Tuyển được nhân viên giỏi đã khó, giữ chân được họ lại càng là vấn đề nan giải. Nhiều doanh nghiệp quá sa đà vào doanh thu, lợi nhuận và tiết kiệm chi phí mà không chú trọng đầu tư phát triển con người, dẫn đến hàng loạt nhân viên cốt cán nối gót theo nhau tìm kiếm chân trời mới. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nguyên nhân khác bắt nguồn từ người lãnh đạo, chính sự thiếu thấu hiểu và một số suy nghĩ mang tính định kiến đã vô tình đẩy những nhân viên có năng lực rời xa tổ chức.
1. Môi trường làm việc không tạo được cảm hứng
Một môi trường làm việc cứng nhắc và không chuyên nghiệp dễ khiến nhân viên giỏi sớm rời bỏ. Họ không nhìn thấy được sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, đồng nghiệp thì dành quá nhiều thời gian để nói xấu và đấu đá lẫn nhau nhưng mỗi khi nhắc đến công việc thì lại ì ạch, đùn đẩy cho người khác.
Để công việc đạt kết quả tốt nhất thì mọi người phải cùng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần tập thể phải được đưa lên hàng đầu. Nếu như chỉ có duy nhất một người hiểu được triết lí này thì việc hợp tác cũng trở nên vô nghĩa. Khi sự bất đồng trong giao tiếp lên đến đỉnh điểm và những cá nhân giàu năng lực không được nói lên chính kiến của mình (hoặc ý kiến đó không được mọi người lắng nghe) thì lựa chọn ra đi cũng là điều tất yếu. Dù cho có nhiều đam mê và nhiệt huyết muốn cống hiến thì rốt cuộc “một cây làm chẳng nên non”, bản thân họ cũng không thể nán lại lâu hơn nữa.
2. Không được công nhận
Khi sếp quá quan tâm đến thành tích của nhân viên, luôn chê trách mỗi khi họ làm việc không hiệu quả nhưng cũng chẳng khen thưởng khi họ vượt mức mục tiêu đề ra sẽ dễ khiến nhân viên cảm thấy chán nản và mất dần động lực. Không nhất thiết phải là tiền thưởng, đôi khi chỉ cần những lời động viên hoặc một lời khen đơn giản cũng đủ khiến nhân viên vui mừng và tự hào vì được sếp công nhận. Đặc biệt là đối với những nhân sự giỏi, yếu tố này càng trở nên quan trọng.
Tuyển được người có năng lực bình thường rất dễ, chi phí cũng thấp hơn nhưng để đào tạo họ trở thành nhân viên giỏi, có khả năng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn thì lại tốn rất nhiều thời gian và công sức. Muốn giữ chân được nhân tài, đừng tiết kiệm lời khen. Tất nhiên thỉnh thoảng bạn cũng nên rút hầu bao để nhân viên cảm thấy bạn những chẳng là một người sếp tâm lý mà còn rất rộng rãi và hào phóng. Có như vậy, họ mới gắn bó lâu dài với công ty.
3. Thiếu sự công bằng
Những nhân viên giỏi thường không thể chịu đựng được khi phải làm việc trong một môi trường thiếu sự công bằng và minh bạch. Vấn đề phân biệt giới tính, tuổi tác hay phòng ban khiến họ cảm thấy không hài lòng. Nếu có thêm một vị sếp lúc nào cũng muốn nhận hết công lao về mình, dù mọi ý tưởng đều xuất phát từ nhân viên thì thật sự rất khó chịu. Tiếp tục sáng tạo nhưng phải im lặng phục tùng và chấp nhận sự bất công? Chắc hẳn không ai đủ kiên trì để chờ đến ngày công ty thay đổi.
4. Không có cơ hội phát triển
Một trong những lí do khiến nhân viên giỏi nhảy việc nhiều nhất là môi trường làm việc không có nhiều thử thách và không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân. Không ai muốn mình mãi dậm chân tại chỗ, sự thành công và những bước tiến trong sự nghiệp mới là mục tiêu họ theo đuổi. Nếu không thể hứa hẹn việc thăng chức cho nhân tài thì ít nhất, bạn nên khen thưởng hoặc chức các buổi đào tạo và huấn luyện để nhân viên học hỏi thêm kinh nghiệm và các kỹ năng bổ trợ cho công việc. Ngoài ra, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến việc luân chuyển công việc giữa các thành viên để tạo sự tươi mới, đây cũng là cơ hội để bạn nhìn thấy sự cố gắng và năng lực tiềm ẩn của mỗi người.
5. Dập tắt các ý tưởng
Là ông chủ, bạn chỉ muốn chọn hướng đi an toàn nhất, trong khi ngược lại, nhân viên càng giỏi thì lại càng có nhiều sáng kiến mới táo bạo và mong muốn sự cải cách, đổi thay. Có lẽ chính áp lực làm việc theo lối tư duy lối mòn đã dẫn đến quyết định ra đi, họ không thể mãi bơi trong ao làng nhỏ hẹp, họ muốn được “vùng vẫy” nơi đại dương rộng lớn.
Để chấm dứt tình trạng chảy máu chất xám, bạn cần phải đón nhận tất cả các ý kiến của nhân viên và dành thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, đừng vội bác bỏ chúng. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, xem đâu là những ý tưởng giúp cải thiện năng suất và mang lại hứng khởi trong công việc. Đừng mãi lắng nghe chính mình để rồi đánh mất những nhân viên xuất sắc – nhân tố quyết định sự thành bại của công ty.
6. Tranh giành quyền lực thay vì để nhân viên tự chủ
Có một thực tế là tỷ lệ mâu thuẫn giữa các sếp càng tăng thì tỷ lệ nhân viên giỏi gắn bó với công ty càng giảm. Khi có quá nhiều luồng thông tin, họ thường không biết phải nghe theo mệnh lệnh của ai vì nếu “sai một ly là đi một dặm’, chọn nhầm sếp để theo sẽ mang lại những tác hại không ngờ.
Thay vì mải mê tranh giành quyền lực, bạn nên chủ động tin tưởng và trao quyền cho nhân viên. Hãy để họ được tự do lựa chọn phương pháp làm việc vì chỉ khi cảm thấy thoải mái, họ mới phát huy được hết sở trường và tạo ra kết quả vượt trội.
7. Nhiều công ty săn đuổi
Những nhân viên giỏi, tài năng luôn là mục tiêu mà hầu hết các công ty nhắm đến. Dù cho họ đã có công việc ổn định thì những email “ve vãn”, chào mời… kèm mức lương cao ngất ngưởng vẫn thường xuyên được gửi tới. Nếu như bạn không quan tâm đến những khó khăn mà họ gặp phải trong công việc cũng như đời sống, bạn sẽ dễ dàng đánh mất họ. Tình trạng nhân viên giỏi nhảy việc vì cần thêm tiền để giải quyết các khoản chi cá nhân hay công việc hiện tại quá nhiều áp lực.. là điều không thể tránh khỏi.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.