iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Những câu hỏi phỏng vấn khiến ứng viên “vừa nghe nhắc đến đã đau đớn lòng”

Nếu như ứng viên ngày càng tinh tường và vận dụng nhiều “mưu mẹo” hơn khi tham gia phỏng vấn thì nhà tuyển dụng cũng chẳng phải dạng vừa khi liên tục “thay áo mới” cho những câu hỏi tưởng chừng như quen thuộc để đánh lừa ứng viên. Có đôi khi chỉ là những câu phỏng vấn điển hình như “Hãy giới thiệu về bản thân em” hay “Mục tiêu trong 3 năm sắp tới của em là gì?” nhưng chỉ cần một chút biến tấu, bạn đã có thể bị nhà tuyển dụng “xỏ mũi”, dẫn đến trả lời không chính xác.Và dưới đây đích thị là những câu hỏi phỏng vấn khiến ứng viên dễ rơi vào bẫy nhất, khiến họ “vừa nghe nhắc đến đã đau đớn lòng”.

1. Bạn nổi tiếng nhất ở công ty cũ vì điều gì?

nhung-cau-hoi-phong-van-khien-ung-vien-vua-nghe-nhac-den-da-dau-don-long-1

Thay vì đặt kiểu câu hỏi nhàm chán và rập khuôn “Điểm mạnh của bạn là gì?” thì nhà tuyển dụng đã “cải biên” và khai thác chúng theo một hướng sáng tạo. Nếu không tinh ý, bạn có thể trả lời sai trọng tâm, dẫn đến việc nhận đánh giá tiêu cực từ nhà tuyển dụng. Hãy tỉnh táo và lên chiến lược khôn ngoan để đối mặt với những người sành sỏi trong nghề, chỉ cần bạn bộc lộ “sự ngây thơ của một chú cừu đi lạc”, ngay lập tức bạn sẽ được cho “về vườn”, không hẹn ngày trở lại.

Chỉ nên nói về những yếu tố tích cực làm nên sự nổi tiếng của bạn ở công ty, đừng bao giờ khoe với nhà tuyển dụng rằng bạn nổi tiếng đào hoa hay bởi thói quen “bà tám”. Chẳng hạn bạn có thể trả lời như sau:

Mọi người biết đến tôi như một “siêu nhân công sở” bởi vì tôi thường ở lại sau giờ làm để hoàn thành công việc nhưng sáng hôm sau vẫn có thể xuất hiện với một trạng thái vui vẻ và phấn chấn, “tràn trề năng lượng mà không cần đến cà phê”…

Chỉ thông qua cách dùng từ của bạn, nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được bạn là một người có khiếu hài hước, có tinh thần trách nhiệm với công việc và luôn suy nghĩ tích cực; ngoài ra, bạn cũng là sự lựa chọn hoàn hảo để truyền sự hứng khởi và năng lượng làm việc tuyệt vời đến những người xung quanh. Rất có thể nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người có khả năng khuấy động không khí làm việc giống như bạn, chứ không phải những người chỉ giỏi chuyên môn nhưng lại “vô hình như chiếc bóng” nơi công sở.

2. Sếp cũ không hài lòng điều gì ở bạn?

Tương tự như câu hỏi bên trên, câu hỏi này cũng là cách diễn đạt khác giúp nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin về điểm yếu của ứng viên mà nếu không có sự chuẩn bị về mặt tâm lý, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng “đứng hình” vì bối rối, không biết ứng đáp ra sao. Tự nhìn nhận và nói ra điểm yếu của chính mình đã khó, đằng này lại phải xét đoán suy nghĩ của người khác (cụ thể là sếp cũ) thì quả thật lại càng khó hơn gấp bội.

Dù không biết chính xác sếp cũ không hài lòng điều gì ở bạn nhưng đừng vội vàng trả lời “Tôi không phải là họ nên tôi không biết”, bạn có muốn mình rớt phỏng vấn hay không?

Bí quyết để trả lời câu hỏi này chính là hãy bình tĩnh, sau đó chọn ra một điểm yếu có liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn có thể xoay chuyển chúng thành điểm mạnh trong mắt nhà tuyển dụng .

Ví dụ, khi ứng tuyển vào vị trí Designer, bạn tuyệt đối không được nói rằng “Sếp cũ cho rằng tôi là người thiếu sự sáng tạo”, bạn sẽ “trượt vỏ chuối” ngay đấy. Thay vào đó hãy nói rằng:

“Có lẽ điều khiến sếp cũ không hài lòng ở tôi chính là việc tôi hay ở lại làm đến tận đêm trước ngày deadline, đáng lẽ tôi nên hoàn thành chúng sớm hơn. Nhưng tôi là người khá khó tính với các tác phẩm của mình, mỗi khi tìm được ý tưởng mới tốt hơn, tôi lại quyết định thay đổi. Vả lại, tôi thuộc tuýp người làm việc hiệu quả nhất khi chịu áp lực…”

Tuy có hơi trì hoãn công việc nhưng quan trọng là bạn không bao giờ trễ deadline và làm việc với 100% tâm huyết, bạn cũng là người có khả năng chịu đựng áp lực công việc tốt. Bạn chỉ cần một người lãnh đạo có thể khai thác, mở nút thắt sáng tạo đúng lúc mà thôi.

Với bấy nhiêu yếu tố, bạn hoàn toàn có thể trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí trống mà nhà tuyển dụng đang muốn lấp đầy.

3. Nếu được tuyển, bạn sẽ thay đổi như thế nào so với nhân viên đã từng làm ở vị trí này?

nhung-cau-hoi-phong-van-khien-ung-vien-vua-nghe-nhac-den-da-dau-don-long-3

Nhà tuyển dụng không chỉ đơn thuần tìm kiếm người có thể hoàn thành tốt công việc của mình mà còn “vạch lá tìm sâu” để chiêu mộ được ứng viên chủ động và cầu tiến, mong muốn làm chủ và phát triển bản thân. Bạn đã có kế hoạch hay lộ trình gì cho 3 năm/5 năm sắp tới hay chưa? Bạn sẽ là bản sao của người khác hay điểm gì khiến bạn thực sự khác biệt?

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không phải tuýp người nhàm chán như đám đông, bạn có cá tính riêng và bạn sẽ mang lại bầu không khí mới mẻ tại nơi làm việc. Cứ thoải mái bộc lộ tham vọng, niềm đam mê cũng như tư duy sáng tạo, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng nhận ra rằng phỏng vấn bạn chưa bao giờ khiến họ lãng phí thời gian.

4. Nếu được hỏi bất cứ điều gì bạn muốn, bạn sẽ hỏi tôi câu gì?

Ấn tượng lúc chuẩn bị kết thúc buổi phỏng vấn là rất quan trọng, nó gần như quyết định bạn có được nhà tuyển dụng lựa chọn hay không. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để chứng minh không một ai phù hợp hơn bạn, bạn đích thị là lời giải cho bài toán nhân sự khiến họ “căng não” lâu nay.

Để đảm bảo không đặt những câu hỏi dư thừa, bạn nên có thời gian tìm hiểu kỹ càng và tập luyện trước gương. Nếu có nhiều kinh nghiệm và am hiểu về sản phẩm ngành, bạn có thể nghiên cứu sản phẩm mới của công ty và khai thác thêm thông tin từ nhà tuyển dụng. Vừa cho nhà tuyển dụng thấy được sự quan tâm dành cho vị trí ứng tuyển, bạn vừa có thể bộc lộ thêm những kỹ năng vượt trội khác.

Ngoài ra, nếu có đủ can đảm, bạn có thể trực tiếp hỏi nhà tuyển dụng xem họ đánh giá bạn như nào trong vòng phỏng vấn. Những chia sẻ đó sẽ giúp bạn xác định được mình đang đứng ở đâu và tỷ lệ đậu của bạn nằm trong khoảng nào.

5. Nếu bạn có đũa thần và nó giúp bạn có được mọi công việc mong muốn thì bạn sẽ chọn việc gì?

nhung-cau-hoi-phong-van-khien-ung-vien-vua-nghe-nhac-den-da-dau-don-long-5

Đây không phải là câu hỏi khó nhưng lại “bẫy” được rất nhiều ứng viên. Câu hỏi này khiến ứng viên lầm tưởng rằng nhà tuyển dụng đang đùa giỡn hay tỏ ra hài hước nên họ cứ mặc nhiên thoải mái bộc bạch niềm ước ao về những điều cổ tích mà quên mất vị trí họ đang ứng tuyển là gì.

“Một lần, khi tôi phỏng vấn cho vị trí Sales, có người trả lời tôi rằng họ muốn trở thành một tỷ phú vì nếu đã giàu có thì họ không cần phải làm gì nữa cả.” – một nhà tuyển dụng chia sẻ. Và hẳn là bạn biết kết quả của ứng viên đó rồi đấy.

Hãy hướng câu trả lời liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ không chọn ứng viên “đứng núi này trông núi nọ”, đang phỏng vấn công việc này nhưng lại “tơ tưởng” về một công việc khác.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob