Thăng chức, điều mà hầu hết những ai đi làm cũng đều mong muốn và phấn đấu hết mình để đạt được. Sẽ thật tuyệt vời nếu một buổi sáng bạn tới công ty và nhận được lời đề nghị thăng chức từ cấp trên. Thế nhưng có phải lời đề nghị nào cũng tuyệt vời đến mức bạn nên gật đầu ngay tắp lự? Sự thay đổi lên một vị trí mới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống của bạn, vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ rằng có nên chấp nhận nó hay không.
Trên thực tế, có thể có nhiều lý do khác nhau khiến bạn phân vân trước một lời đề nghị thăng chức. Đó có thể là:
1. Bạn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi này
Ở một vị trí mới cao hơn đồng nghĩa với bạn sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn hơn, trách nhiệm nhiều hơn. Và dĩ nhiên, bạn cần có thêm những kỹ năng để đáp ứng cho vai trò mới này. Có thể sếp đánh giá cao biểu hiện của bạn ở một vài dự án trước đó, nhưng liệu bạn có đủ khả năng để đảm nhiệm nó trong một thời gian dài. Nếu chưa thật sự tự tin, hãy bàn thảo thêm với sếp về những điểm yếu mà mình cần khắc phục và đón nhận cơ hội ở thời điểm khác.
2. Lời đề nghị đến không đúng thời điểm
Mặc dù bạn đã sẵn sàng cho mọi sự thăng tiến, nhưng nếu lời đề nghị thăng chức của sếp đến bất chợt vào thời điểm không thích hợp ví dụ như: bạn đang bận chăm sóc gia đình không thể di chuyển công tác tới nơi xa được, bạn đang phải hoàn thành một chương trình học mà không thể bỏ dở,… thì hãy cân nhắc mức độ quan trọng của hai bên để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
3. Bạn không muốn từ bỏ công việc yêu thích
Tìm kiếm và gắn bó với một công việc mình yêu thích là điều mà ai cũng muốn. Nếu ở vị trí mới bạn không còn được “sống với đam mê” của mình, không còn được lăn xả thực hiện dự án cùng các đồng nghiệp, không được sáng tạo sản phẩm theo những ý tưởng của mình nữa,… thì liệu bạn có nên đánh đổi những điều tuyệt vời này hay không?
Không chỉ riêng bạn mà ngay cả sếp cũng chỉ tạo ra được những điểm sáng trong sự nghiệp nếu đó là công việc xuất phát từ đam mê và sự yêu thích. Bạn nên mạnh dạn đề nghị sếp chia sẻ sâu hơn về vai trò mới mà họ muốn bạn đảm nhận, là người lâu năm trong nghề, sếp sẽ biết bạn có phải là mảnh ghép còn thiếu, phù hợp với vị trí mới hay không. Có lẽ không vị sếp nào “dại” đến mức “đem con bỏ chợ”, đặt nhân viên của mình lên chiếc ghế không vừa vặn để rồi nhận lại kết đắng là nhân viên cảm thấy chán nản và trốn chạy với tốc độ ánh sáng.
4. Bạn cảm thấy không thoải mái với đội ngũ mới
Những người đồng nghiệp hợp tác ăn ý sẽ giúp bạn đạt kết quả cao nhất trong công việc. Sẽ thật tốt nếu ở phòng ban mới bạn được gặp nhóm đồng nghiệp như vậy. Một nơi có những điều tiếng không tốt về nhân viên như làm việc rời rạc, đùn đẩy trách nhiệm, chia bè kết phái,… có thể sẽ là một nơi làm việc tồi tệ.
Bạn nên dành thời gian để dò hỏi mọi người xung quanh về những người đồng nghiệp mới sau khi đã nắm chắc trong tay danh sách. Đừng vội đưa ra kết luận tiêu cực khi phải xa rời không gian làm việc quen thuộc. Đây rất có thể là cơ hội để bạn mở rộng mối quan hệ, nâng cao khả năng giao tiếp và học hỏi thêm các kỹ năng mới. Cho đến khi bạn tìm thấy câu trả lời thì lời từ chối thăng chức vẫn là chưa muộn.
5. Trách nhiệm tăng nhưng lương không tăng
Bất kỳ nhân viên nào cũng đều chờ đợi mức lương cao hơn khi được thăng chức. Điều này là hoàn toàn xứng đáng cho những cống hiến và sự cố gắng mà họ bỏ ra. Nhưng nếu nhận vị trí mới mà mức lương của bạn vẫn vậy thì sao?
Phải chăng bản hợp đồng thù lao có điều gì sai sót, hãy đặt ra câu hỏi này ngay từ đầu thay vì an phận chấp nhận và than vãn rằng “Sếp keo kiệt đến thế là cùng”. Tuy nhiên, nếu sự thật là sếp chỉ tùy ý chọn bạn như người thay thế nhân viên cũ chứ không thật sự thăng chức cho bạn vì năng lực – lý do giải thích cho việc mức lương của bạn vẫn “nằm yên bất động” thì đừng ngần ngại nữa, hãy từ chối lời để nghị thăng chức này đi vì bạn xứng đáng nhận được những điều tuyệt vời hơn là một danh xưng “có tiếng mà không có miếng”.
Làm sao để từ chối một cách hoàn hảo nhất?
Khi nhận được lời đề nghị thăng chức từ cấp trên, dù bạn có phân vân hay thậm chí là đã có quyết định từ chối thì cũng không nên trả lời ngay lúc đó vì điều này có thể khiến sếp có những đánh giá không tốt về bạn. Trước hết, hãy bày tỏ sự biết ơn công ty đã dành cơ hội cho mình. Bạn cũng có thể trao đổi với sếp về định hướng sự nghiệp của mình, biết đâu lại nhận được những lời khuyên quý giá.
Sau khi cân nhắc và đi đến quyết định cuối cùng, nếu còn băn khoăn không biết nên từ chối cấp trên thế nào cho khéo léo, hãy làm theo những lời khuyên sau đây:
1. Trình bày với sếp lý do bạn muốn trì hoãn việc thăng chức:
Chắc hẳn bạn đã chọn cho mình được 1 lý do phù hợp nhất trong danh sách những lý do vừa liệt kê ở bên trên. Giờ bạn chỉ việc luyện tập trước ở nhà và trình bày chúng sao cho thuyết phục nhất trước mặt sếp, cố gắng kết hợp cả ngôn ngữ hình thể để không khiến sếp phật lòng nhé.
2. Gây ấn tượng rằng bạn rất đam mê công việc hiện tại và hài lòng với vai trò của mình:
Đưa ra những con số ấn tượng cho thấy bạn đã làm được những điều tuyệt vời nhờ vào tình yêu với công việc và ngầm cảnh báo với sếp rằng bạn sẽ không thể lặp lại thành tích như vậy khi phải chuyển sang công việc mới.
3. Cam kết mạnh mẽ với tổ chức rằng bạn sẽ làm việc chăm chỉ và hết mình trong vai trò hiện nay:
Hãy chứng minh cho sếp thấy không phải vì được chọn trong lần thăng chức này mà bạn sẽ tỏ ra tự phụ. Dù ở vị trí hiện tại thì bạn vẫn sẽ nỗ lực hết mình để giúp công ty phát triển.
4. Trao đổi với sếp về định hướng phát triển cụ thể của mình trong thời gian tới:
Đừng để lời từ chối lần này đóng lại cánh cửa thăng tiến của bạn trong tương lai, bạn nên làm sáng tỏ với sếp rằng khoảng thời gian này chỉ là khoảng nghỉ để bạn hoàn thiện, phát triển bản thân hơn nữa và bạn nhất định sẽ nắm bắt cơ hội thăng chức lần sau – khi bạn đủ năng lực đảm trách.
Chúc bạn có được sự lựa chọn tốt nhất và thành công trên con đường sự nghiệp của mình!
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam