Đưa thông tin của sếp cũ, đồng nghiệp cũ vào danh sách người tham khảo (Reference) để tăng mức độ đáng tin cậy cho CV xin việc đang dần trở thành bước cuối cùng không-thể-thiếu của hầu hết ứng viên khi muốn hoàn thiện hồ sơ, mặc dù không nhà tuyển dụng nào yêu cầu bạn phải làm điều đó.
Tuy không đóng vai trò quyết định như kinh nghiệm làm việc hay kỹ năng nhưng người tham khảo vẫn có sức ảnh hưởng khá lớn, có thể chi phối đến tiến trình ra quyết định chọn người của nhà tuyển dụng. Người tham khảo càng đặc biệt quan trọng khi bạn ứng tuyển vào các công ty Nhật Bản, nơi vốn nổi tiếng là đánh giá gắt gao cả về tính cách lẫn thái độ làm việc ở công ty cũ của ứng viên. Vậy nên, đừng nghĩ rằng ai cũng có thể trở thành người tham khảo tuyệt vời, giúp ích cho bạn trong quá trình tìm việc, hãy ghi nhớ 3 điều sau trước khi viết tên một ai đó trong CV xin việc.
1. Cân nhắc kỹ càng
Dù không phải nhà tuyển dụng nào cũng liên hệ với người tham khảo để tìm hiểu về ứng viên của mình nhưng bạn cũng nên thận trọng và cân nhắc khi lựa chọn một cái tên đưa vào danh sách. Hãy chỉ chọn những người đáp ứng được các yếu tố sau đây:
- – Họ có địa vị xã hội tốt và có khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng: Câu trả lời xuất sắc của người tham khảo có thể không giúp hồ sơ của bạn ghi thêm điểm nhưng nếu bạn chọn sai người – những người chỉ biết trả lời độc nhất một đáp án “Có” hoặc “Không” thì vô tình, đó lại là nguyên nhân khiến hồ sơ của bạn bị xếp sau đối thủ. Càng chọn người có uy tín trong ngành hoặc có tài ăn nói thì cơ hội đậu phỏng vấn của bạn càng cao.
- – Họ thật lòng muốn bạn thành công: Chỉ những người thực sự quan tâm và mong bạn thành công trong sự nghiệp mới không nói những lời gây bất lợi, họ sẽ cố hết sức để nói tốt về bạn với nhà tuyển dụng.
- – Hiểu rõ điểm mạnh, yếu và năng lực tiềm ẩn của bạn: Một trong những điều quan tâm nhất của nhà tuyển dụng chính là điểm mạnh của ứng viên có thể mang lại lợi ích gì cho công ty họ và ứng viên có tiềm năng để phát triển trong tương lai nữa hay không. Vậy nên, nếu người tham khảo chưa từng làm việc hoặc không hiểu rõ được năng lực của bạn, đừng nên vội vàng đưa họ vào danh sách.
2. Hỏi ý kiến người tham khảo trước
Hãy hỏi ý kiến và chắc chắn nhận được cái gật đầu đồng ý của người tham khảo trước khi đưa tên họ vào CV xin việc. Hành động này thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như sự tôn trọng của bạn đối với người mà bạn muốn nhờ cậy, ngoài ra, chúng còn giúp họ chuẩn bị sẵn tâm thế để ứng phó kịp thời nếu nhà tuyển dụng có thực sự liên lạc. Đây cũng là cơ hội để bạn xác nhận lại thiện chí giúp đỡ của người đối diện, nếu họ tỏ ra lơ là hoặc không quan tâm thì họ chưa hẳn đã là người tham khảo tốt.
Xem thêm: Độ dài lý tưởng của CV xin việc
3. Hãy chắc chắn nhà tuyển dụng luôn liên lạc được với người tham khảo khi cần
Sẽ thật vô nghĩa nếu như nhà tuyển dụng không thể liên lạc với người tham khảo vì lúc đó bạn sẽ bị nghi ngờ gian dối, gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả đánh giá chung. Nếu không thì bạn cũng là một ứng viên thiếu cẩn thận (vì điền sai thông tin) khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bất an khi lựa chọn.
Để không xảy ra tình huống đáng tiếc kể trên, hãy đối chiếu thông tin với người tham khảo một cách kỹ càng và dặn dò họ luôn đặt điện thoại trong tầm mắt vào những giờ hành chính – khoảng thời gian thích hợp để nhà tuyển dụng liên hệ. Nếu được, hãy xin người tham khảo cả số điện thoại cá nhân lẫn số điện thoại công ty để phòng ngừa rủi ro.
Thông tin của người tham khảo được coi là đầy đủ nếu bao gồm những nội dung chính sau: họ tên, chức vụ, tên công ty, số điện thoại và email liên hệ. Đừng bỏ qua bất kỳ chi tiết nào tạo sự tiện lợi cho nhà tuyển dụng trong việc thu thập thông tin, họ sẽ thầm cảm ơn và có ấn tượng tốt về bạn.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam