Đi phỏng vấn 10 lần thì hết 9 lần bạn sẽ gặp phải câu hỏi này của nhà tuyển dụng “Hãy mô tả về công việc mà em đã từng làm”, không khó trả lời nhưng để trả lời đúng trọng tâm và thật sự gây ấn tượng cũng chẳng dễ chút nào.
Vậy tại sao nhà tuyển dụng thường có xu hướng đặt câu hỏi này ngay trong khoảng thời gian đầu của buổi phỏng vấn và câu trả lời lý tưởng mà họ muốn nhận được ở ứng viên là gì? Tất cả sẽ được giải đáp ngay bên dưới.
Lý do nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi này?
Giúp ứng viên thấy tự nhiên và thoải mái
Thật ra “Hãy mô tả về công việc trước đây” chưa hẳn đã là một câu hỏi, đó chỉ là lời đề nghị nhẹ nhàng của nhà tuyển dụng, nhằm giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong buổi phỏng vấn. Vì là vấn đề quen thuộc nên bạn sẽ cởi mở và tự tin chia sẻ, thể hiện được những điều bạn yêu thích trong công việc, bầu không khí cũng theo đó trở nên gần gũi và thân mật. Đây là cách tiếp cận ứng viên không mới của rất nhiều các nhà tuyển dụng.
Muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin
Kinh nghiệm làm việc trước đây đã được bạn rút ngắn khi trình bày trong CV xin việc, nếu nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu cụ thể hơn, họ buộc lòng phải đưa ra câu hỏi này với bạn. Hoặc nếu họ quá bận rộn, chưa có thời gian nhìn qua CV của bạn thì đây cũng là câu hỏi phù hợp để họ nắm nhanh các thông tin cần thiết. Vậy nên, đừng trả lời theo kiểu học thuộc lòng, đọc y nguyên những gì mà bạn đã viết. Hãy khai thác rộng hơn các công việc thường ngày mà bạn đã làm khi còn ở công ty cũ.
Kiểm tra xem ứng viên có đang nói dối
Không ít người chọn cách thêm thắt thông tin để hồ sơ của mình trở nên đẹp mắt, do đó, nhà tuyển dụng đã chủ động đặt ra câu hỏi này để kiểm chứng mức độ thành thật của ứng viên. Nếu như không thành thật hoặc không có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý, bạn sẽ ngay lập tức bị nhà tuyển dụng vạch trần. Chắc chắn, số điểm của bạn cũng bị ảnh hưởng không kém.
Câu trả lời mà nhà tuyển dụng mong chờ sẽ như thế nào?
Chú ý vào chất lượng hơn là số lượng công việc
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều thừa nhận rằng so với các công việc cụ thể mà ứng viên đã làm trong quá khứ thì điều họ quan tâm hơn cả chính là hiệu quả sau cùng từ những công việc kể trên. Thay vì chỉ liệt kê danh sách dài các nhiệm vụ, bạn hãy đưa ra số liệu rõ ràng minh chứng cho khả năng làm việc của mình.
Chẳng hạn: “Là một Trưởng phòng kinh doanh, công việc của tôi là đưa ra chiến lược hoạt động định kỳ và quản lý đội ngũ 20 nhân viên để hoàn thành nhiệm vụ. Trong 6 tháng đầu, doanh số phòng kinh doanh luôn đạt ngưỡng 110% và 6 tháng sau thì doanh số tăng ấn tượng lên mức 130%. Kết quả này góp phần tăng 12% doanh thu của toàn công ty…”
Trả lời ngắn gọn, điều chỉnh kinh nghiệm sao cho phù hợp
Nếu đã nghiên cứu kỹ lưỡng bản mô tả và yêu cầu công việc trước khi tham gia phỏng vấn, hẳn bạn đã định hình sẵn cho mình mô-tuýp trả lời phù hợp. Chỉ cần một chút biến tấu kinh nghiệm cũ sao cho phù hợp với công việc mới, bạn có thể chinh phục nhà tuyển dụng. Lưu ý là bạn đừng nói quá nhiều thông tin, chỉ cần chọn lọc những kinh nghiệm liên quan hoặc những chi tiết nổi bật nhất để trình bày. Càng trả lời ngắn gọn và súc tích càng tốt, đừng sa đà vào việc giải thích dài dòng, chi tiết.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam