Sau khi thực hiện các cuộc phỏng vấn, bạn cần phải một lần nữa rà soát và đánh giá lại từng ứng viên để báo cáo lên cấp trên nhưng vì sự chủ quan vào trí nhớ ngắn hạn của mình mà bạn đã không hề ghi chép bất cứ điều gì, đó là lý do dẫn đến sự bối rối khi lựa chọn. Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, gây lãng phí thời gian và thất thoát nhân tài cho tổ chức, bạn nên áp dụng theo 4 tiêu chí sau trong quá trình đánh giá.
1. Ấn tượng với từng ứng viên
Không phải ứng viên nào cũng biết cách khiến mình trở nên nổi bật trước nhà tuyển dụng, vậy nên không khó để bạn có thể ngồi nhớ lại ai đã từng khiến mình cảm thấy ấn tượng trong vòng phỏng vấn vừa qua. Hãy miêu tả lại tính cách thú vị của ứng viên, những câu hỏi thông minh họ đã đặt ra cho bạn và thái độ của họ mỗi khi trả lời. Từ đây, bạn có thể đánh giá sơ bộ mức độ phù hợp của các ứng viên với môi trường làm việc và chọn ra một vài cái tên tiêu biểu nhất.
2. Chấm điểm ứng viên theo thang điểm
Trong những trường hợp phải phỏng vấn nhiều ứng viên, bạn không thể sử dụng trí nhớ để lưu lại thông tin mà bắt buộc phải ghi chú hoặc quy ra từng thang điểm cố định. Đây là cơ sở để bạn so sánh, đối chiếu và chọn ra ứng viên xuất sắc nhất. Đừng ỷ lại vào bộ não với hơn 100 tỉ nơ ron thần kinh của mình, trừ khi bạn là thần đồng về trí nhớ, còn lại 99% bạn sẽ không thể nhớ chính xác những gì đã xảy ra với (n) ứng viên trong vòng phỏng vấn.
3. Luôn công bằng dù ứng viên đến sau hay đến trước
Không chỉ bạn mà đa số các nhà tuyển dụng thường đặc biệt ghi nhớ các ứng viên phỏng vấn đầu tiên hoặc sau cùng mà gần như quên mất những người xuất hiện trong giai đoạn giữa. Hãy đặt mình vào trường hợp của họ để nhận ra rằng bạn ích kỷ và cảm tính nhường nào. Rõ ràng là khi bạn muốn chuyển việc và phải đối mặt với những nhà tuyển dụng khác dưới tư cách một ứng viên thì bạn cũng không mong điều này xảy đến với mình đúng không nào? Vậy nên, lời khuyên cho bạn là nên giữ sự tỉnh táo và cân nhắc để đưa ra quyết định khách quan vì thật sự sẽ rất đáng tiếc cho những ứng viên tài năng nhưng bị đánh rớt bởi sự “vô tâm” của chính bạn.
4. Tổng kết những ứng viên được quyền bước tiếp
Sau khi cân đo đong đếm kỹ lưỡng, bạn phải loại bỏ bớt những ứng viên không đáp ứng đủ các hồ sơ cơ bản hoặc kinh nghiệm không liên quan. Giờ thì danh sách các ứng viên tiềm năng sẽ được rút gọn chỉ còn vài ba cái tên, việc cuối cùng của bạn là sắp xếp chúng một cách khoa học và trình lên cấp trên để tiến hành những giai đoạn tiếp theo của kế hoạch tuyển dụng, chẳng hạn: phỏng vấn lần 2, làm bài test năng lực, phỏng vấn nhóm…
Trên đây là 4 bước cơ bản nhưng không kém phần quan trọng mà bạn nên ghi nhớ sau mỗi cuộc phỏng vấn, đặc biệt là khi bạn mới vào nghề chưa lâu. Hy vọng bạn sẽ luôn cảm thấy yêu công việc tuyển dụng và trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để làm chủ một sự nghiệp thành công.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam