“Làm việc hiệu quả hay không?” tưởng chừng như là một câu hỏi rất dễ để trả lời, thế nhưng sau một quá trình làm việc lâu dài, ít nhất một lần trong chúng ta ai cũng sẽ tự hỏi “Liệu mình đã làm hết khả năng của mình chưa?” hay “Nếu cố gắng hơn thì liệu mình có thể làm được tốt hơn hay không?”.
1.Quá nhiều việc mỗi ngày nhưng mãi vẫn không được tăng lương
Nếu bạn thỉnh thoảng bị “dí” deadline, hay làm mãi vẫn không kham được hết việc? Đừng vội nghĩ rằng bạn đang bị “bóc lột sức lao động”, rất có khả năng đó là do bạn đang không phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hiệu quả.
Để giải quyết cho tình trạng này, bạn nên chia đều ra thành các đầu việc đồng đều với nhau. Dành ra 2-3 ngày trước deadline để kiểm tra lại toàn bộ những phần đã chuẩn bị cũng như nếu có thể hoàn thành sớm, bạn hoàn toàn có thể thư thả một chút trước khi nhận những công việc khác.
2.Làm việc với khách hàng qua email, điện thoại quá nhiều
Làm việc online là cách làm việc quen thuộc đối với mọi người. Thế nhưng việc sử dụng cách này thường xuyên sẽ dẫn đến hiệu quả làm việc trở nên thấp đi đáng kể. Người Nhật Bản thường sẽ có xu hướng làm việc trực tiếp với nhau nhiều hơn là qua các phương tiện mạng xã hội. Điều này tuy có thể làm mất nhiều thời gian hơn, nhưng thái độ làm việc cũng như sự tôn trọng của bạn dành cho đối tác sẽ được thể hiện rõ ràng hơn. Có thể dễ dàng thấy được ở các tập đoàn lớn, dù mạng xã hội có phát triển mạnh mẽ thế nào thì những cuộc họp trực tiếp vẫn luôn được tổ chức. Qua đó, việc truyền tải, tiếp nhận và trao đổi thông tin sẽ được thực hiện tốt hơn.
3. Bạn luôn cảm thấy hài lòng với vị trí làm việc hiện tại của mình
Được nhận việc ở một công ty nước ngoài hay một tập đoàn lớn hẳn là một điều rất đáng hãnh diện với mọi người xung quanh. Tuy nhiên nếu chỉ đạt được đến đấy mà tự hài lòng thì lại là một điều rất đáng e ngại. Nhiều người thường có xu hướng tự thả lỏng bản thân mình với suy nghĩ chỉ cần làm đủ việc ở vị trí hiện tại là đã quá chỉn chu, mức lương hiện tại cũng đã quá ổn để chi tiêu hàng tháng. Trong khi tất cả mọi người đều đang phấn đấu để có được kinh nghiệm làm việc nhiều hơn thì bạn lại quyết định “dậm chân tại chỗ”, suy nghĩ này sẽ khiến bạn càng ngày càng thụt lùi trong công việc.
Hãy mạnh dạn giúp đỡ cũng như tìm hiểu về công việc của những đồng nghiệp ở cơ quan, trau dồi thêm những kỹ năng khác. Luôn cố gắng vì một vị trí cao hơn, một “tôi” có dày đặc kinh nghiệm hơn sẽ giúp cho bạn mở rộng mối quan hệ đồng nghiệp cũng như phát triển được bản thân nhiều hơn.
4. Luôn trễ giờ
Mọi người thường hay có vô vàn lí do cho việc muộn giờ ở cơ quan. Tưởng chừng như không ảnh hưởng lắm nhưng dần dà đó sẽ là một thói quen không tốt. Hãy cố gắng trở thành một người làm việc nghiêm túc hơn bằng cách tôn trọng những nguyên tắc chung trong công việc. Ngủ dậy và đến cơ quan sớm hơn một chút, trò chuyện tương tác cùng đồng nghiệp 5-10 phút trước giờ làm việc cũng là một cách để khởi động tinh thần của bản thân.
5. Chưa có nguyên tắc làm việc cá nhân
Điều này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng lại hết sức cần thiết. Ở Nhật Bản, nguyên tắc làm việc đã trở thành một “truyền thống”, tức là bất kể ai cũng phải có khi bắt đầu một công việc. Hãy tập đặt ra những nguyên tắc làm việc riêng, hoặc bạn có thể học theo phong cách làm việc của người Nhật, ví dụ như luôn nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp trong khả năng cho phép, tập lắng nghe và tôn trọng trước khi phát biểu ý kiến cá nhân,… Tự đưa mình vào một nguyên tắc nhất định sẽ nhằm giúp bạn rèn luyện tính kiên nhẫn, sự quy củ trong khi làm việc, tuân thủ những quy định chung dù là khắt khe nhất.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam