Sếp ghét thì cũng đã ghét rồi, dù có không muốn thì bạn cũng chẳng làm gì khác hơn được ngoài tập trung vào công việc và tìm cách ứng phó với những “chiêu trò” của sếp. Dưới đây là 5 biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy bạn chính là đối tượng đang nằm trong tầm ngắm của sếp và hướng xử lý tạm thời, dù sao thì bạn cũng hãy thử làm gì đó để cải thiện mối quan hệ với cấp trên trước khi quyết định chạy trốn nhé.
1. Sếp ngó lơ, không quan tâm đến bạn
Sếp không có thời gian dành cho bạn nhưng luôn có thời gian cho những người đồng nghiệp khác; sếp có thể quên hoặc đột ngột hủy cuộc hẹn với bạn nhưng điều này lại chưa từng xảy ra ở những cuộc hẹn có sự tham gia của đông đảo các nhân viên cấp dưới khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, sếp đang ngó lơ bạn, dường như tiếng nói của bạn không còn bất kỳ giá trị nào đối với sếp.
Hướng xử lý: Thay vì cứ “lượn lờ” trước mặt sếp với mong muốn được họ chú ý thì bạn hãy hành động thiết thực hơn: gửi email (bằng tài khoản công ty) và nói rằng bạn có chuyện quan trọng cần trình bày. Vì sếp không muốn lắng nghe bạn nên đây là cách duy nhất để họ nhận ra rằng bạn đã bắt đầu thiếu kiên nhẫn và nếu họ vẫn cứ tỏ ra như không quen biết bạn thì thôi đành… bạn sẽ ra đi cho họ “thỏa lòng thỏa dạ”.
2. Sếp không bao giờ đưa ra ý kiến về những việc bạn làm
Bị sếp mắng, càm ràm hay đánh giá tiêu cực vẫn tốt hơn việc chịu đựng sự im lặng vì đó là biểu hiện cho thấy họ đang không còn quan tâm đến bạn, họ muốn bỏ mặc bạn tự xoay sở với mớ công việc của chính mình và cũng không hề có ý định đào tạo bạn.
Hướng xử lý: Bạn có thể tiếp tục ở lại để chuẩn bị cho bước nhảy xa hơn nhưng nếu bạn không thể chịu đựng được nữa thì hãy nộp đơn xin nghỉ việc, làm việc cho một vị sếp tồi cũng giống như ôm trong mình một quả bom nổ chậm, tinh thần và cả sự nghiệp của bạn có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào.
3. “Bỏ rơi” bạn ở những cuộc họp quan trọng
Xung quanh bạn, tất thảy đồng nghiệp đều cầm tài liệu chuẩn bị tham gia một cuộc họp quan trọng mà khi hỏi ra thì bạn mới biết nội dung chính của cuộc họp xoay quanh một dự án mà bạn đang phụ trách. Vội vàng kiểm tra lại tin nhắn và email, bạn thấy thật kì lạ vì mình không được mời tham dự. Sếp vô tình bỏ sót bạn hay vì ghét bỏ mà sếp sẵn sàng gạch tên bạn ra khỏi cuộc họp?
Hướng xử lý: Tất nhiên là bạn không thể im lặng, ngồi nhìn thời gian trôi, hãy chủ động gặp sếp và làm sáng tỏ vấn đề trước khi cuộc họp bắt đầu. Nếu đúng là sự cố ngoài ý muốn thì may mắn là bạn đã xuất hiện đúng lúc, ngược lại, có lẽ bạn đã không còn chỗ đứng trong lòng sếp. Hoặc là dùng kết quả làm việc để chứng minh rằng bạn xứng đáng được đối xử khác đi, hoặc là để ngay đơn xin nghỉ việc trên bàn sếp vào sáng hôm sau để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
4. Bạn không có quyền tự chủ trong công việc
Trước đây, bạn có quyền tự chủ trong công việc, chủ động đưa ra quyết định cho những nhiệm vụ nằm trong quyền hạn của mình mà không cần phải báo cáo thường xuyên với sếp nhưng gần đây, công việc ngày càng mang lại cảm giác gò bó, sếp kiểm soát gần như mọi thứ, bạn cảm thấy mỗi ngày trôi qua như sống trong “địa ngục”. Đơn giản là vì sếp đã mất niềm tin ở bạn, cách cư xử thô lỗ của họ là câu trả lời rõ ràng nhất thể hiện điều này.
Hướng xử lý: Tuy rất khó để sếp chia sẻ cảm nghĩ thật nhưng bạn hãy thử đề nghị một cuộc nói chuyện thẳng thắn với sếp để tìm ra mấu chốt vấn đề. Đừng tỏ thái độ bất mãn hay chống đối mà hãy cho sếp thấy bạn rất tôn trọng ý kiến của sếp và sẽ cải thiện bản thân để hoàn thành tốt công việc họ giao phó, chỉ cần sếp cho bạn một chút tự do, thoải mái lựa chọn phương thức làm việc. Trong trường hợp bạn đã cố gắng nhưng sếp không muốn mở lòng thì đã đến lúc rồi, hãy nhanh chóng tìm một công việc mới.
5. Sếp chê bai, mỉa mai những đóng góp của bạn
Trong khi những ý kiến đóng góp của mọi người được sếp đón nhận một cách nồng nhiệt thì sếp lại vô cùng khó chịu, thậm chí nhạo báng tất cả các ý tưởng mà bạn đưa ra. Chuyện gì đang diễn ra vậy, có phải bạn đã làm gì sai? Muốn biết câu trả lời thì hãy tìm đến sếp.
Hướng xử lý: Ngay từ đầu đã ứng đáp tay đôi với sếp trong buổi họp thì quả thật không hay, bạn nên điều tra rõ ràng nguyên nhân dẫn đến khúc mắc của sếp và tìm hướng giải quyết trước đã. Chỉ khi cách giải quyết “mềm mỏng” không có tác dụng, sếp vẫn giữ nguyên thái độ khinh miệt thì bạn mới nên “đối chất” với sếp trước mặt mọi người. Hãy thẳng thắn nói rằng bạn còn rất nhiều ý tưởng muốn đóng góp cho dự án nhưng bạn không chắc rằng sếp có muốn tiếp nhận nó hay không, bạn đang rất mong được lắng nghe lời khuyên của sếp.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam