iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Mừng Tết truyền thống OShougatsu tại đất nước Nhật Bản

Tết tại Việt Nam đã đi qua, không biết có bạn nào tò mò về Tết ở Nhật Bản không nè? Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm những hoạt động truyền thống trong năm mới ở Nhật Bản, cũng như biết được Tết ở Nhật giống và khác Việt Nam như thế nào? Thì các bạn không nên bỏ qua bài viết này.

I. Ý nghĩa OSHOUGATSU

OSHOUGATSU là tên gọi của tháng Giêng tại đất nước mặt trời mọc hay còn có ý nghĩa là “ Chính Nguyệt “. Bắt nguồn của Oshougatsu là từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, đây là vị thần tượng trưng cho sự may mắn, làm ăn phát đạt và sức khỏe của người Nhật. Trước đây, Nhật Bản sẽ đón Tết âm lịch như một số quốc gia Châu á khác như: Trung Quốc, Việt Nam,… Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết vào ngày đầu tiên bắt đầu một năm mới tức là đón Tết dương lịch. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm ở xứ Phù Tang, một dịp để mọi người có thể tụ họp gia đình, cùng chia sẻ những vui buồn trong một năm đã qua cũng như là cơ hội để bạn bè gặp nhau trò chuyện, cầu chúc cho năm mới an lành , hạnh phúc, tràn ngập sức khỏe.

OShougatsu là gì

Mừng Tết truyền thông Oshougatsu ở Nhật Bản

Tết truyền thống Oshougatsu được diễn ra trong ba ngày từ ngày 1- 3 tháng 1. Người dân Nhật Bản thường chuẩn bị đón tết vào ngày 12/12 đến ngày 18/12, trong những ngày này họ sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sắm sửa đồ đạc, chuẩn bị đồ dùng để trang trí nhà cửa. Ngày 1/1 được xem là ngày bắt đầu một năm mới nên người Nhật quan niệm rằng nếu có thể ngắm mặt trời mọc vào ngày này thì họ sẽ có một năm đầy thịnh vượng, sức khỏe , vui vẻ và may mắn. Tết ở Nhật Bản chắc chắn sẽ có đôi chút giống với các quốc gia phương Đông, nhưng do đây là một đất nước rất quan trọng lễ nghi và truyền thống nên sẽ có một số đặc điểm nổi trội đặc trưng hơn so với các nước khác.

II. Các Hoạt động trước ngày Tết

Cũng như Việt Nam, người dân xứ sở hoa anh đào thường sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa , sắp xếp các đồ vật gọn gàng, bỏ đi những vật dụng không cần thiết với quan niệm sẽ rửa trôi mọi xui xẻo trong năm cũ để chào đón một năm mới đầy sự mới mẻ và may mắn trong năm mới. Ngoài ra, họ cũng sẽ chuẩn bị các đồ vật trang trí để cho ngôi nhà của mình thêm lộng lẫy.

OShougatsu là gì

Tất niên tại Nhật Bản

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các thành viên trong gia đình ở Nhật Bản sẽ cùng nhau ăn một bữa cơm tất niên thật thân mật và ấm cúng. Bữa ăn được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo với những món ăn truyền thống được làm từ cá, hải sản và ngũ cốc. Trong bữa ăn, mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn, những kỉ niệm đáng nhớ trong một năm vừa qua cũng như trao đổi với nhau về những dự đinh trong năm mới sắp đến trong không khí thật vui vẻ.

III. Treo bùa trước nhà

Vào dịp này, người Nhật thường sẽ treo một số loại bùa Shimenawa trước cửa nhà nhằm xua đuổi tà ma , và không cho những điều xui xẻo vào nhà của mình. Các gia đình ở xứ sở hoa anh đào thường sẽ treo trước cổng nhà hoặc trước cửa công ty mình những cây nêu hoặc cây Kadomatsu bao gồm những ống tre vát chéo kết hợp với những nhánh thông.

OShougatsu là gì

Treo bùa trước nhà người Nhật ngày Tết

Ngày xưa người ta thường dựng cây tùng vào ngày 13/12 hoặc ngày bắt đầu công việc chuẩn bị đón tết. Còn hiện nay, họ thường dựng cây tùng vào ngày 27 hoặc 28 tháng 12 và tránh dựng vào ngày 29 hoặc đêm giao thừa. Trên khung cửa của các gia đình hoặc công ty Nhật Bản còn trang trí các vật phẩm như: quả quýt, đồ đan bằng lá màu trắng, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng. Cây tùng tượng trưng cho sự trẻ mãi không già, lá cây màu trắng nói lên sự trinh bạch, trong sáng, dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch xui xẻo và xua đuổi tà ma,thừng bện bằng cỏ thường được treo trên các đền thờ, chùa hoặc nơi thờ cúng nhằm dâng lên thần linh cầu tài lộc.

IV. Món ăn ngày tết

Nếu như Việt Nam thường ăn bánh chưng , bánh dày , thịt kho hột vịt , mứt dừa,…Thì ở Nhật, vào ngày mùng 1 tết họ thường ăn bánh dầy Ozoni. Theo truyền thuyết Nhật Bản cổ xưa kể lại rằng, vào ngày tết, vị thần Toshidon đã xuất hiện và ban tặng cho các em bé vâng lời cha mẹ và ngoan ngoãn loại bánh này.

OShougatsu là gì

Súp bánh dầy Ozoni

V. Thờ cúng tổ tiên và các vị thần

Việc thờ cúng tổ tiên và các vị thần cũng là công việc đặc trưng của nhiều nước Châu Á, năm mới là dịp để kính nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần đã phù trợ cho họ vượt qua bao sóng gió, khó khăn. Nếu ở Việt Nam, thường chúng ta sẽ trưng bày mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày, các món ăn truyền thống ngày tết lên bàn thờ ông bà tổ tiên thì ở Nhật họ sẽ đặt bánh dầy hoặc bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính và mong được các vị thần kinh phù hộ may mắn, sức khỏe, bình an. Người dân Nhật Bản tôn trọng việc thờ cúng vì họ tin rằng giữa người sống và người chết luôn luôn có mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ nhau.

OShougatsu là gì

Thờ cúng tổ tiên ngày Tết ở Nhật

Vào những ngày Tết, con cháu thì sẽ thì thăm hỏi, khấn vái tiền nhân, cầu chúc cho họ có một cuộc sống nhẹ nhàng cũng như bày tỏ lòng biết ơn kính trọng đến với những người thân yêu. Tổ tiên thì phù hộ cho các thế hệ sau tràn ngập niềm vui, ấm no, hạnh phúc, mong con cháu ăn nên làm ra, phát triển trong sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.

Đây là một nghi lễ rất quan trong, không thể thiếu trong Tết truyền thống Oshougatsu tại đất nước Nhật Bản.

VI. Lì xì đầu năm

Cũng giống như Việt Nam, vào ngày đầu của năm mới, trẻ em Nhật Bản sẽ được nhận tiền lì xì từ bố mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình. Tiền mừng tuổi đó sẽ được gọi là Otoshidama. Người lớn ở Nhật trao cho con em họ những Otoshidama với mục đích mong sang năm mới, thêm một tuổi mới, đứa trẻ đó sẽ chững chạc, trưởng thành hơn, luôn vui vẻ và thành công trong học tập.

OShougatsu là gì

Lì xì đầu năm ở Nhật

Ngoài hoạt động mừng tuổi đầu năm, người dân xử sở mặt trời mọc có thêm một hoạt động truyền thống đó là viết bưu thiếp. Điều này, gần giống như văn hóa phương Tây khi mà người gửi sẽ viết những lời chúc tốt đẹp nhất, thể hiện tình cảm chân thành nhất của bản thân đến người được nhận tấm bưu thiếp đó. Hoạt động trên thể hiện rõ văn hóa “ Cám ơn “ của người Nhật.

VII. Đi chùa đầu năm

Khác với một số quốc gia Châu Á, người Nhật không thường viếng thăm nhà của người thân, bạn bè bởi họ quan niệm Tết Oshougatsu là Tết sum vầy, đoàn viên nên hầu như chỉ tổ chức khép kín trong gia đình.

OShougatsu là gì

Viếng chùa đầu năm ở Nhật

Thay vì đến thăm bạn bè thì mọi người thường đến các đền, chùa để cầu mong hạnh phúc, niềm vui, sự thăng tiến, sức khỏe và may mắn trong năm mới. Họ thường mua bùa cũng như rút quẻ và lấy quẻ đó để chiêm nghiệm cho những tháng tới trong năm. Đi chùa đầu năm đã trở thành phong tục truyền thống của người Nhật.



Tôi có niềm đam mê to lớn với du lịch, được đến những miền đất mới, được trải nghiệm những điều mới mẻ và lan tỏa những điều tích cực đến mọi người xung quanh là điều tôi luôn muốn thực hiện trong cuộc đời mình.
back-to-top iconicjob