“Muốn người khác đối xử với mình thế nào thì hãy đối xử với mọi người như vậy”, câu nói của Karl Marx có còn đúng khi áp dụng trong môi trường làm việc? Chưa hẳn.
Nếu bạn đang có ý định phản bác thì khoan nóng tính nào, thử xem khi bạn quá tốt với đồng nghiệp, bạn sẽ gặp phải những phiền phức gì trước đã. Đọc xong hãy để lại bình luận bên dưới bài viết để bày tỏ quan điểm của bạn nhé!
1. Bị người khác lợi dụng
Khi đồng nghiệp cảm thấy bạn luôn thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ, họ sẽ không bỏ được thói quen nhờ vả bạn, thậm chí họ còn có tư tưởng xem bạn như người để “sai vặt” nơi công sở và tự cho mình cái quyền sai khiến bạn. Quá tốt bụng dễ bị ngầm hiểu là yếu đuối, không dám phản kháng, bạn sẽ bị lợi dụng không thương tiếc bởi những người đồng nghiệp xấu tính. Vậy nên, hãy chỉ tốt bụng có chừng mực và với một số người thật sự quan tâm, yêu quý bạn.
2. Lãng phí thời gian
Khi bạn đồng ý giúp đỡ, nhận thêm phần việc của người khác nghĩa là khối lượng công việc của bạn cũng gia tăng đáng kể, bạn phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhưng chưa hẳn công sức của bạn được ghi nhận. Nguy hiểm hơn, sự tử tế của bạn có thể ảnh hưởng đến các nhiệm vụ cá nhân, sếp mắng thì bạn cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Hãy học cách từ chối khi cần thiết và tự tin bảo vệ mình nếu bị đồng nghiệp chơi xấu, cướp công trắng trợn. Lòng tốt cần được đặt đúng chỗ, bạn được trả lương để làm việc chứ không phải để hầu kẻ khác. Cũng đừng sợ đồng nghiệp tẩy chay vì những khi được bạn giúp đỡ, họ mới thấy trân quý và đánh giá cao năng lực của bạn.
3. Bị đánh giá là người thụ động, nhàm chán
Mặc dù hầu hết mọi người đều mong được làm việc chung với bạn – người đồng nghiệp siêu tốt tính nhưng mặt khác họ lại không thực sự ấn tượng với tính cách của bạn, bạn trông có vẻ nhàm chán, nhạt nhẽo trong mắt họ. Thế mới nói thật khó làm vừa lòng tất cả, thôi thì bớt dễ dãi lại một chút và thêm chút cá tính cho riêng mình bạn nhé. Thỉnh thoảng khiến đồng nghiệp ngạc nhiên cũng khá thú vị đấy, bạn thử mà xem!
4. Lời nói của bạn không được lắng nghe
Có một thực tế là khi bạn ngại mở lời từ chối (dù khuôn mặt lộ rõ sự gượng gạo) thì đồng nghiệp của bạn cũng sẽ vờ như không biết và tiếp tục nhờ cậy. Lâu dần, họ sẽ mặc định bạn là người không biết nói “không”, họ sẽ thuyết phục cho đến khi bạn gật đầu đồng ý. Dù bạn có viện cớ rằng mình đang bận trăm công nghìn việc thì chẳng ai chịu lắng nghe bạn cả, lời nói của bạn dần trở nên mất trọng lượng và bị xem thường.
5. Khiến người khác nghi ngờ
Đôi khi tốt bụng quá với đồng nghiệp cũng dễ khiến họ nảy sinh tâm lý nghi ngờ, bởi lẽ họ không quen đối xử tốt với người khác nên họ cũng khó chấp nhận việc người khác chủ động giúp đỡ mình. Họ sẽ cố gắng tìm hiểu xem động cơ của bạn là gì, một số chọn cách né tránh bạn vì ngại phiền phức. Càng tốt bụng thì bạn càng khó được người khác tin tưởng và cũng khó có được tình bạn thân thiết với sếp, với đồng nghiệp.
6. Dễ bị đồng nghiệp tẩy chay
Nếu mọi người đã quá quen với sự tử tế của bạn thì một khi bạn quyết định “vùng lên”, bắt đầu từ chối mọi lời nhờ vả, họ sẽ quay sang đổ lỗi và cho rằng bạn trông thật ích kỷ. Dù đó có là chuyện hiển nhiên đi chăng nữa thì cũng chỉ mình bạn hiểu, đồng nghiệp sẽ mất thiện cảm và thậm chí còn ghét bỏ bạn.
Tóm lại, tốt bụng với mọi người không sai, chỉ sai khi bạn tốt bụng một cách không kiểm soát!
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam