Văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mọi doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trong các hoạt động kinh doanh, cũng như kết quả tuyển dụng. Vì vậy, xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiệu quả là điều cần thiết đối với mọi doanh nghiệp. Trong bài viết này, Glints xin chia sẻ những phương pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiệu quả nhất.
I. Văn hoá doanh nghiệp là gì?
Văn hoá doanh nghiệp là những giá trị văn hoá được xây dựng và hình thành trong doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của nhân viên…
Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp còn được thể hiện qua những tiểu tiết nhỏ nhặn như: trang phục đi làm của nhân viên, giờ làm việc, địa điểm làm việc, chế độ đãi ngộ của nhân viên, lương thương, doanh thu, dịch vụ khách hàng, hoạt động xã hội, sự kiện nội bộ,… Văn hoá doanh nghiệp sẽ được chỉnh sửa và phát triển theo thời gian. Tính cách, và năng lực của nhân viên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến văn hoá doanh nghiệp.
Trong một doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp sẽ có tác động vô cùng lớn tới niềm tin cũng cách thức tương tác giữa nhân viên và quản lý của công ty.
Văn hoá của những doanh nghiệp quy mô lớn tầm cỡ quốc tế cũng sẽ khác so với những doanh nghiệp quy mô nhỏ startup.
II. Tại sao cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp
1. Giúp nhân viên dễ dàng hòa nhập khi văn hóa doanh nghiệp cởi mở
Một doanh nghiệp khi muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh sẽ luôn đặt các giá trị cốt lõi lên hàng đầu, quan trọng hơn cả các khía cạnh của cơ cấu tổ chức và hoạt động hàng ngày của công ty. Thế nhưng nếu các giá trị đó không phù hợp với tư tưởng làm việc của cá nhân bạn, thì đó sẽ là một vấn đề lớn.
Lý do là vì nhân viên sẽ luôn yêu thích công việc của mình hơn khi nhu cầu và giá trị của họ phù hợp với những gì công ty đang hướng tới. Điều này cũng góp phần cải thiện khả năng tương tác của bạn với cấp trên và các đồng nghiệp trong quá trình giao tiếp và làm việc.
Vì vậy, sự không tương thích với văn hóa công ty sẽ cản trở sự hòa nhập của bạn với môi trường văn phòng và dần dần khiến bạn không còn niềm vui trong công việc.
2. Nâng cao năng suất và chất lượng mối quan hệ công sở
Luôn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chất lượng cuộc sống nơi công sở của nhân viên với năng suất làm việc của họ. Chất lượng cuộc sống ở đây được hiểu là sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như sự hài lòng của họ với doanh nghiệp. Một văn hóa công ty lành mạnh có thể giúp bạn đạt được hiệu quả cao với cả hai yếu tố trên.
Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển đời sống của nhân viên một cách toàn diện. Chính vì vậy, những hành động hỗ trợ từ phía công ty, như giờ làm việc linh hoạt, hay một môi trường làm việc cởi mở cho phép nhân viên có tiếng nói, là vô cùng quan trọng.
Tất cả những điều trên giúp bạn luôn đảm bảo được động lực và tinh thần tốt trong công việc. Thêm vào đó, việc được hỗ trợ đầy đủ các nguồn lực và công cụ sẽ giúp tăng năng suất và mức hiệu suất nói chung.
Hiệu suất tăng, thường xuyên đạt được mục tiêu đề ra sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều với công việc mình đang làm
3. Tác động tích cực đến sự gắn bó lâu dài của nhân viên
Các khoản lương thưởng có thể là mục đích của việc đi làm, nhưng thứ luôn tạo động lực đẩy bạn tiến lên chính là cảm hứng. Bạn muốn trở thành một phần quan trọng của công ty, và những đóng góp của bạn có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chung.
Văn hóa công ty có thể giúp bạn thực hiện điều này. Một trong những lợi thế lớn nhất của văn hóa công ty lành mạnh là nó có khả năng truyền cảm hứng cho các nhân viên và bạn là một trong số đó.
Một công ty xây dựng được văn hóa kinh doanh vững mạnh sẽ luôn biết cách khích lệ và tôn vinh các nhân viên của mình. Từ đó, bạn sẽ có động lực để cống hiến lâu dài, và trở thành một người không chỉ đóng góp vào văn hóa của tổ chức mà còn sẵn sàng quảng bá nó ra bên ngoài.
4. Ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng
Văn hoá doanh nghiệp tích cực và lành mạnh sẽ nâng cao hạnh phúc cho nhân viên. Từ đó họ sẽ đóng góp và làm việc năng suất, sáng tạo hơn.
Điều này phản chiếu trực tiếp lên cách mà họ ứng xử với khách hàng. Nếu nhân viên luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng khi làm việc, họ cũng sẽ lan toả luồng cảm xúc đó tới khách hàng. Họ có thể giới thiệu sản phẩm hay tư vấn cho khách hàng nhiệt tình và tràn đầy năng lượng như cách họ được đối xử trong văn hoá công ty.
Theo Gallup, các doanh nghiệp sở hữu nhân viên hạnh phúc có thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn 147% so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, bên cạnh các chiến lược kinh doanh, marketing, tầm nhìn hay sứ mệnh, văn hoá chính là chìa khoá dẫn đến thành công của mỗi doanh nghiệp.
III. Phương pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp sẽ giúp bạn tăng tỷ lệ giữ chân doanh nghiệp, cũng như tìm kiếm, thu hút và tuyển dụng thành công những nhân tài tiềm năng chất lượng và phù hợp nhất. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, và được thực hiện đồng bộ tại các cấp của doanh nghiệp. Chiến lược xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần được điều chỉnh và xem xét mỗi năm.
1. Xác định rõ ràng mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới
Tuỳ vào mỗi mục tiêu về kết quả kinh doanh, cũng như cách xây dựng thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp muốn hướng đến, chiến lược xây dựng văn hoá doanh nghiệp sẽ phản ánh đúng điều đó.
Khi đã xác định chúng một cách rõ ràng và rành mạch thì sẽ đưa ra được chiến lược để xây dựng văn hoá công ty trong thời gian sắp tới. Ví dụ cân nhắc xem trong thời điểm hiện tại thì phương hướng đầu tư nên tập trung vào cơ sở vật chất, con người hay là xây dựng văn hóa nhằm hướng tới tăng mức độ trải nghiệm với khách hàng.
2. Xác định rõ ràng giá trị cốt lõi đưa tới thành công
Có thể khẳng định rằng đây chính là bước cơ bản nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải tạo lập được một hệ thống những tiêu chuẩn, giá trị cốt lõi để đó chính là thước đo cho những hành vi, quá trình định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Những giá trị cốt lõi doanh nghiệp ấy phải được xác định một cách cẩn trọng để đảm bảo rằng theo thời gian nó vẫn trường tồn.
Ví dụ nếu doanh nghiệp của bạn xác định rõ ràng rằng khách hàng chính là giá trị cốt lõi trong quá trình phát triển doanh nghiệp thì tốc độ giao hàng, thái độ tư vấn của nhân viên, các dịch vụ chăm sóc khách hàng trước trước và sau khi mua hàng cần phải được chú trọng đầu tư trong tương lai.
3. Tự đánh giá và tiến hành cải thiện
Có thể nói đây chính là một bước cực kỳ khó khăn với mỗi doanh nghiệp bởi văn hoá doanh nghiệp không phải là một thứ hữu hình, ngay lập tức có thể chạm thấy và cảm nhận được nên thường bị nhầm lẫn với các tiêu chí đánh giá. Để xây dựng được văn hoá doanh nghiệp thật thành công cần phải nhìn lại thành tựu đã đạt được trong hành trình ấy. Công ty đã đạt được những gì, nhân viên đã đóng góp ra sao, thái độ phục vụ khách hàng có tốt không, tính kỷ luật trong doanh nghiệp có đang được phát huy không.
Từ đó để phát huy những điểm mạnh trong văn hoá và cải thiện khắc phục những điểm yếu. Những lỗ hổng trong văn hoá doanh nghiệp luôn tồn tại. Để xây dựng được văn hoá doanh nghiệp vững chắc thì cần phải tìm ra lỗ hổng, thiếu sót, kịp thời điều chỉnh. Bước này cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo rằng văn hoá doanh nghiệp luôn phát triển theo đúng những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
4. Xác định rõ vai trò của lãnh đạo
Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. Người đi đầu, dẫn dắt luôn cần phải chỉnh chu từ nếp sống, phong cách làm việc. Có như vậy thì văn hoá công ty mới có thể khởi sắc. Một lãnh đạo tốt và giỏi sẽ giúp cho nhân viên của mình có thể hiểu đúng họ cần làm gì và thay đổi những gì để hoà nhập và đưa công ty phát triển. Lãnh đạo sẽ là người mang sứ mệnh định hướng tầm nhìn, giúp nhân viên xóa tan những sợ hãi hay rào cản thách thức.
Vì vậy người lãnh đạo của một doanh nghiệp cần phải xác định rõ được vai trò của mình để đưa văn hoá doanh nghiệp ngày càng trở nên phát triển hơn nữa.
5. Lên kế hoạch hành động chi tiết
Sau khi đã hoàn thành những bước trên thì một trong những bước đóng vai trò vô cùng quan trọng đó chính là đưa ra một bản kế hoạch cụ thể. Trong đó sẽ cần phải bao gồm những mục tiêu chính, các mốc quan trọng, những hoạt động cụ thể cần phải làm. Ngoài ra cũng cần phải xác định rõ trong từng thời điểm, đâu sẽ là nhân tố được ưu tiên, đâu là những điểm cần phải tập trung nỗ lực. Đặc biệt là thời hạn để hoàn thành cũng cần phải được xác định một cách rõ ràng.
6. Tạo động lực cho nhân viên
Cơ bản trong mỗi kế hoạch chiến lược đều sẽ dẫn tới những thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Dù những thay đổi này lớn hay nhỏ thì đều ảnh hưởng trực tiếp tới nhân viên. Vì vậy nên cần phải để nhân viên hiểu rõ những thay đổi trong văn hoá doanh nghiệp sẽ đem tới những lợi ích thực tế nào đối với chính họ, sau đó là với doanh nghiệp. Chỉ khi hiểu được thì nhân viên mới có được động lực thay đổi.
Động lực thay đổi có thể được tiến hành bằng việc thiết lập một chế độ khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Những phần thưởng dành cho những nỗ lực phát triển, những lời động viên tới đúng lúc chính là động lực vô cùng mạnh mẽ giúp nhân viên có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng tốt đẹp.
IV. Các yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp
1. Yếu tố tầm nhìn
Khi cấu thành nên văn hoá doanh nghiệp yếu tố tầm nhìn được đưa lên hàng đầu. Bởi vì văn hoá doanh nghiệp xứng tầm và phát triển bền vững thì cần có những mục tiêu rõ ràng với một tầm nhìn mang tính chiến lược. Những mục tiêu xác định rõ ràng, rành mạch có thể định hướng được mọi quyết định trong nội bộ doanh nghiệp. Tầm nhìn sáng suốt cụ thể sẽ có thể đưa văn hoá doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn nữa.
2. Yếu tố giá trị
Có một sự thật không thể chối bỏ rằng đó chính là cốt lõi của nền văn hoá doanh nghiệp chính là giá trị của công ty, doanh nghiệp đó. Đây chính là yếu tố cốt lõi có giá trị định hướng hành vi cũng như tư duy của nhân viên trong doanh nghiệp. Nhờ những giá trị này mà nhân viên ý thức được nhiều hơn về vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xây dựng văn hoá công ty.
3. Yếu tố thực tiễn
Cơ bản sau khi đã xác định được chính xác về tầm nhìn, giá trị và đưa ra một kế hoạch chi tiết, nhà lãnh đạo cần phải vận dụng ngay vào thực tiễn để biết được những gì đang được vận hành tốt, những gì đang chưa được. Để từ đó có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. Lãnh đạo công ty có thể phát huy yếu tố này trong những hoạt động hàng ngày của nhân viên.
4. Yếu tố con người
Con người được đánh giá là một trong những yếu tố cốt cán, nền tảng để xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Nhờ có con người, những mục tiêu, tầm nhìn và đặc biệt là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ được xây dựng và phát huy. Chính vì thế nên để đảm bảo doanh nghiệp của công ty thì các doanh nghiệp đều có tiêu chí riêng biệt để tuyển chọn những ứng viên phù hợp.
5. Yếu tố từ sức mạnh của câu chuyện
Một câu chuyện độc đáo về lịch sử doanh nghiệp chính là điểm nhấn cần thiết của một công ty, doanh nghiệp. Chính những câu chuyện này sẽ trở thành một di sản của công ty và trở thành nét chấm phá ấn tượng trong quá trình hình thành nên văn hoá doanh nghiệp. Có thể hiểu rằng, nhờ việc khắc họa rõ nét hơn những câu chuyện phát triển của doanh nghiệp qua từng mốc thời gian thì văn hoá doanh nghiệp sẽ có nền tảng, động lực trở nên ngày một tốt đẹp hơn. Từ đó truyền lại những cảm hứng, nhiệt huyết cho nhân viên trong toàn bộ công ty xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: employers.glints.com