Thăng chức không đơn thuần là chuyện tăng lương thưởng, nó còn cho thấy cấp trên có công nhận những nỗ lực của bạn trong công việc hay không. Có một thực trạng nổi bật ở hầu hết các công ty là: những người được thăng chức lại không phải là những nhân viên xuất sắc nhất.
Vậy lý do nào khiến họ được cấp trên để ý và cất nhắc. Còn bạn – người đã hoàn thành công việc xuất sắc lại chỉ dậm chân một chỗ?
Không có niềm tin với công ty
Tiêu chí cho một nhân viên đôi khi khá đơn giản, chỉ cần làm tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng với vị trí lãnh đạo, những người sáng lập công ty sẽ đòi hỏi ở họ nhiều phẩm chất hơn nữa.
Họ là người sẽ dẫn dắt cả một tập thể. Đó có thể là một đội nhóm nhỏ hay một phòng ban quan trọng trong công ty. Điều mà người lãnh đạo này bắt buộc phải có, đó chính là niềm tin với công ty. Họ cần tin rằng tương lai phát triển của công ty rất tốt. Thậm chí, họ có nhiều ý tưởng sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển này.
Sự tích cực của người lãnh đạo sẽ tác động lên cả nhóm và giúp nhân viên của mình làm việc tốt hơn. Ngược lại, nếu người lãnh đạo thiếu niềm tin, công việc sẽ bị trì trệ ngay từ mặt động lực.
Vì vậy, nếu làm việc đã lâu mà chưa được cân nhắc, bạn nên xem xét xem mình đã thể hiện cho cấp trên thấy sự gắn kết lâu dài, niềm tin của mình với công ty hay chưa.
Thiếu đầu óc phân tích
Để công việc được tiến hành trôi chảy, người lãnh đạo cần phải biết phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên của mình. Họ phải phân tích được những vấn đề quan trọng của dự án, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau. Quan trọng nhất, người lãnh đạo cần nắm được năng lực của từng nhân viên để có sự phân công phù hợp.
Không những vậy, người lãnh đạo cần giám sát tiến độ xử lý công việc, đồng thời biết cách tạo động lực cho nhân viên của mình. Có như thế, công việc mới diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ.
Qua cách làm việc hàng ngày, cấp trên sẽ đánh giá xem bạn có khả năng phân tích và biết phân việc hay không. Nếu có, thì xin chúc mừng, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp bạn nhanh chóng được đề bạt lên chức vụ mới.
Có cách làm việc ích kỉ
Bạn không thể làm lãnh đạo nếu cách sống và làm việc quá “ích kỉ”. Một người lãnh đạo tốt phải biết chia sẻ công việc với các thành viên trong nhóm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể.
Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không chỉ hoàn thành tốt phần việc của mình mà còn biết cách hướng dẫn, khuyến khích những nhân viên trong cùng đội nhóm cũng làm việc xuất sắc như vậy. Hãy chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng lắng nghe và giúp họ tốt lên.
Có nhiều khi bạn sẽ phải làm thêm ngoài giờ để xử lý công việc chung. Thậm chí, vào những ngày nghỉ bạn cũng phải lắng nghe chia sẻ từ nhân viên khi họ gặp rắc rối. Rõ ràng, làm một người lãnh đạo không hề dễ, công việc này khiến bạn phải gánh thêm khá nhiều trách nhiệm chung.
Vì vậy, dù bạn là nhân viên xuất sắc của công ty suốt nhiều năm, chưa chắc cấp trên đã cất nhắc bạn lên vị trí lãnh đạo. Có thể cách làm việc của bạn chỉ phù hợp với vị trí nhân viên mà thôi.
Đối xử quá “thân thiện” với mọi người
Mỗi người lãnh đạo cần có cái “uy” riêng của mình. Điều này đảm bảo khi họ phân công nhiệm vụ, nhân viên cấp dưới sẽ nghe và thực hiện theo.
Nếu bạn thăng chức rồi mà vẫn đối xử với nhân viên của mình theo kiểu bạn bè thì công việc sẽ rất khó phát triển. Nhân viên sẽ không coi trọng nhiệm vụ bạn giao, công việc hoàn thành qua quýt, cẩu thả. Bạn cũng vì tình vì nghĩa mà không có biện pháp xử phạt thích đáng.
Vì vậy, khi ở vị trí cấp trên, bạn buộc phải bước ra vòng tròn bạn bè đã tạo ra từ trước. Hãy tạo ra kết nối với nhân viên bằng mối quan hệ cấp trên – cấp dưới. Đây là điều một người lãnh đạo bắt buộc phải làm được.
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với thái độ lạnh lùng, xa cách với nhân viên. Bạn cần phải có mức độ quan tâm nhất định đến nhân viên của mình: biết được tình trạng ốm đau, bệnh tật, có sự điều chỉnh công việc khi nhân viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Thế mới nói làm một người lãnh đạo giỏi không dễ. Bạn buộc phải biết cách cương, nhu đúng lúc. Nếu không, dù có được cất nhắc, bạn cũng sẽ sớm bị “đá” khỏi vị trí đầy trách nhiệm này.
Một nhân viên xuất sắc không đồng nghĩa với một người lãnh đạo tốt. Để làm lãnh đạo bạn phải biết người biết việc, chịu được áp lực, biết cách đối nhân xử thế,.. Vì vậy, nếu làm lâu mà chưa được cất nhắc, thay vì trách cấp trên thiên vị, bạn cần tự vấn lại cách làm việc và những phẩm chất vốn có của mình.
_____________________________
Mọi thông tin liên hệ:
ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam