iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Đi tìm lời giải cho bài toán: làm sao để chọn được nhân viên kinh doanh giỏi?

Nhân viên kinh doanh là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc mang lại doanh thu nhằm thúc đẩy sự phát triển của công ty. Chính vì vậy, tìm được nhân viên giỏi là mục tiêu hàng đầu của bạn và những người đồng nghiệp cùng chung ngành tuyển dụng.

Để có thể thành công trong việc “đãi cát tìm vàng”, có một số yếu tố mà bạn tuyệt đối không được bỏ qua trong vòng phỏng vấn. Hãy nhớ rằng chỉ cần một chút lơ là, bạn sẽ phải ngậm ngùi chia tay các ứng viên xuất sắc giữa tháng 3 đầy bão – những cơn bão tuyển dụng lớn nhất trong năm.

Các tố chất của nhân viên kinh doanh giỏi

di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-lam-sao-de-chon-duoc-nhan-vien-kinh-doanh-gioi-1

Kỹ năng nghề nghiệp có thể học hỏi được nhưng tố chất thiên bẩm để phù hợp với nghề thì không phải ai cũng có được. Hãy chú ý quan sát ứng viên ngay khi họ vừa bước vào phòng phỏng vấn.

Cách họ tự tin chào hỏi, cái bắt tay, nụ cười thường trực trên môi, lối nói chuyện thu hút và hài hước hay sự di chuyển nhanh nhẹn… đều là những dấu hiệu cho thấy họ là ứng viên hội tụ nhiều tố chất của một nhân viên kinh doanh tiềm năng mà bạn đang tìm kiếm.

Ứng viên có biết mình sẽ bán sản phẩm gì hay không?

Không ít ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển mà không tìm hiểu thông tin về công ty, chỉ đơn thuần thấy mô tả công việc có vẻ phù hợp nên quyết định gửi mail cho nhà tuyển dụng. Hoặc cũng có trường hợp, ứng viên chỉ xem nhân viên kinh doanh như một công việc để làm lúc nhàn rỗi, ứng tuyển vì thấy trên bản tin không yêu cầu kinh nghiệm, từ đó cho rằng khả năng đậu sẽ cao hơn khi ứng tuyển vào công việc khác. Vậy là nhanh chóng bấm nút “Send” trong khi chẳng biết công ty bán sản phẩm gì hoặc thậm chí còn chẳng quan tâm công ty đó ở đâu…

Vẻ mặt ngơ ngác của họ khi bạn đặt câu hỏi “Bạn có biết công ty chúng tôi đang bán những sản phẩm gì không?” là minh chứng cho thấy họ không có đủ đam mê và nhiệt huyết cho công việc. Đừng bao giờ tin vào lời hứa hẹn “Nhưng tôi sẽ cố gắng làm tốt” vì chỉ cần bạn trao cơ hội cho họ một lần, bạn sẽ phải nhanh chóng hối tiếc vì phải nghe cả trăm lần câu hứa ngày xưa.

Ứng viên có hiểu khách hàng?

di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-lam-sao-de-chon-duoc-nhan-vien-kinh-doanh-gioi-2

Ngoài nhận thức về sản phẩm mình bán, bạn nên tìm hiểu xem ứng viên hiểu biết như thế nào về khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng của công ty vì khi hiểu đúng về khách hàng thì họ mới có được chiến lược đúng đắn trong cách tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục… từ đó mang về doanh thu cho doanh nghiệp.

Kỹ năng lắng nghe và thái độ tôn trọng khách hàng

Để bán được sản phẩm, nhân viên kinh doanh phải hiểu “thượng đế” của mình và lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Hãy quan sát ứng viên, xem họ có phải là người điềm tĩnh, chăm chú lắng nghe mỗi khi bạn nói hay họ thường xuyên chen ngang suốt buổi trò chuyện… Ngoài ra, hãy đặt một số tình huống và xem cách ứng phó của ứng viên khi gặp những tình huống tréo ngoe để xác định rõ hơn về tính cách của họ.

Đừng bỏ sót bất kì biểu hiện nào dù là nhỏ nhất, chẳng hạn: việc đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn cũng có thể phản ánh họ là người biết giữ lời hứa và tôn trọng người khác.

Khả năng thuyết phục

di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-lam-sao-de-chon-duoc-nhan-vien-kinh-doanh-gioi-3

Nếu không thể thuyết phục được khách hàng thì tuyệt đối không thể trở thành nhân viên kinh doanh giỏi. Hãy ra đề cho ứng viên ngay tại buổi phỏng vấn, yêu cầu họ thuyết phục bạn mua một món hàng nào đó và xếp loại từng ứng viên. Ai cũng có thể “khua môi múa mép” về thành tựu mình đạt được nhưng hành động mới là yếu tố quyết định giúp bạn chọn ra được người tài.

Và dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tham khảo để nhanh chóng nhận diện ứng viên tiềm năng và giảm tỷ lệ sai sót khi lựa chọn.

  1. Theo bạn, lộ trình phát triển của một nhân viên kinh doanh sẽ như thế nào?

Câu hỏi này giúp bạn xác định xem ứng viên có thực sự hiểu về công việc hay không và có mong muốn phát triển trong tương lai như thế nào.

  1. Bạn sẽ làm gì nếu như không bán đủ chỉ tiêu mà cấp trên giao phó?

Một ứng viên thông minh sẽ biết cách đặt ra mục tiêu cao hơn trong tháng/quý mới để bù đắp lại phần công việc mà mình không thể hoàn thành trước đó. Đây là câu hỏi giúp bạn kiểm tra khả năng ứng biến của nhân viên tương lai.

  1. Động lực trong công việc của bạn là gì?

Xác định được vấn đề nhân viên thực sự quan tâm sẽ giúp bạn có kế hoạch quản lý họ hiệu quả.

  1. Bạn sẽ làm gì trong tháng đầu tiên sau khi được chọn?

Nếu có thể nhanh chóng đưa ra câu trả lời thì chứng tỏ ứng viên có khả năng tổng hợp thông tin tốt và tư duy nhanh nhạy.

  1. Nếu bị khách hàng thường xuyên phàn nàn, bạn sẽ ứng phó ra sao?

Tình huống thực tế khiến ứng viên bộc lộ được năng lực ngay trong buổi phỏng vấn.

Hy vọng thông qua những thông tin mà iconicJob cung cấp bên trên, bạn sẽ tìm được ứng viên xuất sắc nhất giữa hàng trăm ngàn bộ hồ sơ được gửi đến trong mùa cao điểm tuyển dụng.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob