Những ai làm trong ngành tuyển dụng, trực tiếp phỏng vấn ứng viên mới hiểu được nỗi khổ và những tình huống tréo ngoe mà nghề này mang lại. Không chỉ là “mò kim đáy bể” để tìm được một CV ưng ý mà kể cả bạn có hẹn được ứng viên tiềm năng đến phỏng vấn hay thậm chí họ có đồng ý lời mời nhận việc đi chăng nữa thì họ cũng có thể bất thình lình cho bạn “leo cây” bằng cách biến mất không một lời nhắn nhủ.
Cùng nghe một số chia sẻ từ những người làm nghề để hiểu thêm về thực tế phũ phàng và cảm nhận của họ về các ứng viên thường xuyên thất hứa này nhé. Biết đâu đó, bạn lại thấy thấp thoáng bản thân mình trong đó.
Ứng viên và những lời hứa trên đầu môi
“Gọi điện hẹn ứng viên tham gia phỏng vấn, bạn ấy thể hiện rằng mình rất quan tâm đến công việc và bảo rằng sẽ đến đúng giờ. Mình gửi email để xác nhận lại ngày giờ và địa điểm thì bạn ấy vẫn khẳng định chắc chắn sẽ đến. Vậy mà đúng ngày giờ đã hẹn, chẳng thấy bóng dáng ứng viên đâu. Mình gọi điện thoại thì không thấy người trả lời, thử kiểm tra email cũng không thấy phản hồi gì. Vậy là hôm ấy, không chỉ phải chờ đợi một cách vô ích, mình còn bị cấp trên phàn nàn vì làm việc không hiệu quả…”
Giá như ứng viên chịu tìm hiểu kỹ càng trước khi ứng tuyển, đừng rải đơn xin việc một cách vô tội vạ hay chí ít cởi mở chia sẻ cảm nhận của mình với nhà tuyển dụng thì chắc sẽ không có cảnh “người mếu máo, kẻ kêu ca” như thế.
“Công ty mình đăng tuyển vị trí Nhân viên chăm sóc khách hàng, không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm. Sau khi phỏng vấn nhiều ứng viên, mình quyết định chọn một bạn vừa mới ra trường vì mình thấy thái độ của bạn ấy rất lễ phép và khả năng ăn nói rất tốt. Ngoài ra, mình cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn mới có thêm cơ hội để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Trao đổi xong xuôi, bạn ấy cũng bắt đầu nhận việc. Nhưng sau một tuần thì mình không thấy bạn ấy đi làm nữa, gọi điện mấy lần cũng không bắt máy. Chỉ thấy gửi cho mình một email bảo rằng công việc không phù hợp và không muốn làm nữa. Đến lúc này thì mình chỉ biết than trời trách đất.”
Biết rằng đôi khi lỗi xuất phát từ phía nhà tuyển dụng, cứ thần thánh hóa công ty để rồi ứng viên hụt hẫng ngay khi nhận việc nhưng nếu ứng viên cứ hành xử thiếu chuyên nghiệp như thế này thì làm sao có thể thăng tiến nổi. Chỉ cần một lần nằm trong danh sách đen của nhà tuyển dụng thì họ đã mất đi biết bao nhiêu cơ hội tốt vì mối quan hệ trong ngành này rộng lớn đến mức chính họ cũng khó có thể tưởng tượng hết được.
Tâm lý của nhà tuyển dụng mỗi khi bị ứng viên cho leo cây
Đối với nhà tuyển dụng, những lần thất hẹn của ứng viên không chỉ khiến họ có thái độ khó chịu, bức xúc, khó tính hơn trong khâu tuyển chọn mà còn đẩy họ vào tình huống không kém phần rắc rối: bị cấp trên la mắng, đánh giá thấp, bỏ mất một số ứng viên tiềm năng vì lỡ gửi email từ chối và phải bắt đầu tuyển dụng lại từ con số 0 tròn trĩnh.
Chuyện nghề thì muôn hình vạn trạng, khóc cười có đủ nhưng vì đam mê với nghề, nhà tuyển dụng vẫn phải “thêm nhiều lần tin” để tìm ra người tài cho doanh nghiệp. Họ cũng muốn được công nhận ứng viên thông qua năng lực và kỹ năng giao tiếp xã hội nhưng không có “đi” thì làm sao có “lại”.
Thiết nghĩ, nếu như ứng viên xem trọng việc ứng tuyển hơn một chút và nhà tuyển dụng cũng thẳng thắn hơn một chút, đừng vẽ ra bức tranh màu hồng đánh lừa ứng viên thì cả 2 bên có lẽ đã không mất niềm tin về nhau đến như vậy.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam