Việc kinh doanh có lúc lên lúc xuống, đó là quy luật tất yếu. Do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn, nhiều khi công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, sáp nhập, chuyển nhượng cổ phần, kiện tụng, nợ lương… điều này sẽ làm nhân viên ở lại cảm thấy hoang mang, lo lắng. Vậy làm cách nào để công ty có thể giữ nhân sự trọng thời gì khủng hoảng như vậy?
Tất nhiên, tùy vào lĩnh vực kinh doanh, hiện trạng công ty mà ban quản trị sẽ có phương pháp điều chỉnh riêng, không có một công thức chung nào cho tất cả công ty, song vẫn có 1 số biện pháp bạn có thể làm để tăng nhuệ khí từ cấp dưới.
Chia sẻ thẳng thắn về vấn đề đang xảy ra
Khi khủng hoảng diễn ra, hầu hết quản lý sẽ cố gắng che giấu tin tức, tránh để nhân viên biết, sợ gây nhiễu loạn tâm lý. Sự thực là, dù bạn có giấu kĩ đến đâu, vẫn có 1 phần nhỏ tin tức lọt ra, những tin tức này sẽ khiến nhân viên hoang mang cực độ vì họ không biết chuyện gì đang thực sự diễn ra, 1 đồn 10, 10 đồn trăm, mọi chuyện trở nên mất tầm kiểm soát.
Cách tốt nhất để trấn tĩnh tinh thần nhân viên đó là chia sẻ thành thật những khó khăn công ty đang gặp phải. Tất nhiên, bạn không cần trình bày tất cả mọi thứ, chỉ cần nói những tin cần thiết và đúng lúc, lắng nghe câu hỏi, chia sẻ từ cấp dưới. Ngoài ra, bạn cũng nên chỉ ra định hướng của ban lãnh đạo để giải quyết khó khăn này.
Khi thấy lãnh đạo chia sẻ thẳng thắn, nhân viên thấy rằng mình được coi trọng, bản thân khó khăn chưa đến mức quá lớn, họ sẽ đồng lòng chung sức cùng công ty vượt qua khủng hoảng.
Thiết lập ranh giới
Chia sẻ thẳng thắn là tốt, tuy nhiên, bạn không nên kể tất cả mọi chuyển đang diễn ra, có 1 số thông tin nên chia sẻ, có 1 số thông tin nên giữ lại, đặc biệt là những thông tin chưa được kiểm chứng. Nếu không chắc chắn mẩu tin này có được nói ra hay không bạn nên hỏi trước ý kiến cấp trên.
Khi nhân viên đặt ra những câu hỏi khó, bạn nên nói rõ mình chưa có đáp án cụ thể và sẽ báo lại cho họ trong thời gian sớm nhất, tránh nói ra câu trả lời hồ đồ, cảm tính, thiếu căn cứ.
Thể hiện thái độ tích cực
Không một công ty nào suôn sẻ cả một cuộc hành trình, thỉnh thoảng, sẽ có một vài chuyện lộn xộn xảy ra. Là người lãnh đạo, bạn phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình, giữ thái độ tích cực và lạc quan. Hãy nhớ rằng bạn đang dẫn dắt một nhóm người, nếu bạn buồn bực, cáu giận thì những người trong nhóm sẽ có tâm trạng tiêu cực theo.
Bạn phải luôn tìm ra điểm sáng trong cuộc khủng hoảng, đôi khi cắt giảm nhân sự không phải là một điều quá tồi tệ, nó sẽ giúp công ty cắt giảm những bộ phận thừa, giảm nguồn chi không cần thiết, tối ưu lại bộ máy hoạt động. Thậm chí, có khá nhiều công ty còn hoạt động vững mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, hãy tiếp tục duy trì thói quen làm việc, thường xuyên có mặt tại công ty, nếu bạn vắng mặt quá lâu mà không có lý do cụ thể nhân viên sẽ cảm thấy hoang mang, nghĩ rằng bạn bỏ họ để đi tìm con đường riêng.
Duy trì năng suất và hiệu quả công việc
Dù công ty có gặp khó khăn to lớn như thế nào, chỉ cần tất cả nhân viên đồng lòng, tích cực làm việc, mọi chuyện sẽ được cải thiện đáng kể.
Do đó, bạn hãy làm gương cho cấp dưới, tích cực làm việc và chứng minh rằng mọi chuyện vẫn đang nằm trong vòng kiểm soát. Được tiếp lửa từ bạn nhân viên sẽ không chểnh mảng hay mải mê buôn chuyện.
Ngược lại, nếu bạn lúc nào cũng vác bộ mặt u ám, cộng với cách làm việc hời hợt thì nhân viên cũng chán chường theo, hậu quả là công ty chưa sụp vì khủng hoảng thì đã đi lùi vì thái độ thiếu chuyên nghiệp từ nhân viên.
Vẽ ra viễn cảnh khả quan trong tương lai
Khủng hoảng nào cũng có cách giải quyết, để không khiến nhân viên nản lòng, bạn phải chỉ ra cho họ thấy 1 số biện pháp công ty đang thực hiện để khắc phục tình trạng này. Nếu có thể, hãy đưa ra các số liệu khả quan trong tương lai.
Muốn đánh giá xem một nhà lãnh đạo có tài tình hay không phải nhìn cái cách họ chèo lái con thuyền vượt qua thời kì khủng hoảng. Một người sếp tốt sẽ biết cách giữ chân nhân sự, ổn định tinh thần nhân viên, tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng. Ngược lại, một người sếp tồi sẽ khiến tình trạng khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Đây là bài học xương máu mà bất kì người quản lý nào cũng phải thao luyện trước khi chạm tới đỉnh thành công.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam