Không phải ai cũng có đủ năng lực và can đảm để yêu cầu tham gia buổi phỏng vấn nhà quản lý tương lai, tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ càng, bạn sẽ nhận thấy họ chính là những người quyết định trực tiếp đến tương lai của bạn.Thay vì bị động, đợi chờ kết quả đánh giá từ phía bộ phận tuyển dụng và lãnh đạo cấp cao, bạn có thể trở thành một trong những thành viên cùng đóng góp công sức vào quá trình lựa chọn ra vị sếp xuất sắc nhất trong vô vàn hồ sơ ứng tuyển nổi bật.
1. Đề nghị được tham gia
Thông thường, trong buổi phỏng vấn để tuyển chọn ứng viên (cũng đồng thời là sếp tương lai của bạn) chỉ có sự xuất hiện của bộ phận tuyển dụng và ban lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, là một nhân viên dưới quyền, hiểu biết rõ về phòng ban, bạn hoàn toàn có thể đề nghị được tham gia buổi phỏng vấn.
Để tránh lãng phí thời gian một cách vô ích, gây ảnh hưởng đến công việc, bạn nên nhờ cậy bộ phận tuyển dụng chỉ gửi thông báo cho bạn khi muốn sàng lọc lại các ứng viên tiềm năng nhất, đối với các trường hợp còn lại, bạn không nhất thiết phải tham gia. Bằng đôi mắt tinh tường của người nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, họ sẽ biết đâu là thời điểm thích hợp nhất mà bạn nên xuất hiện.
2. Xem qua hồ sơ ứng viên
Để buổi phỏng vấn thực sự hiệu quả, bạn nên nghiên cứu trước các bộ hồ sơ ứng viên. Hãy chú ý đến quá trình công tác, những công ty mà người này đã từng làm việc, những thành tựu họ đạt được trong sự nghiệp và cả các nhân viên “hạt nhân” từng là thành viên trong nhóm của họ trước kia. Các yếu tố này sẽ phản ánh được năng lực cũng như phong cách và khả năng lãnh đạo của nhà quản lý tương lai, từ đó xác định mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Nếu như có bất kì thắc mắc nào về thông tin mà ứng viên trình bày trong CV xin việc, đừng quên ghi chú lại và làm rõ ngay trong buổi phỏng vấn.
3. Bày tỏ mong muốn với các ứng viên tiềm năng
Nhiều người thường cảm thấy e dè, thậm chí là lo sợ khi đối mặt với người sẽ trở thành sếp tương lai. Chính vì lẽ đó, họ thường im lặng mà không dám chia sẻ suy nghĩ hay mong đợi về sếp mới. Đây là một sai lầm mà bạn không nên mắc phải.
Việc phó mặc cho sếp toàn quyền quyết định cách thức quản lý và phân bổ công việc có thể dẫn đến sự mâu thuẫn trong nhóm, khiến cho chất lượng công việc giảm sút. Nhân viên cấp dưới sẽ nảy sinh sự bất mãn dành cho cấp trên. Còn sếp mới vì không nhận được ý kiến đóng góp nào của nhân viên, cứ thế làm theo phong cách riêng của mình.
Ngay trong buổi phỏng vấn, hãy vẽ ra chân dung vị sếp lý tưởng mà bạn và các đồng nghiệp khác đang chờ đợi, những nhu cầu cơ bản mà nhóm chưa được sếp cũ đáp ứng. Chính sự thẳng thắn ngay từ lúc bắt đầu sẽ khiến cho cuộc trò chuyện trở nên cởi mở và nếu là người được chọn, sếp tương lai của bạn cũng sẽ có cách ứng xử phù hợp và sự chuẩn bị tốt nhất về cả tâm lý lẫn chiến lược quản lý nhóm lâu dài.
4. Phản hồi sau buổi phỏng vấn
Hãy nhớ rằng, bạn tham gia buổi phỏng vấn không phải để ngồi nhìn mà còn để đánh giá và hỗ trợ lựa chọn ứng viên xuất sắc nhất. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc, đừng chần chừ mà hãy nhanh chóng phản hồi với người ra quyết định tuyển dụng. Hãy chia sẻ cho họ biết cảm nhận và ấn tượng của bạn về ứng viên, những câu mà bạn đã hỏi và những gì bạn quan sát được trong suốt buổi phỏng vấn. Tất nhiên, chúng phải là những phản hồi mang tính xây dựng chứ không phải săm soi hay chỉ trích như: không biết chọn màu cà vạt, kiểu tóc quê mùa…
Không chỉ thể hiện được sự nghiêm túc và tính chuyên nghiệp trong công việc mà thông qua việc tham gia phỏng vấn sếp tương lai, bạn còn bộc lộ được một số kỹ năng cần thiết của một nhân viên tài năng. Cơ hội thăng tiến sẽ rộng mở ngay trước mắt bạn và một ngày không xa, bạn sẽ là sự lựa chọn tiếp theo để ngồi vào vị trí quản lý.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.