Với làn sóng khởi nghiệp lan rộng ngày càng mạnh mẽ, không ít các doanh nghiệp đã đạt được những thành công nhất định sau một thời gian nếm gai nằm mật lăn lộn để hiện thức hóa ước mơ. Trong số đó, ông lớn TicketBox.vn đã không còn xa lạ gì với những ai thường tham gia các sự kiện tại Việt Nam. Cái tên này gần đây cũng đã trở thành “ông trùm” Startup Việt khi vượt qua các đối thủ đáng gờm khác để đạt danh hiệu “Startup của năm” ở giải thưởng tôn vinh cộng đồng Startup ASEAN – Rice Bowl Startup Awards và trở thành đại diện của Việt Nam tham gia giải thưởng khu vực được diễn ra vào tháng 9 tại Philippines.
Cùng nhìn lại chặng đường đã qua của TicketBox và tìm ra bí quyết thành công của Tuấn Anh – CEO của TicketBox vẫn hay được gọi đùa là “anh chàng bán vé”.
Ý tưởng Startup, sự táo bạo và… thất bại.
Tiền thân của TicketBox là một ứng dụng kết nối được ra đời năm 2011, và là kết quả của 54 tiếng vừa lên ý tưởng, viết kế hoạch kinh doanh và thiết kế sản phẩm mẫu. Ứng dụng này được vinh danh tại cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” do Emerald Consulting Ltd. và Startup.vn tài trợ tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi mang nó đi gặp các công ty thì kết quả lại không hề khả quan là mấy. Sau 6 tháng, anh nhận ra mình đã thất bại.
“Ý tưởng khởi nghiệp công nghệ đến với tôi, cũng như nhiều người trẻ khởi nghiệp khác, rất tự nhiên và đầy nhiệt huyết. Tôi bắt đầu thử sức với hai lĩnh vực mình đam mê và tự tin nhất – công nghệ và Internet. Tuy nhiên, con đường đến với thành công đã không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Trải qua một khoảng thời gian, tuy chưa phải là dài, nhưng đủ để tôi đúc kết được một điều rằng, khi bạn cho ra đời một sản phẩm mới, thì bạn sẽ phải thay đổi và chỉnh sửa sản phẩm ấy ít nhất là 2-3 lần thì mới có thể thành công.” – Mike Trần, CEO, đồng thời là người sáng lập ra TicketBox.
Nhận ra lý do thất bại, thay đổi và cải thiện
“Tôi nhận ra mình chưa hiểu đúng nhu cầu của các đối tác khi thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.”
Trong khi anh cho rằng một ứng dụng có khả năng định vị và liên kết tài khoản Linkedin với những người khác tham dự sự kiện là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng điều các nhà tổ chức cần lại khác hoàn toàn. Họ chỉ quan tâm đến số lượng vé bán được và làm thế nào để quảng bá sự kiện hiệu quả mà thôi.
Với bối cảnh thị trường thương mại điện tử lúc bấy giờ tại Việt Nam chưa hề có một dịch vụ mua vé trực tuyến nào có thể cung cấp được đa dạng các loại vé, trong khi nhu cầu mua sắm trực tuyến các loại vé bao gồm các dịch vụ giải trí, sự kiện và tour du lịch chiếm khoảng 44%. Mike Trần đã quyết định startup kinh doanh công nghệ bằng việc áp dụng mô hình bán vé trực tuyến này để giúp mọi người có thể mua vé dễ dàng hơn mà không cần phải đến tận nơi, xếp hàng chờ đợi và có khi phải mua vé với giá rất cao.
Việc đưa TicketBox vào thực tiễn liệu có dễ dàng?
Việc hiểu được nhu cầu của khách hàng, cung cấp những gì khách hàng cần là con đường dẫn tới thành công. Xây dựng niềm tin của khách hàng vào sản phẩm, giúp khách hàng hiểu được những ưu thế của giải pháp so với phương thức truyền thống là điều cốt lõi làm nên thành tựu.
Tuy nhiên, về phía các công ty đối tác, họ lo ngại trước những cái mới, sợ mạo hiểm, mặc dù họ nhận thấy đây là một hình thức mới hiện đại và tiện lợi hơn nhiều.
Mặc khác, nguồn vốn đầu tư cũng gặp không ít khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mấy quen với việc đầu tư vào công ty công nghệ, cũng như không am hiểu về công nghệ nên việc định giá và thỏa thuận khó đạt thành. Anh đã quyết định tự bỏ số tiền tích cóp được để đầu tư vào TicketBox.
“Tôi tin tưởng rằng, không có cách gì thuyết phục được khách hàng tốt hơn là một sản phẩm thực tế ngay trước mắt và những thành quả ban đầu, dù nhỏ nhưng thể hiện tiềm năng lớn. Tôi đã không cho phép mình bỏ cuộc vì sẽ lãng phí công sức bỏ ra và điều quan trọng nhất là mất đi niềm tin vào chính bản thân mình.”
Với một công ty mới, còn nhiều khó khăn thì việc giữ chân nhân viên cũng là một thách thức không nhỏ. May mắn thay, bên cạnh anh vẫn luôn có những người cộng sự sẵn sàng làm việc không lương, cùng anh đưa công ty qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất.
Bí quyết thành công của “hộp vé xanh chuối” ở đây là gì?
Vượt qua được tất cả những khó khăn đó, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, hiện nay TicketBox đã chễm chệ ngôi vương trong làng Startup Việt 2016. Chỉ trong vòng hơn hai năm, TicketBox đã phục vụ cho khoảng 6000 sự kiện lớn nhỏ, là đối tác của 700-800 công ty tổ chức sự kiện tại Việt Nam, và hứa hẹn nhiều cơ hội khi vươn ra thế giới.
Với bất kỳ một Startup nào, mỗi ngày làm việc 14-16 tiếng là điều bình thường. Áp lực về vốn, nhân lực và thất bại là những điều luôn phải đối mặt hàng ngày. Nếu không đam mê, không kiên nhẫn, không ngừng nỗ lực thì thành công sẽ không bao giờ tới.
“Tôi tin rằng dù bạn là ai, bạn làm gì, ý tưởng bạn như thế nào, thì trong quá trình tôi luyện và phát triển, nếu bạn nhận ra và chấp nhận sai sót, khuyết điểm và tích cực thay đổi khi thất bại thì không gì là không thể làm được.”
Nguồn ảnh: TicketBox’s blog.