iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Các tác phong cần chú ý khi mới bắt đầu làm việc tại công ty Nhật

Hiện nay, việc làm tại Nhật Bản là thị trường lao động được rất nhiều người mong muốn có cơ hội được trải nghiệm. Vậy nếu bạn muốn làm việc thật tốt tại môi trường này thì ngay từ những bước đầu bạn nên chuẩn bị một hành trang kĩ càng về các tác phong trong các công ty Nhật Bản. Để có được thiện cảm ngay từ lần đầu gặp mặt cấp trên hoặc đồng nghiệp người Nhật bạn nên chú ý các tác phong sau đây.

1. Cúi chào

Văn hóa cúi chào là văn hóa đầu tiên cũng như căn bản nhất của người Nhật Bản. Nhất là trong các công ty Nhật Bản, việc cúi chào sẽ giúp bạn dễ nhận được sự thiên cảm cũng như thể hiện sự tôn trọng đến đồng nghiệp và cấp trên của bạn.

Tác phong cúi chào của người Nhật

Các lưu ý khi chào hỏi với người Nhật:

– Không cúi đầu mà để thẳng lưng và gập người ở phần thắt lưng.

– Cách để tay khi chào: Nam giới thì để hai tay thả lỏng hai bên hông còn nữ giới thì để hai tay nắm nhẹ phía trước người để thể hiện sự lịch sự và trang nhã.

– Hãy mỉm cười với đối phương khi chào hỏi vì chắc chắn không một ai có thiện cảm với người chào hỏi với khuôn mặt cứng nhắc hay cau có cả.

– Khi chào hỏi nên nói thật to và rõ ràng để thể hiện sự tự tin và lịch sự với người đối diện. Điều này sẽ giúp bạn gây ấn tượng với mọi người trong lần đầu gặp mặt. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý điều chỉnh âm lượng một cách phù hợp. Không nên nói qua to trong một không gian nhỏ hẹp cũng như không nên nói quá nhỏ trong một không gian rộng lớn.

– Khi chào không nên nhìn chằm chằm vào mắt đối phương vì điều đó được cho bất lịch sự trong văn hóa chào hỏi ở Nhật. Nên giao tiếp ánh mắt sau khi chào hỏi xong hoặc trong quá trình trao đổi.

Đặc biệt, đối với cấp trên hoặc khách hàng quan trọng cũng như đồng nghiệp cùng cấp bậc nhưng đã làm lâu năm thì khi chào hỏi bạn nên cúi chào thấp người hơn để thể hiện sự kính trọng đối với họ.

2. Giao tiếp bằng danh thiếp

Đối với người Việt và các công ty tại Việt Nam thì các tác phong liên quan đến giao tiếp bằng danh thiếp chưa được chú trọng. Tuy nhiên, đối với các công ty Nhật Bản giao tiếp bằng danh thiếp là một tác phong vô cùng cơ bản nhưng không kém phần quan trọng.

Danh thiếp rất được coi trọng trong lần gặp nhau đầu tiên, đặc biệt là trong việc hợp tác làm ăn, các buổi đàm phán, hội họp,…Người có cấp cao hơn sẽ đề nghị trao đổi danh thiếp trước tiên. Khi giao tiếp bằng danh thiếp, bạn nên chú ý những điều sau đây để thể hiện sự lịch sự và trang trọng.

– Nên cúi người khi bắt đầu trao danh thiếp để thể hiện tôn trọng đối phương.

– Trao danh thiếp bằng hai tay và nên cầm ở hai góc danh thiếp cũng như hướng về phía đối phương giao tiếp.

– Nên cầm danh thiếp sao cho đối phương có thể nhìn được thông tin.

– Vừa trao danh thiếp vừa mỉm cười và giới thiệu tên, chức vụ và cơ quan làm việc.

– Trao danh thiếp ở tư thế nghiêm trang, không nên ngồi để trao danh thiếp.

Sau khi nhận danh thiếp, lúc đang trao đổi và nói chuyện thì bạn nên để tạm trên bàn nhưng sau đó phải thể hiện sự lịch sự với người mình gặp bằng cách giữ gìn cẩn thận danh thiếp của họ. Không nên bỏ danh thiếp người khác vào túi quần mà để vào túi đựng danh thiếp.

3. Hình thức

Người Nhật rất coi trọng hình thức. Phương châm của họ cũng xuất phát từ hình thức, có nghĩa là bắt đầu hoàn thiện từ hình thức trước sau đó mới cụ thể hóa dần nội dung , kĩ năng và kiến thức bên trong. Trong việc giáo dục và đào tạo nhân viên, một số công ty Nhật còn hướng dẫn chi tiết từ trang phục đến tóc tai, phụ kiện.

Về trang phục: Nam giới thì nên chuẩn bị cho mình những bộ đồ vest đơn giản, tối màu hoặc gam màu trung tính kết hợp cùng những đôi giày tây hoặc sneaker để tạo nên một bộ trang phục tuy đơn giản nhưng rất nghiêm chỉnh và gọn gàng. Nữ giới cũng nên chuẩn bị cho mình một vài bộ đồ vest màu sáng tao nhã hoặc chân váy không quá ngắn kết hợp cùng những đôi giày không quá cao để dễ dàng di chuyển nhưng vẫn giữ được sự thanh lịch cho các cô gái.

Về đầu tóc: Nam giới nên để tóc bằng cách cắt ngắn hoặc vuốt keo để tóc vào nếp gọn gàng và lịch sự. Nữ giới nếu có mái tóc ngắn hay tóc dài thì cũng nên chải chuốt và cột lên cẩn thận để luôn giữ được hình ảnh lịch thiệp trong mắt đồng nghiệp và khách hàng. Đặc biệt, dù nam hay nữ thì bạn cũng nên nhuộm tóc màu tối hoặc nhẹ nhàng để trở nên đep hơn nhé.

4. Giao tiếp bằng điện thoại

Tác phong giao tiếp bằng điện thoại tưởng chừng như đơn giản nhưng thật sự rất khó và tầm quan trọng cũng rất lớn. Người Nhật cho rằng, cách ứng xử của nhân viên qua điện thoại là một tiêu chuẩn để người ngoài và khách hàng đánh giá sự chuyên nghiệp của cả công ty.

Khi có cuộc gọi đến, để đảm bảo tính chuyên nghiệp của bản thân bạn nên không để chuông reo quá lâu. Khi reo hồi 1, hồi 2 bạn nên bắt mấy và trao đổi ngay với khách hàng hoặc người đang bên kia đầu dây. Nếu bạn không nghe kịp trong 3 hồi chuông điện thoại reo đến thì khi bắt máy câu đầu tiên trả lời bạn nên xin lỗi người bên kia đầu dây , sau đó thì sẽ giới thiệu thông tin bản thân , công ty và tiếp đến giải đáp các câu hỏi của đối tác.

Giao tiếp trực tiếp hoặc qua điện thoại thì bạn cũng nên thật sự tập trung và chỉnh chu trong từng cách tiếp nhận và giải đáp thông tin. Bởi vì, bạn như bộ mặt công ty nên nếu xảy ra bất kì sai sót nào có thể ảnh hưởng đến uy tín công ty của bạn. Mong những tác phong trên sẽ giúp được bạn nhiều trong việc chuẩn bị hành trang bước chân vào công ty Nhật nhé.

 

--------------------------
Mọi thông tin liên hệ:

iconicJob Vietnam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc làm, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Tài Phan có kinh nghiệm 6 năm trong ngành Digital Marketing, luôn muốn chia sẽ những kiến thức hữu ích đến với mọi người. Quan niệm sống của tôi là “Lạc quan luôn là yếu tố dẫn đến thành công, không điều gì có thể thực hiện được mà không có hy vọng và sự tự tin”.
back-to-top iconicjob