Nhìn những người đồng nghiệp liên tục được sếp khen thưởng vì hoàn thành công việc xuất sắc, bạn có bao giờ cảm thấy “chạnh lòng” và tự đặt câu hỏi vì sao. Vì sao bạn luôn cảm thấy không đủ thời gian trong một ngày? Vì sao bạn luôn nằm trong danh sách những nhân viên làm việc yếu kém?
Đừng vội tự ti về năng lực, rất có thể bạn chính là nạn nhân của những thói quen tai hại sau đây.
1. Kiểm tra điện thoại, email, các trang mạng xã hội trong giờ làm việc
Mở ngay tab Facebook, LinkedIn, Instagram hoặc nhanh chóng đăng nhập vào email để kiểm tra khi vừa khởi động máy là những dấu hiệu cho thấy bạn dễ bị xao nhãng và mất tập trung trong công việc.
Một khảo sát cho thấy, trung bình một người thường bỏ ra khoảng 2 tiếng mỗi ngày, tương đương ¼ thời gian làm việc chỉ để liên tục truy cập và kiểm tra các trang mạng xã hội. Thói quen này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả làm việc, khiến bạn thường xuyên trì hoãn công việc và tạo nên áp lực cho chính bạn trong những trường hợp deadline đến cận kề.
Ngoại trừ những công việc bắt buộc phải sử dụng các tài khoản mạng xã hội như nhân viên chăm sóc fanpage, nhân viên xử lý đơn hàng qua email hay nhân viên tư vấn qua điện thoại, tốt hơn hết, bạn nên hạn chế sử dụng chúng hoặc phân bổ thời gian hợp lý để kiểm tra. Tuyệt đối đừng “đắm chìm” vào điện thoại hay mạng xã hội vào những giờ mà bạn có thể tập trung và sáng tạo tốt nhất, nếu không, bạn sẽ phải mất thêm ngày hôm sau chỉ để hoàn thành mớ công việc dở dang của ngày hôm trước.
2. Luôn luôn trì hoãn
Trì hoãn là căn bệnh phổ biến của dân công sở. Sếp giao nhiệm vụ thì viện mọi lý do để kéo dài, khi bị nhắc nhở mới bắt đầu vắt chân lên cổ mà chạy. Chính vì làm gấp rút nên bạn không có thời gian để kiểm tra kỹ lưỡng và thế là kết quả công việc vô cùng tệ hại. Không chỉ phải làm đi làm lại mà bạn còn bị mất điểm trầm trọng trong mắt sếp và mất mặt với đồng nghiệp xung quanh. Đừng nghĩ đến chuyện thăng tiến, thậm chí đến cơ hội bạn được giữ lại lâu dài cũng không có gì đảm bảo.
Hãy lập danh sách cụ thể các công việc chưa làm, đang làm và đã làm để luôn kiểm soát được tiến độ và có phương án điều chỉnh kịp thời, bạn sẽ hoàn toàn thoát khỏi tình trạng bế tắc hay trì hoãn.
3. Lựa chọn sai thứ tự ưu tiên công việc
Nhiều người thường có suy nghĩ dễ làm trước, khó để sau, hoàn thành những công việc đơn giản sẽ khiến bản thân có thêm động lực để xử lý những việc cần nhiều chất xám còn lại. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn trái ngược.
Bận rộn với những nhiệm vụ không quan trọng dễ khiến bạn trở nên lười biếng và nảy sinh tâm lý ỷ lại, đánh giá thấp những nhiệm vụ phía sau. Bạn cứ thong dong cho đến khi phát hiện ra công việc phức tạp hơn bạn nghĩ và chính vì lẽ đó mà đôi khi, dù có cố gắng là “cú đêm”, dính chặt tại bàn làm việc thì bạn cũng không thể nào “trả task” đúng hạn như yêu cầu của sếp.
Hãy sắp xếp và phân chia công việc một cách thông minh, khoa học. Chẳng hạn, mỗi ngày bạn sẽ đề ra mục tiêu phải hoàn thành 3 công việc, trong đó có 1 công việc ở mức độ khó và 2 công việc “dễ nuốt”. Mục tiêu này khiến bạn có đủ năng lượng để hoàn thành, không chán nản vì công việc quá dễ dàng, cũng không bị căng thẳng vì công việc quá khó.
4. Dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ
Tất nhiên trước khi hành động, bắt tay vào công việc, bạn cần phải có thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Bạn cần phải tìm hiểu thông tin, phân tích vấn đề, lên kế hoạch… nhưng đừng để chúng chiếm hết thời gian của bạn. Việc suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến bạn chần chừ và vô tình bỏ lỡ những cơ hội vàng trong sự nghiệp. Vả lại, chỉ khi thật sự tiến hành, bạn mới biết được có những khó khăn, thử thách gì đang chờ đón.
Vậy nên, thay vì ngồi hàng giờ tự mình vẽ ra nhiều viễn cảnh, hãy để tâm trí được thoải mái và bắt tay vào những việc bạn cần làm.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam