vụ xe kéo, người Nhật ngầm nói với du khách rằng khi họ sử dụng dịch vụ của chúng tôi, tức là họ đang trải nghiệm một phần “giá trị tinh túy trong văn hóa của Nhật Bản” đấy. Vì vậy, mức giá cho dịch vụ này là không thể rẻ được !

3.      Người phu xe hạnh phúc

Đối với người sa phu, họ ý thức được mình cũng là một nhân chứng sống cho “1 phần lịch sử Nhật Bản”, họ càng trở nên yêu mến và có trách nhiệm với công việc của mình. Không chỉ vậy, họ còn luôn nhận được sự quý trọng và cái nhìn tốt đẹp từ xã hội, điều này khiến người sa phu thêm tự hào với công việc để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Và trên hết, với mức thu nhập không hề nhỏ đảm bảo giúp họ có một cuộc sống no đủ để có thể gắn bó với nghề bền bỉ theo thời gian.

Vì vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi sau một giờ ngồi trên xe kéo ở Nhật, bất chấp những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng, bạn vẫn sẽ luôn nhìn thấy một người phu hiền hòa, với nụ cười tươi rói trên môi, với cái miệng không ngừng huyên thuyên về mọi câu chuyện văn hóa tại Nhật bằng một sự tự hào và niềm hãnh diện to lớn. Liệu lúc đấy, hành khách có cảm thấy xứng đáng cho một khoản tiền tương đối lớn phải bỏ ra ?

Kết luận

Thông qua những điều đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy cái tinh tế trong cách làm du lịch cũng như giữ gìn những giá trị văn hóa của người Nhật. Cũng cùng là một chiếc xích lô hay một chiếc xe kéo, nhưng người sa phu ở Nhật bán đi cái giá trị của một biểu tượng văn hóa, còn người phu xe ở Việt Nam chỉ đơn thuần bán đi một cuốc xe bình dị và tầm thường. Chỉ điều đó thôi đã nói lên cái sâu sắc trong cách bảo tồn và quảng bá văn hóa của người Nhật.

Tuy vậy, người viết vẫn hy vọng rằng, một ngày nào đó chiếc xích lô Việt Nam cũng sẽ có một câu chuyện thực sự, để chiếc xích lô có thể lấy lại giá trị lịch sử của mình, để các bác xích lô có thể ý thức nhiều hơn trách nhiệm trong công việc của họ, để giá trị văn hóa ấy sẽ được khắc sâu và trường tồn với thời gian, trong tâm trí và cảm nhận của tất cả du khách khi một lần đến với Việt Nam.

——————————————————————————–

Bài viết dựa trên quan điểm của diễn giả

Hồ Nhựt Quang, Solomon Vietnam



Là người có niềm đam mê điện ảnh và du lịch, tôi thích thưởng thức những bộ phim hay, đậm chất điện ảnh và nhân văn. Lan tỏa những điều tích cực là điều tôi đang và sẽ làm nhiều hơn nữa trong tương lai.
back-to-top iconicjob