iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

10 lần nhận xét thì hết 9 lần nhân viên “làm lơ”, sếp nên xử lý ra sao?

“Chị nhắc nhở em bao nhiêu lần rồi mà sao em vẫn cứ làm sai thế”

Hãy nói thật lòng đi, phải chăng đây là câu nói cửa miệng của bạn mỗi sáng? Dù mỗi ngày bạn có ra rả bên tai nhân viên bao nhiêu lần thì rốt cuộc đâu cũng lại vào đấy.

Không phải nhân viên của bạn không có khả năng mà nguyên nhân chủ yếu bởi họ không chú tâm vào những lời nhận xét và chỉ dẫn của bạn. Cảm giác khi dồn hết tâm trí và thật lòng đưa ra ý kiến đánh giá với mục đích giúp nhân viên ngày càng phát triển để rồi nhận lại là sự dửng dưng, “làm lơ” của chính chủ thật chẳng dễ chịu chút nào.

Cũng không hẳn là hết cách với tuýp nhân viên này, bạn hãy thử áp dụng những cách sau đây xem, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh-gọn-lẹ.

1. Không nên nóng giận

10-lan-nhan-xet-thi-het-9-lan-nhan-vien-lam-lo-sep-nen-xu-ly-ra-sao-1

Sự nóng giận luôn là ngòi nổ khiến cho sự việc ngày càng trở nên tệ hại, vì vậy hãy luôn nhắc mình giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Khi hai bờ môi không thể chạm vào nhau, bạn rất dễ buông ra những lời “cay đắng”, khiến nhân viên cảm thấy tự ái và quyết định dứt áo ra đi.

Không phải cứ là sếp thì lúc nào cũng phải tỏ vẻ quyền uy trước mặt nhân viên, nhịn đúng lúc thì không phải là nhục, thậm chí với sự điềm tĩnh hiếm có của mình, bạn sẽ được nhân viên kính trọng và nể phục hơn bao giờ hết.

2. Vạch rõ tình huống

Hãy giải thích rõ cho nhân viên biết rằng việc tiếp thu các ý kiến đóng góp là yếu tố tất yếu trong công việc, chúng không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của tổ chức mà còn phản ánh tính chuyên nghiệp về mặt hình ảnh của chính họ. Đây cũng là cơ sở liên đới trực tiếp đến kết quả đánh giá năng lực mỗi năm và khả năng tăng lương, thăng chức của mỗi cá nhân. Nếu họ cứ tiếp tục bỏ qua lời nhận xét của cấp trên thì họ sẽ phải chịu những hậu quả tương xứng.

3. Tự vấn bản thân

10-lan-nhan-xet-thi-het-9-lan-nhan-vien-lam-lo-sep-nen-xu-ly-ra-sao-3

Lỗi của người lãnh đạo là luôn tự cho mình đúng, đôi khi bạn cũng nên có những phút giây tự vấn lại mình. Có phải bạn đang đưa ra lời nhận xét chủ quan và phiến diện, bạn không theo sát nhân viên mà chỉ đánh giá thông qua hành động thu thập ý kiến từ những người đồng nghiệp xung quanh?

Sếp không phải là “thánh nhân” không bao giờ mắc lỗi, đừng bao giờ lấy chức vụ cấp trên ra rồi gán cho mình cái quyền trở thành Mr. Right mọi lúc. Bạn cũng nên chú ý đến cách truyền đạt lời nhận xét tới nhân viên, rất có thể chính cách nói không hợp lý của bạn mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự phản đối ngầm và làm lơ từ phía nhân viên.

4. Cho nhân viên cơ hội giãi bày

Giờ là lúc bạn cho nhân viên của mình một cơ hội để nói lên suy nghĩ, cuộc đối thoại hiệu quả luôn phải xuất phát từ 2 phía. Hãy cho nhân viên thấy rằng bạn có ý kiến riêng của mình nhưng cũng rất tôn trọng và muốn lắng nghe phản hồi của họ.

Cố gắng hạn chế sử dụng những từ ngữ mang tính tiêu cực và chủ quan, chẳng hạn thay vì nói “Tôi rất không thích cách bạn lảng tránh ánh mắt mỗi khi tôi đưa ra nhận xét”, hãy nói rằng “Mỗi khi tôi nhận xét, bạn thường nhìn xuống đất và tôi thật sự không biết bạn đang nghĩ gì. Bạn có thể chia sẻ được không?”…

Khi bạn tạo được niềm tin rằng mình là người sếp cởi mở, nhân viên của bạn sẽ mạnh dạn bộc bạch tâm tư và thẳng thắn biểu đạt quan điểm của riêng mình.

5. Bắt nhân viên phải thỏa thuận

10-lan-nhan-xet-thi-het-9-lan-nhan-vien-lam-lo-sep-nen-xu-ly-ra-sao-5

Đây là khoảng thời gian hợp lý để bạn có cuộc trò chuyện nghiêm túc với nhân viên. Sau khi đã làm sáng tỏ vấn đề, dù lỗi thuộc về ai thì bạn cũng nên nhắc lại một lần nữa yêu cầu về sự thay đổi của nhân viên.

Hãy làm rõ “Tôi có một số điều cần bạn lưu ý và cải thiện: …XYZ.. Sau này, khi tôi đưa ra nhận xét, nếu bạn cảm thấy không thỏa đáng hoặc gặp khó khăn gì, hãy trực tiếp nói với tôi. Tôi sẵn sàng lắng nghe và chúng ta sẽ cùng ngồi lại để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Bạn có đồng ý với cách làm này không?”.

6. Theo dõi sự thay đổi của nhân viên

Để mọi thứ đi vào đúng quỹ đạo, tình trạng cấp dưới làm lơ với nhận xét của bạn không còn diễn tiếp, hãy theo dõi và lưu tâm đến những chuyển biến của nhân viên, mỗi khi họ có thay đổi tích cực, đừng tiết kiệm lời động viên hay khen ngợi. Nhân viên sẽ hiểu rằng họ vẫn đang nằm trong sự quan sát của bạn, họ sẽ tự nhiên cảm thấy có trách nhiệm với hành động của mình và cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob