Môi trường làm việc không chỉ đơn thuần là nơi thực hiện công việc, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển trên con đường nghề nghiệp và cuộc sống của nhân viên. Mặc dù có rất nhiều môi trường làm việc văn minh và tích cực, vẫn còn những góc tối, những khía cạnh không lành mạnh đe dọa văn hoá và môi trường làm việc. Bạn có từng gặp phải những tình huống bất công, thiên vị chưa? Cảnh đồng nghiệp được thăng chức, tăng lương và thậm chí được tha thứ và bỏ qua về những sai lầm, trong khi bạn phải tự mình gánh vác trách nhiệm. Ngoài ra, có rất nhiều ánh mắt soi mói nhìn vào bạn, và công lao mà bạn đã cống hiến trong công việc bị lờ đi,…
I. Các dấu hiệu cho thấy cấp trên đang thiên vị
1. Phân công công việc không công bằng
Nhiệm vụ của người quản lý là phân chia công việc cho đội ngũ nhân viên dựa trên năng lực của họ. Thông qua việc thể hiện khả năng và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhân viên ghi điểm về chuyên môn và tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc phân công này luôn ưu tiên cho những người thân tín mà không xem xét năng lực, đó chắc chắn là sự thiên vị.
Ngược lại, những nhân viên khác, dù có năng lực xuất sắc, thường chỉ nhận những nhiệm vụ không quan trọng, thậm chí không liên quan đến chuyên môn của họ. Sự không công bằng trong phân công công việc không chỉ làm giảm đi sự hứng thú và động lực, mà còn cản trở quá trình phát triển cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc.
2. Thiên vị trong quá trình đánh giá năng lực
Tại sao quá trình đánh giá năng lực thường không được thực hiện dựa trên hiệu suất và kết quả công việc một cách khách quan và minh bạch? Sự thiên vị của những người quản lý thường nhằm vào những người thân cận hoặc những mối quan hệ đặc biệt. Điều này khiến cho quá trình đánh giá trở nên kém hiệu quả và thiếu minh bạch.
3. Bỏ qua các lỗi nghiêm trọng của nhân niên thân tín
Khi người quản lý luôn làm lơ và không xử lý các lỗi lầm và hành vi không đúng mực của nhân viên thân tín mà không có sự khiển trách hay áp dụng hình phạt, điều này chắc chắn là dấu hiệu của sự thiên vị.
4. Giao các công việc quan trọng cho người không có năng lực
Khi một người được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng dựa trên mối quan hệ cá nhân thay vì năng lực và thành tích làm việc, hậu quả có thể dẫn đến sự bất mãn và mất lòng tin trong Team hoặc công ty. Hành động này thường thấy trong các doanh nghiệp gia đình, khi thành viên trong gia đình thường giữ các vị trí quan trọng. Trong trường hợp này, những người có tài năng và luôn cống hiến trong công việc thường không được công nhận xứng đáng với vị trí của họ.
5. Những thành tựu không được ghi nhận
Những mối quan hệ cá nhân có thể làm cho những nỗ lực đóng góp của các nhân viên có năng lực bị lờ đi hoặc không được đánh giá đúng giá trị. Ngược lại, những không có năng lực, làm việc kém hiệu quả nhưng chỉ cần hoàn thành những nhiệm vụ nhỏ nhặt cũng được đề cao và khen ngợi.
6. Giao thêm các công việc ngoài giờ làm
Có những tình huống khẩn cấp đòi hỏi sự hỗ trợ của nhân viên ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, nếu giao công việc ngoài giờ làm xảy ra thường xuyên vào buổi tối hoặc trong các ngày nghỉ, điều này là dấu hiệu cho thấy sự thiên vị. Thành thật mà nói, cấp trên đang cố tình hành những nhân viên mà họ không có thiện cảm. Trái lại, "nhóm thân cận" thì được ưu ái, không phải làm các công việc ngoài giờ, không sợ bị "triệu tập" bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu khi có vấn đề xảy ra.
II. Cần làm gì khi bị thiên vị
1. Tìm Hiểu Nguyên Nhân khiến bạn bị thiên vị
Thay vì vội vàng đánh giá, hãy xem xét kỹ về mối quan hệ giữa cấp trên và người được ưu ái. Có những lý do cụ thể nào khiến cấp trên ưu ái người đó? Có thể là về thành tích làm việc, năng lực đặc biệt, hay đơn giản chỉ là mối quan hệ cá nhân? Khi bạn đã biết rõ lý do, bạn sẽ có cái nhìn khách quan về sự ưu ái của cấp trên và đánh giá xem có phải đây là sự thiên vị hay không.
2. Đánh giá xem bạn có phải là "Nạn nhân" của sự thiên vị trong công ty
Trước khi kết luận rằng bạn đang bị sếp coi thường, hãy xem xét lại tình hình một cách tỉ mỉ. Có thể sếp yêu mến người bạn cho là "cận thần" chỉ vì họ thể hiện xuất sắc hơn bạn? Hay có thể sếp đang thử thách bạn để nâng cao năng lực của mình? Trong trường hợp này, thay vì so sánh với đồng nghiệp, bạn cần tập trung vào cải thiện khả năng làm việc của chính bản thân.
3. Thái Độ Lịch Sự và Tinh Thần Chuyên Nghiệp
Thay vì tỏ ra tức giận và mất kiểm soát bằng việc to tiếng, hãy duy trì thái độ lịch sự cùng tinh thần làm việc chuyên nghiệp trong mọi tình huống. Khả năng này không chỉ giúp bạn tránh việc tức giận và mất kiểm soát trong hành vi, mà còn đem lại sự tĩnh tâm và tập trung. Bạn có thể phản đối hay trình bày điểm một cách trung thực, nhưng luôn giữ cho nó trong ranh giới của sự tôn trọng và chuyên nghiệp. Thái độ này không chỉ giúp bầu không khí trở nên thoải mái hơn, mà còn xây dựng sự đánh giá tích cực từ người khác, đặc biệt là từ sếp.
Hãy tránh đổ lỗi hay xử sự thiếu tôn trọng với những người nhận được sự ưu ái từ sếp. Mặc dù có thể gặp khó khăn, nhưng bạn nên cố gắng duy trì mối quan hệ bình thường và thể hiện tinh thần hòa nhã với những người nhận được đặc cách.
4. Tôn Trọng, không nói xấu đồng nghiệp và cấp trên
Thay vì nói xấu đồng nghiệp và cấp trên, bạn nên tìm cách giải quyết tình hình sao cho tích cực hơn. Dù việc tâm sự những điều bức xúc có thể giúp bạn cảm thấy giảm áp lực, nhưng nên tránh những cuộc trò chuyện nói xấu hay thậm chí là châm chọc và bình luận gắt về cấp trên. Điều này chỉ làm tăng sự căng thẳng và gây mất tôn trọng đối với lãnh đạo.
Thay vào đó, hãy tìm cách giao tiếp mở cửa với cấp trên để thảo luận về những khó khăn và tìm giải pháp cùng nhau. Khi bạn thể hiện sự tôn trọng, tạo dựng một hình ảnh tích cực và chuyên nghiệp với đồng nghiệp và cấp trên.
5. Khẳng định giá trị bản thân
Dù trong bất kỳ tình huống nào, hãy tiếp tục thể hiện giá trị bản thân thông qua việc thực hiện công việc tốt nhất có thể. Khẳng định năng lực của mình không chỉ trước đồng nghiệp trong công ty mà còn trước đối tác, khách hàng. Nhớ rằng, những nỗ lực không ngừng trong việc tạo ra giá trị thực sự sẽ bạn chứng minh năng lực mà không ai có thể bác bỏ được.
6. Khéo léo thể hiện quan điểm
Khi sự thiên vị từ người cấp trên đã dẫn đến tác động rất xấu đến công việc của bạn, thì là lúc bạn cần thể hiện quan điểm. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự tế nhị và cẩn trọng, cần suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra. Hãy tránh nói quá nhiều về mối quan hệ cá nhân với người cấp trên, để không làm người nghe cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, tập trung vào việc trình bày một cách rõ ràng và ngắn gọn về các vấn đề liên quan đến công việc gần đây và những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Đừng nêu lên vấn đề về những thiên vị của các đồng nghiệp được nhận, hãy tập trung vào việc thảo luận về tình hình công việc hiện tại và đề xuất cách hỗ trợ từ người cấp trên có thể giúp bạn.
7. Tìm lối đi riêng cho sự nghiệp
Khi tình hình thiên vị trở nên nghiêm trọng và không thể thay đổi, khi áp lực và sự gò bó từ người cấp trên đẩy bạn vào tâm trạng chán nản và hiệu suất công việc ngày càng sụt giảm, thì việc tìm cho mình hướng đi riêng là lựa chọn khôn ngoan. Hãy tìm kiếm một môi trường làm việc mới, nơi năng lực được đánh giá dựa trên công bằng, không phụ thuộc vào việc nịnh nọt hay quan hệ cá nhân.
Đồng thời, một tổ chức không công bằng và không tôn trọng năng lực sẽ gây ra bất hòa và xung đột nội bộ, và dễ dàng mất đi những nhân tài quý báu. Trong tương lai, tổ chức sẽ gặp vấn đề trong quá trình quản lý và vận hành. Do đó, việc cố gắng ở lại chỉ khiến tương lai của bạn bị hủy hoại.
Sự thiên vị trong cuộc sống có thể xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau, nhưng cách chúng ta đối mặt và ứng phó với nó có thể thay đổi. Bài viết trên hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách ứng phó khi bị thiên vị. Bằng cách tự tin và tích cực đối diện, chúng ta có thể xây dựng môi trường làm việc công bằng hơn, một nơi mà mọi người được đánh giá dựa trên khả năng và sự đóng góp thực sự trong công việc.