Nếu là một ứng viên chuyên nghiệp, hẳn bạn đã biết phần đặt câu hỏi ngược rất quan trọng trong vòng phỏng vấn. Tuy nhiên, hỏi gì và hỏi vào thời gian nào để ghi điểm hay những câu hỏi nào không được đánh giá cao thì không phải ai cũng biết.
Theo như gợi ý của các chuyên gia nhân sự thì ngoài việc im lặng, không đặt câu hỏi (điều này tuyệt đối cấm kị), sẽ có một số câu hỏi mà bạn nên tránh sử dụng vì chúng sẽ khiến nhà tuyển dụng không thiện cảm, dễ tạo định kiến và đẩy buổi phỏng vấn của bạn rơi vào bi kịch, cụ thể là những câu hỏi sau đây.
1. Tôi có thể gặp quản lý cấp cao hơn được không?
Công ty tự có kế hoạch sắp xếp người phỏng vấn hợp lý với từng đối tượng ứng viên, đừng bao giờ có ý định “vượt mặt” nhà tuyển dụng bằng đề nghị muốn gặp mặt những quản lý cấp cao hơn, bạn đang vô tình thể hiện sự xem thường về người đối diện. Dù cho họ cố không tỏ thái độ khó chịu với bạn thì trong thâm tâm, họ gần như đã có quyết định loại bạn trong vòng này.
2. Tại sao quý công ty lại chọn tôi tham gia phỏng vấn?
Dù thực sự không biết mình có điểm gì phù hợp với vị trí này hay muốn khẳng định những dự đoán trong đầu thì bạn cũng không nên ngây thơ hỏi nhà tuyển dụng. Với kinh nghiệm trong ngành nhân sự, họ có những tiêu chí chọn người của riêng mình và đủ tỉnh táo để nhận diện nhân tài. Việc của bạn là hãy tin tưởng vào chính mình và dành tâm trí cho những vấn đề quan trọng hơn.
3. Công ty sẽ mang lại cho tôi những lợi ích gì?
Thôi nào, đây là lúc bạn phải cố gắng sử dụng kinh nghiệm và sự thông minh của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng chứ không phải đòi hỏi lợi ích cá nhân. Thiết nghĩ, khi bạn chưa thể chứng minh năng lực và chưa mang lại bất kỳ giá trị nào cho công ty thì câu hỏi của bạn thực sự rất không phù hợp với buổi phỏng vấn.
Bạn đang không thể hiện được niềm đam mê dành cho công việc mà chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy không hài lòng vì tính vị kỷ của bản thân, bạn nghĩ họ có muốn tuyển một người nhân viên như thế? Câu trả lời chắc chắn là “Không”, dù cho bạn có là ứng viên sáng giá như thế nào đi chăng nữa.
4. Tôi làm việc bao lâu thì sẽ được thăng chức?
Trước khi nghĩ đến chuyện tương lai xa xôi, hãy đảm bảo bạn vượt qua vòng phỏng vấn, vòng thử việc và được ký hợp đồng chính thức đã nhé, khi ấy bạn sẽ được phổ biến về lộ trình thăng tiến. Hoặc bạn cũng có thể khai thác thông tin từ những người đồng nghiệp mới. Đừng dại dột đặt câu hỏi quá sớm, “cầm đèn chạy trước ô tô” không giúp được gì cho bạn trong tình huống này cả.
5. Vị trí này đã có bao nhiêu ứng viên nộp đơn rồi?
Số lượng người ứng tuyển chung vị trí có phải là vấn đề khiến bạn lo ngại, bạn đang cảm thấy không tự tin với bản thân mình hay sao? Tôi chắc là nhà tuyển dụng sẽ có những suy nghĩ như vậy khi nhận được câu hỏi của bạn.
Đừng quá quan tâm đến những đối thủ xung quanh bạn, điều quan trọng là bạn nên biết rõ về khả năng của mình và tìm cách phát huy, khai thác chúng một cách tối đa. Quyết định chọn hay loại đôi khi vẫn bị ảnh hưởng bởi cảm tính, hãy khiến nhà tuyển dụng cảm nhận được sự tự tin toát ra từ con người bạn, đừng để mất điểm dù chỉ là một sơ suất nhỏ.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam