iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Phải làm gì khi bị sếp đánh giá thấp?

Xin chia buồn nếu bạn vừa nhận được kết quả không tốt trong đợt đánh giá định kỳ vừa qua. Tuy nhiên, hãy mỉm cười khi nghĩ rằng bạn không phải là người duy nhất, có rất nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Vậy bí quyết nào giúp bạn nhanh chóng vượt qua những cảm xúc tồi tệ này và làm sao để cải thiện kết quả đánh giá ở kỳ tiếp theo? Đây là câu trả lời mà bạn đang mong đợi.

Đừng che giấu cảm xúc

phai-lam-gi-khi-bi-sep-danh-gia-thap-1

Phủ nhận là phản ứng đầu tiên mỗi khi bạn bị sếp đánh giá không tốt về kết quả cũng như tốc độ làm việc, bạn tìm cách đổ lỗi cho người này, người kia hay thậm chí là hoàn cảnh. Hành động này xuất phát từ lòng tự trọng, bạn không muốn bị sếp xem thường, không muốn niềm tin sếp dành cho mình bị giảm sút. Tuy nhiên, càng quanh co và cố lấy lý do ra biện hộ thì hình ảnh của bạn càng trở nên tiêu cực. Đối với những sai lầm của bản thân, hãy dũng cảm đối diện.

Hãy sống thật với cảm xúc của chính mình: buồn, thất vọng, tự ti… và lấy đó làm động lực để cố gắng hơn trong tương lai, chính những trải nghiệm không vui vẻ này sẽ là bài học khiến bạn trưởng thành và phát triển. Đừng quên dành thời gian để suy ngẫm lại những lời góp ý của sếp và luôn đánh giá mọi thứ bằng sự lạc quan, tích cực.

Đề ra mục tiêu

Giờ là lúc sốc lại tinh thần và đặt ra những mục tiêu thiết thực để cải thiện bản thân. Chắc hẳn bạn không bao giờ muốn nghe những lời đau lòng từ sếp thêm một lần nào nữa đúng không nào. Nên nhớ là đừng đặt mục tiêu quá dễ dàng, hãy thêm vào một chút thách thức để kích thích tinh thần chiến đấu bên trong bạn.

Lên kế hoạch cụ thể

phai-lam-gi-khi-bi-sep-danh-gia-thap-2

Mục tiêu sẽ chỉ là mục tiêu cho đến khi nào chúng còn nằm im trên trang giấy. Hãy triển khai những kế hoạch cụ thể để chinh phục mục tiêu và lập tức hành động ngay sau đó. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể đề nghị sự hỗ trợ của sếp cả về tinh thần lẫn vật chất: nhờ sếp đóng góp ý kiến, hỗ trợ kinh phí… Cảm nhận được sự chân thành và quyết tâm thay đổi của bạn, không có lý do gì mà sếp lại nỡ chối từ.

Nhận phản hồi thường xuyên

Để đảm bảo bạn đang đi đúng hướng và thực hiện chính xác những điều sếp mong muốn, hãy thường xuyên trao đổi và xin phản hồi từ họ. Chẳng những bạn có thể tiến gần hơn đến mục tiêu mà bạn còn chứng minh được sự nghiêm túc của mình từ khi bắt tay vào hành trình hoàn thiện. Ngoài sếp thì đồng nghiệp cũng là địa chỉ tin cậy để bạn tìm đến, họ sẽ cho bạn lời khuyên và hướng dẫn bạn những kỹ năng, công việc bạn đang muốn trau dồi. Đây là cơ hội để bạn mở rộng mối quan hệ và xây dựng tình đồng nghiệp thân thiết.

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp

phai-lam-gi-khi-bi-sep-danh-gia-thap-3

Trong một số trường hợp, sếp chưa thật sự hiểu hết những việc bạn làm, dẫn đến việc đưa ra đánh giá sai lệch; nếu có đồng nghiệp đỡ lời, hình ảnh của bạn sẽ nhanh chóng được “cứu vớt”. Vậy nên, bạn đừng bao giờ xem thường việc kết giao, xây dựng quan hệ nơi công sở. Hãy tỏ ra thân thiện, hoàn thành tốt công việc và luôn thể hiện thái độ học hỏi đối với những người xung quanh.

Kiên nhẫn chờ đợi

Trên tất cả, bạn nên biết rằng để được sếp thật sự công nhận (đánh giá tích cực ở lần tới) là chuyện không hề dễ dàng và cần nhiều nỗ lực. Các kế hoạch có thể bị “phá sản” nhưng tuyệt đối đừng để một sai lầm tái diễn nhiều lần, chỉ cần bạn kiên trì và hạ quyết tâm vượt lên chính mình thì một ngày không xa, bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob