So với nhiều nước ASEAN, mức lương của Việt Nam khá thấp, thậm chí chỉ bằng 1/3 Malaysia và 1/6 Singapore, theo báo cáo mới công bố của công ty tuyển dụng JobStreet.
Theo báo cáo lương năm 2016 vừa được JobStreet.com Việt Nam công bố ngày 26/4, 10 ngành nghề được trả lương cao nhất Việt Nam không có nhiều thay đổi so với năm 2015. Nhân sự ngành bất động sản (BĐS) và y tế tiếp tục có thu nhập cao vượt trội so với các ngành nghề khác.
Thấp hơn nhiều nước trong Đông Nam Á
Báo cáo cũng tiếp tục cho thấy lương nhân sự Việt Nam vẫn còn khá thấp so với khu vực Đông Nam Á.
Ngoại trừ Indonesia có mức lương khá tương đồng với Việt Nam, người lao động tại Singapore, Malaysia và Philippines được trả lương cao vượt trội. Như mức lương tại Philippines hiện cao hơn khoảng 1,5 lần so với Việt Nam. Con số chênh lệch này còn cao hơn khi so sánh với Malaysia (gần 3 lần) và Singapore (gần 6 lần).
Mức lương tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều lần với các quốc gia lân cận. Ảnh: JS.
Mức chênh lệch này cũng khác biệt theo từng vị trí, nổi bật nhất ở các vị trí sinh viên mới ra trường và nhân viên. Cụ thể, mức lương trung bình của một sinh viên mới ra trường tại Việt Nam 250-387 USD, trong khi con số này tại Singapore là 1.337-1.879 USD.
Ở cấp quản lý và quản lý cấp cao, mức chênh lệch này thấp hơn, với khoảng 4 lần (so với Singapore) và 2 lần (so với Malaysia).
Bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet Việt Nam cho rằng, mức lương thấp không phải do năng suất lao động của người Việt Nam thua các quốc gia trong khu vực. Điều lao động Việt thiếu chính là kỹ năng và kinh nghiệm, nhất là với sinh viên mới ra trường.
“Nhiều DN chia sẻ với chúng tôi, sau khi tuyển dụng, họ đã phải tốn chi phí khá lớn để đào tạo lại cho những lao động này”, bà Angie SW Phang nói.
Y tế nhận lương cao nhất
Ngành y tế góp mặt đến 2 đại diện (bác sĩ và dược) ở cả 3 cấp độ sinh viên mới tốt nghiệp, nhân viên và quản lý, với mức lương từ gần 8,7 đồng đến hơn 30 triệu đồng một tháng.
BĐS thu nhập từ gần 8,8 triệu đến hơn 27,8 triệu đồng mỗi tháng. Điều này được giải thích là do sự khan hiếm nhân lực ngành y tế cùng với sự khởi sắc của thị trường BĐS từ cuối 2014 đến nay.
BĐS là ngành trả lương cao nhất cho vị trí quản lý cấp cao. Ảnh: JS.
Ngoài y tế và BĐS, trong top 10 ngành nghề trả lương cao nhất năm 2016 vẫn là các đại diện quen thuộc như công nghệ thông tin, kỹ sư xây dựng, quản trị mạng, kinh doanh dịch vụ tài chính, tiếp thị/phát triển kinh doanh…
Năm 2015, nhân viên ngành y tế đứng đầu bảng xếp hạng, với lương trung bình được nhận là trên 24,03 triệu đồng một tháng. 4 vị trí tiếp theo bao gồm chuyên viên văn phòng, công nghệ thông tin, quản lý trong dịch vụ du lịch với mức lương tháng hơn 18,5 triệu đồng.
Lương nhân sự cấp cao: Bất động sản dẫn đầu
Tuy nhiên, ở vị trí quản lý cấp cao, thu nhập của nhân sự BĐS lại vượt hẳn, với hơn 129 triệu đồng một tháng chưa kể các khoản khác được nhận.
Nhân sự quản lý cấp cao có thu nhập tốt nhất ở vị trí liền kề không thuộc ngành y tế mà thuộc nhóm ngành tiếp thị (marketing), với 66 triệu đồng một tháng. Các vị trí tiếp theo là IT với gần 64 triệu một tháng, logistics hơn 55 triệu một tháng, bán hàng cho doanh nghiệp gần 50 triệu một tháng…
Quản lý cấp cao khối ngân hàng chỉ có thu nhập trung bình gần 34 triệu một tháng, đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng.
Tại ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhiều doanh nghiệp (DN) sẵn sàng trả trung bình đến 144 triệu đồng mỗi tháng để tuyển quản lý cấp cao. Theo bà Ngọc Hải, giám đốc marketing của mạng tuyển dụng này, nhân sự quản lý cấp cao rất khan hiếm, nhiều DN phải thuê nhân lực từ nước ngoài nên mức chi phí trả cũng cao hơn.
Đại diện JobStreet.com cũng chia sẻ, so với năm 2015, mức lương các DN trả cho nhân sự khối quản lý và quản lý cấp cao năm 2016 tăng khoảng 53%.
Trước đó, theo số liệu so sánh công bố trong báo cáo lương năm 2014, mức tăng này lên đến 117%. Điều này cho thấy nhân sự cấp cao đang là “vùng trọng điểm” thiếu hụt trong những năm gần đây tại thị trường nhân sự Việt Nam.
Báo cáo lương 2016 được khảo sát trên 50.000 mẫu/thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Năm nay, báo cáo lương được chia cụ thể theo từng cấp bậc từ nhân viên mới đi làm, chưa có kinh nghiệm đến nhân sự quản lý cấp cao.