1. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là yếu tố cần thiết trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, đối với ngành nhân sự thì kỹ năng này lại càng được đặt lên hàng đầu. Là một người thường xuyên phải gặp gỡ các ứng viên, đối tác, bàn bạc chiến lược tuyển dụng với sếp và đồng nghiệp, thậm chí được xem như bộ mặt của cả một tổ chức, bạn phải thực sự là người biết cách gây thiện cảm và khéo léo trong giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn quản lý nhân sự nội bộ dễ dàng hơn và giành ưu thế mỗi khi sếp muốn đề bạt thăng tiến.
2. Kỹ năng đa nhiệm
Như một người “đại tổng quản” của cả công ty, bạn phải chịu trách nhiệm về rất nhiều công việc. Nếu như không có khả năng làm việc đa nhiệm và tinh thần sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ không thể bám trụ được lâu. Bài toán đặt ra là làm sao để vừa giải quyết được vấn đề cá nhân, vừa tuyển dụng được những ứng viên xuất sắc, can thiệp kịp thời để xử lý mâu thuẫn giữa các nhân viên mà vẫn đảm bảo được tiến độ hoàn thành. Bạn không cần phải có “3 đầu 6 tay”, chỉ cần luôn tập trung làm việc với 100% năng lượng và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, bạn sẽ không bao giờ bị hụt hơi dù khối lượng công việc có chất cao thành núi.
3. Kỹ năng sắp xếp công việc
Ngoài tinh thần dẻo dai, bạn cần phải thông minh trong cách phân bổ công việc. Hãy chia nhỏ các nhiệm vụ, đánh giá mức độ quan trọng và giải quyết chúng theo thứ tự ưu tiên. Bạn cũng cần xác định được những mốc thời gian dễ khiến bạn tập trung/ xao nhãng để không trì hoãn công việc, dẫn đến trễ deadline.
Ví dụ: nếu như buổi sáng từ 8h – 10h là khoảng thời gian vàng của bạn, thời điểm bạn làm việc hiệu quả nhất thì đừng tiếp tục thói quen dàn trải công việc nữa, hãy dốc toàn lực để xử lý các nhiệm vụ khó khăn nhất ngay trong khoảng thời gian này. Các nhiệm vụ ít quan trọng hơn sẽ được giải quyết sau đấy.
4. Kỹ năng hòa giải
Chuyện các thành viên mâu thuẫn với nhau là chuyện “thường ngày ở huyện”, không thể nào tránh khỏi. Đến sếp cũng phải nhức não, đau đầu khi chứng kiến sự xung đột của nhân viên xuất phát từ sự khác biệt tính cách và quan điểm. Là cấp dưới của sếp, lại là người chuyên làm việc với con người, bạn nên chủ động giúp đỡ và chứng minh thực lực của một chuyên viên nhân sự. Nếu có thể chuyển hóa được bầu không khí từ đố kỵ thành hợp tác thì chắc chắn, bạn sẽ được sếp hết mực yêu quý và tin cậy. Cơ hội thăng tiến gần như nắm chắc trong tay.
5. Kỹ năng quản lý nhóm
Khoảng cách tuổi tác giữa các nhân viên trong công ty ngày càng chênh lệch, nhân sự ở 2 thế hệ khác nhau có thể hợp tác với nhau trong cùng một nhóm làm việc. Văn hóa kính trên, nhường dưới không còn phù hợp với lối suy nghĩ hiện đại của một số cá nhân thuộc thế hệ trẻ sau này. Để mối quan hệ giữa các thành viên không trở nên rạn nứt, bạn phải linh hoạt trong vai trò người quản lý nhóm, hãy giúp mọi người thích nghi và chấp nhận cá tính riêng của người khác và khiến họ hiểu rằng công việc chỉ hiệu quả nếu tất cả có thể gạt bỏ cái tôi để hướng đến mục tiêu chung của tổ chức.
6. Kỹ năng thương lượng
Tất nhiên, để dàn xếp ổn thỏa mọi tranh chấp, bất đồng, bạn phải trau dồi khả năng thương lượng. Trong các cuộc họp hay khi gặp gỡ khách hàng, bạn phải dùng lý luận sắc bén để thuyết phục và làm chủ tình huống; đôi khi, cách bạn truyền đạt cũng sẽ khiến bầu không khí giảm bớt căng thẳng và giúp mọi người tiếp nhận thông tin với một tâm thế dễ chịu hơn.
7. Đạo đức nghề nghiệp
Bộ phận nhân sự là nơi phản ánh văn hóa của một doanh nghiệp. Thông qua thái độ, cử chỉ của bạn hoặc các đồng nghiệp trong phòng ban, đối tác và khách hàng sẽ đánh giá được văn hóa làm việc của cả công ty. Điều đó ảnh hưởng khá lớn đến thiện cảm và sự hợp tác lâu dài của cả 2 bên. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến việc xây dựng hình ảnh cá nhân, luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp; bên cạnh đó, bạn cũng nên thiết lập chiến lược dài hạn để phát triển văn hóa nơi công sở.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.