iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

8 câu hỏi khiến bạn phải cân nhắc đến chuyện “từ bỏ” giấc mơ làm lãnh đạo

Đã bao giờ bạn mơ về một ngày được ngồi ghế lãnh đạo, được mọi người kính trọng và nắm trong tay quyền quyết định những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của tổ chức? Chẳng ai muốn mình cả đời chỉ là nhân viên, đi theo sau người khác nhưng trở thành lãnh đạo đâu chỉ cần năng lực. Bạn phải chấp nhận một cuộc sống cô đơn, ngồi làm việc tới tận khuya thay vì hẹn hò với đồng nghiệp mỗi giờ tan sở, bạn cũng khó lòng lo trọn vẹn cho gia đình vì khoảng thời gian hạn hẹp và phải thường xuyên đi công tác… Trở thành lãnh đạo không phải chỉ là cơ hội mà còn là sự đánh đổi.

8 câu hỏi dưới đây sẽ khiến bạn phải giật mình, thậm chí cân nhắc đến chuyện từ bỏ giấc mơ to lớn của đời mình. Ở thời điểm chưa thích hợp thì việc kiên trì làm một nhân viên bình thường để tiếp tục học hỏi cũng chưa hẳn là một sự lựa chọn sai lầm.

1. Bạn có chấp nhận được sự cô đơn?

Để trở thành nhà lãnh đạo thành công, đôi lúc bạn cần phải gạt bỏ đi ý kiến của tất cả mọi người để bảo vệ quan điểm cá nhân, điều này dẫn đến những bất đồng và sự khó chịu của không ít nhân viên dưới quyền. Bên cạnh đó, khó có nhà lãnh đạo nào có mối quan hệ bình thường và gần gũi với nhân viên vì họ không thể tự do bộc lộ cái tôi hoặc tỏ ra quá thân thiết với mọi người. Nếu bạn là người coi trọng các mối quan hệ, không muốn che giấu suy nghĩ của mình và ngại việc làm mất lòng người khác thì có lẽ bạn nên bằng lòng với vị trí nhân viên như hiện tại hơn là gồng mình để trở thành lãnh đạo.

2. Bạn có khả năng dự đoán tương lai hay không?

8-cau-hoi-khien-ban-phai-can-nhac-den-chuyen-tu-bo-giac-mo-lam-lanh-dao-1

Nếu như là nhân viên, bạn chỉ cần giữ cho mọi thứ trước mắt được ổn định và trôi chảy nhưng nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo, bạn cần phải mở rộng tầm nhìn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Là người dẫn dắt, bạn phải có khả năng phân tích và dự đoán tương lai để hạn chế những rủi ro cho tổ chức, có như vậy bạn mới nhận được sự tin tưởng của tất cả mọi người. Thông qua tính cách của bản thân và quá trình làm việc suốt thời gian qua, bạn có thể tự nhận định và tìm thấy đáp án chính xác, ngoài ra, bạn cũng có thể lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh để có hướng đi đúng đắn nhất cho sự nghiệp.

3. Bạn có giỏi che giấu cảm xúc hay không?

Hầu hết những nhà lãnh đạo được nhân viên kính nể thường là những người tài năng và khó nắm bắt được cảm xúc. Chính vì không dễ dàng đọc vị nên họ mới khiến người đối diện phải dè chừng. Nếu bạn là người sống đơn giản, quen với việc bộc lộ suy nghĩ ra bên ngoài và thường không kiềm chế được những cơn nóng nảy, phấn khích… trước mặt những người xung quanh thì mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo không phải là con đường mà bạn nên hướng đến. Cần gì phải thay đổi khi công việc hiện tại khiến bạn hài lòng và bạn luôn là chính mình khi được sống thật với từng cảm xúc.

4. Bạn có phải là người truyền cảm hứng?

8-cau-hoi-khien-ban-phai-can-nhac-den-chuyen-tu-bo-giac-mo-lam-lanh-dao-2

Ngồi vào ghế lãnh đạo nghĩa là bạn không chỉ tìm kiếm nguồn động lực làm việc mỗi sáng mà còn có trách nhiệm phải lên dây cót tinh thần cho tất cả nhân viên, truyền cảm hứng để họ nỗ lực làm việc và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nếu như bạn chỉ quen với việc tự mình phấn đấu và cố gắng, cảm thấy ngượng ngùng với việc khích lệ mọi người thì không sao, bạn hãy cứ tiếp tục tận hưởng cuộc sống công sở vui vẻ trong tư thế của một nhân viên tài năng và trung thành với tổ chức.

5. Bạn có giỏi giao tiếp hay không?

8-cau-hoi-khien-ban-phai-can-nhac-den-chuyen-tu-bo-giac-mo-lam-lanh-dao-3

Hằng ngày phải tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm con người và thường xuyên tham dự các cuộc họp, kí kết hợp đồng, nhà lãnh đạo không thể là một người yếu về mặt giao tiếp. Nếu bạn mắc chứng ấp úng mỗi khi thuyết trình trước đám đông, bạn không phải là người đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác hoặc bản chất bạn đã là một người sống nội tâm không thích giao tiếp với mọi người thì cũng đừng tự ti, thay vì xây dựng và mở rộng các mối quan hệ, bạn có thể toàn tâm cho công việc. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không nên kì vọng về chiếc ghế lãnh đạo cho đến khi bạn cải thiện được yếu điểm không mong muốn này.

6. Bạn có kiên định và quyết đoán?

Để thu phục được nhân tâm và nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhân viên thì một nhà lãnh đạo phải có khả năng ra quyết định nhanh chóng và quyết đoán cũng như khả năng lập luận sắc bén. Nếu từ trước đến nay, bạn luôn là người theo sau và luôn bị thuyết phục bởi những lý lẽ của người khác, không có khả năng phản biện để bảo vệ chính kiến thì nhà lãnh đạo thực sự không phải là vị trí thích hợp mà bạn có thể đảm đương.

7. Bạn có chấp nhận rủi ro và mạo hiểm?

8-cau-hoi-khien-ban-phai-can-nhac-den-chuyen-tu-bo-giac-mo-lam-lanh-dao-4

Có phải sếp của bạn dù nhiều lần được nhân viên can ngăn nhưng vẫn quyết tâm bỏ ra số vốn không hề nhỏ để đầu tư vào những dự án mà tỉ lệ thành công, có thể thu về lợi nhuận thậm chí còn nhỏ hơn rất nhiều so với khả năng phải mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư? Thất bại có, thành công có nhưng sếp của bạn chưa bao giờ ngừng mạo hiểm chỉ vì mong muốn đưa công ty ngày một phát triển hơn nữa. Nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo, bạn cũng phải có những tố chất tương tự như sếp của mình. Bạn có chấp nhận rủi ro, thế chấp tài sản chỉ để theo đuổi đến cùng một ý tưởng kinh doanh chưa ai dám thử sức? Hay bạn chỉ muốn đều đặn làm việc mỗi ngày rồi chờ đợi tiền lương cuối tháng? Chỉ khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn, bạn mới có thể trở thành nhà lãnh đạo thực thụ.

8. Bạn có thể nắm bắt mọi thứ được hay không?

8-cau-hoi-khien-ban-phai-can-nhac-den-chuyen-tu-bo-giac-mo-lam-lanh-dao-5

So với việc an phận là một nhân viên bình thường, chỉ đảm nhận một số công việc nhất định, không đòi hỏi phải hiểu biết nhiều về các vấn đề chuyên môn khác thì khi trở thành lãnh đạo, để quản lý nhân viên và không bị họ “dắt mũi”, bạn buộc lòng phải tự trang bị cho mình một nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc bao gồm cả những lĩnh vực không phải là thế mạnh. Bạn có tự tin để thay đổi chính mình? Thay vì cố gắng làm chủ con số một cách khó khăn, bạn có thể chọn cách quay về “chơi đùa” cùng hình ảnh, vốn là sở trường của bạn. Tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn để trở thành chuyên gia, được mọi người tin tưởng vẫn tốt hơn là một kẻ “gà mờ” trong mắt nhân viên dù ở vị thế cao.

Thăng tiến trong sự nghiệp là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn, tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Nếu như là nhân viên khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và có động lực để phát huy tối đa khả năng của mình thì việc có trở thành lãnh đạo hay không cũng không phải là điều đáng bận tâm. Tùy thuộc vào mục tiêu khác nhau mà mỗi người sẽ có cho riêng mình một lựa chọn, tiếp tục với cuộc sống đơn giản hiện có hay gồng mình để đón nhận thử thách trở thành gã khổng lồ trong tổ chức.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob