Ứng viên thụ động là những người đã có công việc ổn định, chưa có nhu cầu chuyển việc nhưng lại là “miếng mồi ngon” mà bao nhà tuyển dụng “thèm khát”, muốn chiêu mộ về cho tổ chức. Dù họ không chủ động ứng tuyển nhưng khi có vị trí trống, nhà tuyển dụng vẫn có được thông tin liên hệ và tìm mọi cách thuyết phục họ nộp đơn, thậm chí tham gia phỏng vấn và nhận việc.
Vậy ứng viên thụ động có những ưu, nhược điểm gì, tại sao lại khiến nhà tuyển dụng chú ý hơn các ứng viên chủ động khác? Tìm kiếm họ ở đâu và có dễ để “cướp” họ từ các công ty khác?
Ưu điểm của các ứng viên thụ động
1.Trung thực, thẳng thắn
Vì đang có công việc ổn định, ứng viên thụ động không cần nói dối hay khoa trương về kinh nghiệm làm việc để được lòng nhà tuyển dụng. Họ chia sẻ thẳng thắn những gì mình có thể làm và những giá trị mà họ đang theo đuổi. Nếu có thể đạt được sự đồng thuận, họ sẵn sàng đầu quân cho công ty khác dù trước đó chưa từng có suy nghĩ sẽ ra đi.
2. Hội đủ các yếu tố phù hợp với công việc
So với quá trình vất vả “đãi cát tìm vàng” giữa một rừng ứng viên hỗn tạp thì chỉ cần tìm đến ứng viên thụ động, nhà tuyển dụng sẽ ngay lập tức như “bắt được vàng”, chọn được người phù hợp. Lý do là vì những người này đã có vốn kinh nghiệm đủ vững chắc, làm chủ nhiều kỹ năng giúp ích cho công việc, nếu chọn họ, bạn không cần mất nhiều thời gian để sàng lọc mà có thể ngay lập tức phỏng vấn, rút ngắn khoảng thời gian tuyển dụng.
3. Nguồn ứng viên đa dạng, rộng khắp
Nhà tuyển dụng có thể tìm thấy ứng viên thụ động ở bất cứ nơi đâu, tất cả những người không có hứng thú với công ty bạn đều nằm trong danh sách này. Sớm hay muộn, bạn cũng phải đối mặt với họ nếu muốn phát triển nguồn ứng viên chất lượng, giúp phát triển công ty.
Nhược điểm khi lựa chọn các ứng viên thụ động
1. Bỏ nhiều thời gian và công sức hơn
Vì ứng viên thụ động không có ý định nghỉ công việc hiện tại nên bạn phải mất khá nhiều thời gian để “theo đuổi” và thuyết phục. Có thể vài ngày, vài tuần hay thậm chí đến tận vài tháng. Tóm lại, nếu bạn không đủ sự kiên trì hoặc không có nhiều thời gian thì đừng vội nghĩ đến phương án tìm ứng viên thụ động.
2. Cần đưa ra nhiều sự lựa chọn hấp dẫn
Một khi bạn đã đưa ra lời đề nghị, ứng viên thụ động sẽ nhận thức được năng lực của mình. Họ sẽ cân nhắc để đưa ra câu trả lời dựa trên nhiều yếu tố như: mức lương mới cao hơn bao nhiêu, cơ hội thăng tiến như thế nào, công ty mới có phải là công ty tầm cỡ… Để khiến họ gật đồng ý, đôi khi, bạn phải bỏ ra chi phí cao hơn rất nhiều so với phương pháp đăng tuyển truyền thống.
Tìm kiếm ứng viên thụ động ở đâu?
1. Các website tuyển dụng, tìm việc làm
Hầu hết các trang web tìm việc làm trực tuyến hiện nay đều cung cấp tính năng dò tìm CV nhưng nếu sử dụng phương án này, bạn sẽ phải mất một khoản phí để có được contact của ứng viên thụ động. Tùy thuộc vào mức độ uy tín của trang mà những hồ sơ bạn duyệt chất lượng hay không chất lượng. Vậy nên, hãy tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi nhờ đến sự hỗ trợ từ các trang tìm việc.
2. Các trang mạng xã hội
Các trang mạng xã hội như LinkedIn hay Facebook là nơi bạn sẽ phát hiện được nhiều nhân tài ẩn giấu.
Với LinkedIn, chỉ cần gõ từ khóa, bạn sẽ thấy được những người phù hợp với các tiêu chí mà bạn đang tìm kiếm. Bạn có thể áp dụng một số tùy chỉnh nâng cao giống như khi tìm kiếm với Google, chẳng hạn: dấu ngoặc kép “” để tìm kiếm chính xác, AND để tìm kiếm kết hợp…
Với Facebook, hãy thử sử dụng Facebook cá nhân tham gia các group chia sẻ kiến thức nghề nghiệp và chủ động giới thiệu bản thân, bạn sẽ kết nối được với một số ứng viên tiềm năng.
Sau khi đã có contact liên hệ, đừng gửi tin nhắn tới tấp nếu bạn không muốn bị report hay bị ứng viên thụ động liệt vào danh sách quấy nhiễu.
3. Tham gia hội thảo, sự kiện
Nếu có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ứng viên thụ động thì hẳn là bạn không nên bỏ lỡ. Hãy tận dụng những buổi hội thảo, sự kiện chuyên ngành, chuyên đề chia sẻ… để “khoanh vùng” và tiếp cận đối tượng. Trong bầu không khí thân mật, mang tính chia sẻ thì họ cũng có xu hướng cởi mở hơn, dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn so với bình thường.
4. Referral Recruitment
Đồng nghiệp, các mối quan hệ bạn bè, người thân… đều là những nơi giúp bạn khai thác nguồn ứng viên thụ động. Điểm đáng nói là chất lượng của các ứng viên thông qua giới thiệu (Referral Recruitment) đều rất ổn và lại… hoàn toàn miễn phí.
5. Tìm kiếm từ danh sách những người đã từng ứng tuyển vào công ty
Đừng vội bỏ đi danh sách những ứng viên đã từng bị loại, có những người rất xuất sắc nhưng vì giới hạn số lượng nên bạn bắt buộc phải gửi thư từ chối trong quá khứ. Giờ là lúc bạn cần đến những người này, họ chính xác là những ứng viên thụ động mà bạn đang tìm kiếm. Nói không chừng, thiện cảm họ dành cho công ty không hề thay đổi, đừng tự huyễn hoặc mình rồi bỏ qua nguồn ứng viên vô cùng lớn này nhé.
Tuy các ứng viên thụ động không phải thuộc tuýp người dễ thỏa hiệp nhưng bạn hãy thử đưa ra những lời chào mời hấp dẫn, nhấn mạnh công việc mà bạn đang offer là một công việc mang tính chất dài hạn và tận tình giải đáp các thắc mắc của họ… Tin rằng với sự chân thành và cách tiếp cận phù hợp, bạn sẽ chiêu mộ được người tài cho tổ chức.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam