Là một con người trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết và không kém phần năng động. Bạn làm việc một cách hăng say và đạt được những thành công ban đầu trong sự nghiệp. Bạn được sếp tin tưởng, đánh giá cao về khả năng của mình trong công việc. So với bạn bè cùng lứa, bạn là một người tương đối thành công với một việc làm ổn định và mức lương tương đối cao cho tuổi đời còn tương đối trẻ. Tuy nhiên bạn vẫn chưa thể xác định được chính xác con đường mà bạn muốn đi và đích đến của bạn là gì. Đôi khi bạn sẽ lưỡng lự vì không biết mình sẽ phải chọn con đường nào cho cuộc đời của mình trong khi nhìn ra ngoài kia bạn thấy quá nhiều những con người cùng tuổi với bạn những đã làm được nhiều hơn thế.
Là chuyên gia hay là quản lý?
Khi làm việc trong một công ty chỉ có 2 hướng đi chính để bạn có thể phát triển bản thân của mình, hoặc là trở thành quản lý, hoặc là trở thành chuyên gia. Đây là hai vị trí cốt yếu và chiến lược mà công ty đặt rất nhiều trọng trách và sự tin tưởng và đồng thời có tác động lớn đến sự thay đổi của công ty.
Chuyên gia là vị trí mà trong đó bạn phải hiểu thật rõ và sâu sắc về những gì bạn cần làm, bạn là người biết tất tần tật mọi thứ về chuyên môn mà bạn đang đảm nhận và có thể giải đáp mọi câu hỏi khi được đặt ra. Bạn là người nằm giữ chìa khóa cũng như câu trả lời cho mọi thứ liên quan tới chuyên môn khi có vấn đề xảy ra và nếu bạn trong vai trò của một chuyên gia mà không thể giải quyết được thì trong công ty sẽ không có ai có trình độ để có thể làm được. Đó là lý do tại sao một chuyên gia lại quan trọng đến như vậy trong một tổ chức và là một trong những vị trí được công ty ưu ái và thường có mức lương tương xứng với tầm quan trọng.
Quản lý là người phải đưa ra những quyết định và đồng thời phải theo dõi và đảm bảo quyết định đó được thực hiện đúng đắn, hoàn tất mục tiêu được đề ra. Trong khi chuyên gia là người được đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về một mảng nào đó thì người quản lý phải có kiến thức trải rộng trên tất cả các mặt của hoạt động mà họ quản lý. Ví dụ như một người quản lý về vấn đề marketing cho công ty phải có kiến thức về công việc marketing, website, online advertising, SEO và những mảng có liên quan như tuyển dụng, hành chính,… Điều này không có gì lạ vì khi ở cương vị của người quản lý, bạn sẽ phải có lúc đưa ra những quyết định về một vấn đề nào đó và với càng nhiều kiến thức và sự hiểu biết thì quyết định của bạn sẽ càng chính xác và có khả năng thành công cao hơn. Ngoài ra, kiến thức tổng quát rộng cũng sẽ giúp bạn điều hành một tổ chức và sắp xếp cách thức hoạt động một cách rõ ràng hơn.
Hi vọng thông qua bài viết này bạn có thể tự mình chọn cho mình một hướng đi tốt hơn và rõ ràng hơn cho sự nghiệp. Hãy quyết định bản thân mình muốn có vai trò như thế nào trong công ty.