iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Mẹo giải quyết nhanh gọn 5 kiểu nhân viên cá biệt trong công ty

Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững cũng cần có một đội ngũ nhân viên tài năng. Nhưng những người “nhiều tài” thì thường “lắm tật”, để quản lý được hàng trăm nhân viên với hàng trăm cá tính khác nhau thực sự là một thử thách lớn đối với người quản lý. Hãy tưởng tượng văn phòng làm việc là một xã hội thu nhỏ, sẽ có những người làm việc rất vui vẻ, cũng có những nhân vật “siêu rắc rối” khiến nhà quản lý phải đau đầu. Với những nhóm nhân viên cá biệt này, phương pháp quản trị thế nào là phù hợp nhất?

Nhóm luôn đồng ý

meo-giai-quyet-nhanh-gon-5-kieu-nhan-vien-ca-biet-trong-cong-ty1

Những người trong nhóm luôn đồng ý rất dễ dàng chấp nhận yêu cầu từ người khác, thậm chí là rất năng nổ nhận việc. Thế nhưng đồng ý không phải vì họ có khả năng làm được tất cả mọi việc. Lý do có thể là họ sợ tổn hại đến mối quan hệ với mọi người, hoặc chỉ vì họ thích đánh bóng hình ảnh bản thân. Những người này có thể là một mầm tai họa cho công ty bởi họ sẽ bị ôm đồm quá nhiều công việc mà không thể giải quyết hết, dẫn đến sự trì trệ và làm ảnh hưởng tới kết quả chung của tập thể. Để giải quyết những “anh hùng rơm” này, nhà quản lý phải cân nhắc kỹ khi giao việc cho họ và yêu cầu đáp ứng tiến độ cũng như chất lượng công việc.

Nhóm luôn từ chối

meo-giai-quyet-nhanh-gon-5-kieu-nhan-vien-ca-biet-trong-cong-ty2

Trái ngược với nhóm luôn đồng ý, nhóm người này lại luôn từ chối công việc được giao. Đây là những nhân vật “ngại việc” điển hình. Họ chỉ chăm chăm làm việc của mình chứ không hề có ý định hỗ trợ đồng nghiệp. Thậm chí với những công việc thuộc bổn phận của mình nhưng không hứng thú, họ cũng tìm cách thoái thác trách nhiệm. Về lâu dài, nhóm người này sẽ khiến cho tập thể trở nên rời rạc, thiếu liên kết. Nhà quản lý muốn xây dựng một phòng ban vững mạnh thì nên loại bỏ ngay những nhân tố này bằng cách kiểm soát chặt chẽ quá trình làm việc của họ, đánh giá công việc thường xuyên và khích lệ họ làm việc bằng những đãi ngộ hấp dẫn.

Nhóm luôn chống đối

meo-giai-quyet-nhanh-gon-5-kieu-nhan-vien-ca-biet-trong-cong-ty3

“Chống đối” là căn bệnh mà rất nhiều nhân tài mắc phải. Những người này tự tin vào khả năng làm việc của mình. Họ thích danh tiếng và quyền lực. Họ thường chống đối mọi quyết định của cấp trên hoặc cố tình làm việc theo cách riêng của mình bất chấp mọi quy tắc của tổ chức. Những người có phong cách làm việc “bất trị” này cũng là một nhân tố nguy hiểm không kém vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung, gây chia rẽ nội bộ. Nếu một tập thể có nhiều hơn một thành viên bất trị, người quản lý chắc chắn sẽ phải rất vất vả. Để trị nhóm nhân viên này, đừng quá cứng rắn mà hãy áp dụng những phương pháp mềm mỏng và khéo léo hơn. Không nên cố ngăn cấm ý kiến cá nhân của họ, hãy đón nhận và cùng phân tích, thương lượng với nhau để đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Nhóm luôn gây họa

meo-giai-quyet-nhanh-gon-5-kieu-nhan-vien-ca-biet-trong-cong-ty4

Đừng tưởng chỉ sự ngu dốt cộng nhiệt tình mới trở thành phá hoại, có tài năng nhưng thiếu sự cẩn trọng trong công việc cũng có thể trở thành người gây họa. Sự suy nghĩ và giải quyết công việc không thấu đáo chính là nguyên nhân khiến họ phá hỏng mọi việc. Với nhóm người này, nhà quản lý nên thường xuyên kiểm tra quá trình làm việc của họ, yêu cầu chịu trách nhiệm với phần việc của mình. Và nếu cần thiết, có thể áp dụng những hình phạt nặng để cảnh cáo. Những người này rất thông minh, nhanh nhạy, điểm yếu của họ chỉ là kỹ năng làm việc chưa hoàn thiện. Nhà quản lý cần hiểu rõ điều này để uốn nắn và khai thác một cách tốt nhất.

Nhóm luôn than vãn

meo-giai-quyet-nhanh-gon-5-kieu-nhan-vien-ca-biet-trong-cong-ty5

Đây là kiểu nhân viên thường gặp nhất ở môi trường công sở, và hầu như văn phòng nào cũng sẽ có ít nhất một nhân viên như vậy. Dù không tác động xấu ngay lập tức, nhưng đây chính xác là những “con sâu tư tưởng” trong một tập thể. Họ luôn luôn có những suy nghĩ tiêu cực, họ than vãn về công việc, về sếp, về mức lương, về tất tần tật mọi thứ và khiến đồng nghiệp của mình cũng chán nản theo. Chưa kể đến hiệu quả công việc của họ tốt hay không, nhưng những biểu hiện tiêu cực như vậy chắc chắc không tốt chút nào cho tập thể. Nếu bạn đang cố gắng xây dựng một môi trường làm việc cầu tiến cho nhân viên, hãy nhanh chóng diệt trừ tận gốc những mầm mống tai họa này. Giải quyết mọi chuyện một cách công khai, thưởng phạt phân minh, vực dậy tinh thần và khơi gợi động lực làm việc cho nhân viên là những cách hay mà nhà quản lý có thể áp dụng.

Ở cương vị là một người lãnh đạo, bạn hoàn toàn có quyền sa thải những nhân viên có cách làm việc không tốt. Thế nhưng ổn định nội bộ mới là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của công ty. Tìm ra phương pháp quản trị phù hợp, giúp nhân viên hòa nhập với văn hóa làm việc chung của tập thể mới là cách làm của một nhà quản lý giỏi.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Don't live for others to see
back-to-top iconicjob