Khi tham gia một buổi phỏng vấn chắc chắn bạn luôn mong muốn mình sẽ thể hiện được kiến thức và năng lực thực sự của mình trước nhà tuyển dụng cũng như người phỏng vấn.
Vì vậy việc chuẩn bị kỹ càng trước buổi phỏng vấn là điều không thể thiếu. Nhất là đối với buổi phỏng vấn việc làm tiếng Nhật, trước những nhà tuyển công ty Nhật mang tiếng khắc nghiệt, thì điều này càng cần thiết hơn.
Thế nhưng cũng đừng vì điều đó mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của mình mà hãy nắm chắc những bí quyết sau đây tự tin hoàn thành tốt mọi buổi phỏng vấn tại công ty Nhật.
I. Chuẩn bị ngoại hình tươm tất
Để lại được ấn tượng tốt trong lần gặp mặt đầu tiên là điều mà bất kì ai cũng mong muốn. Đặc biệt là trong buổi phỏng vấn với thời gian ngắn thì ấn tượng đầu tiên nhiều lúc còn khiến người ta nhớ lâu hơn là nội dung câu chuyện. Ngoại hình, trang phục, tóc tai là những bước cơ bản nhất để bạn xây dựng nên ấn tượng ấy.
Tóc tai hay đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ luôn là tiêu chuẩn cần thiết đầu tiên.
*Với Nam giới:
– Đồ tây, đồ vest màu đậm như đen, xanh đậm, xám đậm…
– Áo sơ mi được giặt sạch sẽ, không bị nhăn.
– Cà vạt phải hợp với màu áo vest, màu sắc không sặc sỡ.
– Giày da màu tối đã được chà sạch sẽ.
– Ngoài ra bạn cũng thể lựa chọn phong cách business casual vừa lịch lãm vừa thoải mái.
*Với Nữ giới:
– Áo vest màu sắc không lòe loẹt, kiểu dáng đơn giản kết hợp với áo sơ mi trắng hoặc áo kiểu kín đáo.
– Phối hợp với chân váy bó, váy dài qua đầu gối hoặc quần dài thể hiện sự năng động.
– Trang điểm nhẹ nhàng.
– Thời trang business casual khá thích hợp với các bạn nữ nhưng cũng phải chú ý tránh những kiểu áo hở hang, bó sát, không thấm hút mồ hôi và áo thun.
II. Nắm bắt chặt chẽ tư liệu
1. Nhớ kỹ thông tin CV
Trong các buổi phỏng vấn cũng có nhiều trường hợp ứng viên quá hồi hộp, trả lời ngập ngừng hoặc khác với những gì mình đã ghi trong CV hoặc hồ sơ ứng tuyển. Như vậy sẽ gây khó hiểu và đem lại cho người phỏng vấn cảm giác bạn không chuẩn bị kỹ hoặc không thành thật trong cuộc nói chuyện. Hãy nhớ kỹ những thông tin trên CV của mình để có thể trả lời một cách bình tĩnh và lưu loát.
2. Tìm hiểu kỹ vị trí ứng tuyển và nhà tuyển dụng
Đây là những thông tin cơ bản góp phần tạo nên một buổi phỏng vấn thuận lợi. Tìm hiểu kỹ những thông tin này chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có “chuẩn bị” trước và quan tâm đến vị trí cũng như coi trọng cơ hội phỏng vấn này.
Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thêm về hướng phát triển của ngành nghề của công ty bạn ứng tuyển thông qua những tin tức, báo chí thời gian gần đây. Nếu trong mail có đề cập tên và chức vụ của người phỏng vấn thì hãy ghi nhớ nó để dễ dàng hơn trong việc xưng hô.
Với tất cả những thông tin này chắc chắn sẽ khiến bạn tự tin hơn, trả lời trôi chảy những câu hỏi trong buổi phỏng vấn qua đó có được sự đánh giá cao của nhà tuyển dụng.
3. Tập luyện 「自己紹介」- Giới thiệu bản thân
Ấn tượng đầu tiên là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác. Khi buổi phỏng vấn bắt đầu, yêu cầu 「自己紹介」giới thiệu bản thân luôn được đưa ra trước tiên và đây cũng là lúc chi phối điều đó nhất.
Điểm chính là làm thế nào trong thời gian ngắn bạn có thể vừa truyền đạt hình ảnh con người bạn vừa nói rõ được thực lực của mình, có thể cống hiến gì cho công ty… một cách thuyết phục cho nhà tuyển dụng?
Có thể đó là lúc bạn đang căng thẳng, hồi hộp, nếu không chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn trong đầu sẽ trở nên trống rỗng hoặc trình bày không trôi chảy, việc này dễ khiến cho bạn bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hơn nữa với những vị trí ứng tuyển khác nhau sẽ có những trọng tâm nghề nghiệp, kinh nghiệm công việc khác nhau mà bạn cần nêu ra trong bài giới thiệu bản thân.
Bạn không thể chỉ học thuộc và sử dụng cùng một bài giới thiệu mà đi tham gia phỏng vấn ở tất các vị trí đã ứng tuyển. Vì vậy, việc lựa chọn và làm mới lại nội dung, tập trước ở nhà sẽ giúp bạn hoàn thành tốt bước giới thiệu bản thân mình.
4. Viết sẵn những thông tin chưa hiểu rõ
Nếu trong lúc tìm hiểu về vị trí ứng tuyển, thông tin tuyển dụng, thông tin công ty mà có điều gì không rõ, bạn có thể soạn sẵn danh sách các câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng trong thời gian cuối buổi phỏng vấn. Việc trao đổi, đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng vừa tạo ra sự tương tác với nhà tuyển dụng vừa có thể hiểu và thu thập các thông tin còn sót qua đó để nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt tình của bạn. Chứng tỏ bạn có bỏ thời gian và công sức tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, thể hiện mong muốn đã sẵn sàng làm tốt ở vị trí ứng tuyển.
Có câu “Sự chuẩn bị quyết định đến 90% thành công” cho thấy việc chuẩn bị trước quan trọng biết nhường nào. Khi có được sự sẵn sàng ở mỗi bước, mỗi giai đoạn bạn sẽ càng tăng thêm phần trăm chiến thắng cho mình. Khi mọi sự đã được chu toàn, đâu vào đấy thì chỉ cần tự tin đi đến nơi phỏng vấn thôi.