Nếu như chú ý bạn sẽ nhận ra rằng khi ứng tuyển vào những công ty, tập đoàn lớn thì thông tin email của người phụ trách nhân sự hoặc người quản lý trực tiếp thường bị ẩn và thay thế bằng một email chung được sử dụng cho cả một phòng ban. Điều này gây ra sự bất tiện về cách xưng hô trong email xin việc và bạn cũng không chắc rằng email mình gửi có được đọc hay không vì mỗi ngày, số lượng mail gửi về email chung kia là không hề nhỏ.
Vậy làm sao để biết được thông tin liên hệ chính xác của nhà tuyển dụng? Áp dụng ngay 3 cách dưới đây, bạn sẽ có ngay email của người mà bạn cần gửi đến.
1. Gọi điện trực tiếp lên công ty để hỏi
Bạn có thể dựa vào thông tin liên hệ của công ty và gọi điện trực tiếp đến cho bộ phận lễ tân để hỏi về email của nhà tuyển dụng, tuy nhiên, xác suất bạn nhận được câu trả lời gần như là rất thấp. Thay vào đó, bạn hãy thử gọi điện vào giờ ăn trưa, thường thì sẽ có một người khác bắt máy thay nhân viên lễ tân và đây là cơ hội để bạn khai thác thông tin từ họ.
Đây là cách làm nhanh chóng nhưng rất cần kỹ năng giao tiếp qua điện thoại và khả năng thuyết phục của bạn, ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bạn tập luyện sự tự tin trước khi đối mặt với nhà tuyển dụng.
2. Tìm email nhà tuyển dụng trên website công ty
Chỉ cần gõ tên công ty trên Google, bạn đã có thể nhanh chóng tìm được website chính thức của nơi mà bạn muốn ứng tuyển. Click vào mục About/About us và nhỏ hơn là Our Team (hoặc Contact us, People…) sẽ có thông tin giới thiệu sơ lược về công ty và những gương mặt chủ chốt, nắm giữ vai trò lãnh đạo. Tùy theo vị trí ứng tuyển mà bạn sẽ cân nhắc gửi email đến đúng người cần nhận.
Nếu như trên website chỉ hiện tên và vị trí đảm nhiệm nhưng lại không hề có thông tin liên hệ như số điện thoại hoặc email thì đây đúng là thời điểm để bạn thể hiện khả năng phân tích và dự đoán.
Hầu hết domain của email thường trùng với website của công ty, ví dụ : @synova-solutions.com, @vinamilk.com.vn, @vingroup.net…, bạn sẽ dựa vào cách đặt email thông thường để đoán email của nhà tuyển dụng. Công thức chung cho email của nhân viên trong công ty thường là: tên.họ@domain
Lấy một ví dụ thực tế, bạn ứng tuyển vị trí Marketing Manager vào công ty Synova Solutions, bạn biết được General Director của công ty này là một người mang tên Tung H*** (đã được sắp xếp theo thứ tự tên + họ), từ đó suy ra email của người này rất có thể là: tung.h***@synova-solutions.com. Để kiểm tra chắc chắn xem email này có tồn tại thật hay không, bạn truy cập vào một số trang web như: http://mailtester.com/, https://hunter.io/, https://tools.verifyemailaddress.io/ …
Kết quả cho thấy email: tung.h***@synova-solutions.com thật sự tồn tại
Việc của bạn bây giờ chỉ là chuẩn bị hồ sơ xin việc và thư xin việc thật chất lượng và…bấm nút gửi đi.
3. Tìm kiếm trên LinkedIn
Một gợi ý khác mà bạn có thể áp dụng trong trường hợp cả tên và email nhà tuyển dụng không được công khai đó là tìm kiếm thông qua LinkedIn vì đây là nơi có nhiều nguồn ứng viên tài năng mà họ mong muốn và cũng là nơi giúp họ xây dựng mạng lưới xã hội vững mạnh. Bạn có thể gõ trực tiếp trong LinkedIn hoặc gõ trên Google theo cú pháp: vị trí + tên công ty + LinkedIn, kết quả sẽ trả về cho bạn những người có liên quan đến thông tin mà đang muốn tra cứu.
Kết quả tìm kiếm trên LinkedIn
Kết quả tìm kiếm trên Google
So với việc gửi hồ sơ xin việc vào một địa chỉ email chung của công ty thì gửi trực tiếp đến email người chịu trách nhiệm chính có thể giúp bạn gây được sự chú ý và ghi điểm so với những ứng viên khác. Tuy nhiên, việc làm này cũng mang lại rủi ro vì nhiều nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bị làm phiền khi nhận được email không quan trọng và không liên quan gì đến công việc. Hãy thận trọng và cân nhắc thật kỹ càng, chỉ nên sử dụng phương án này trong trường hợp bạn thực sự có năng lực và hồ sơ xin việc của bạn đủ ấn tượng để nhà tuyển dụng không thể nào từ chối.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.