iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Từ chối Offer Letter nhưng vẫn “được lòng” nhà tuyển dụng

Từ chối thư mời nhận việc (Offer Letter) chưa bao giờ là việc làm dễ dàng cả nhưng cũng thật khó cho bạn khi chúng được gửi đến không đúng lúc. Có thể bạn sẽ phải rời xa gia đình nếu chấp nhận làm việc ở chi nhánh mới hoặc bạn không thể rời khỏi công ty hiện tại ngay lúc này vì phải hoàn thành thủ tục bàn giao… Có hàng trăm vấn đề khách quan lẫn chủ quan bắt buộc bạn phải gửi lời từ chối đến nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, phải từ chối như thế nào để không khiến cho nhà tuyển dụng phật lòng và không đóng lại cánh cửa cơ hội trong tương lai? Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp ích cho bạn.

1. Khi bạn không thích công ty

tu-choi-offer-letter-nhung-van-duoc-long-nha-tuyen-dung-1

Bản mô tả công việc phù hợp với năng lực cùng mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn là điều khiến bạn quyết định ứng tuyển và tham gia phỏng vấn, tuy nhiên, sau khi quan sát và trao đổi với nhà tuyển dụng, bạn nhận ra rằng công ty có những khác biệt về văn hóa mà bạn khó có thể hòa nhập được. Dù đã hoàn toàn ghi điểm với nhà tuyển dụng và nhận được thư mời nhận việc nhưng bạn tin vào trực giác của mình rằng nếu trở thành nhân viên chính thức thì bạn cũng khó lòng bám trụ được lâu, đó là lí do giờ đây thay vì cười trong hạnh phúc thì bạn lại phải vắt óc suy nghĩ cách từ chối khéo để không khiến nhà tuyển dụng phật lòng.

Trong trường hợp này, đừng viện những lí do ngớ ngẩn như “Tôi vừa mới nhận lời làm việc cho công ty B nên không thể hợp tác với công ty anh/chị” hay “Tôi thấy công ty anh/chị bé quá, tôi chỉ thích làm việc cho những công ty lớn thôi” mà hãy thành thật với nhà tuyển dụng. Hãy nói rằng bạn thật lòng rất yêu thích công việc này nhưng bạn xin phép được từ chối vì tính cách của bạn không phù hợp với môi trường văn hóa của công ty mà điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc, bạn không muốn gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của tổ chức. Đừng quên đánh giá cao sự kì vọng và cơ hội mà nhà tuyển dụng đã trao cho bạn và nói lời cảm ơn trước khi bấm gửi đi lá thư từ chối.

2. Khi bạn yêu thích công ty

tu-choi-offer-letter-nhung-van-duoc-long-nha-tuyen-dung-2

So với việc từ chối công ty mà bạn không hề yêu thích thì việc từ chối công việc ở công ty yêu thích (thậm chí là công ty mà bạn ao ước) thực sự còn khó khăn hơn gấp bội. Vì một số lí do như không thể sắp xếp ngày nhận việc đúng như yêu cầu của nhà tuyển dụng, bạn có việc gia đình đột xuất hay bạn muốn ứng tuyển vào vị trí Marketing Manager nhưng nhà tuyển dụng lại offer bạn vào vị trí Sales Manager… mà bạn buộc lòng phải ngậm ngùi bỏ qua cơ hội ngàn vàng. Tuy nhiên, bạn vẫn muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng và tìm kiếm thời cơ thuận lợi để gia nhập công ty sau này? Vậy thì đừng bao giờ nói dối. Hãy thẳng thắn nói cho họ biết những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Thông thường, bạn chỉ cần gửi một email xác nhận nhưng nếu có thể, bạn hãy gọi điện thoại để nói chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng. Hãy cho họ biết rằng bạn thực sự rất yêu quý công ty nhưng chưa thể nhận việc ngay được, nhưng bạn vẫn sẽ theo dõi các tin tuyển dụng và nhất định sẽ hợp tác khi có cơ hội. Nói không chừng, chính vì thành ý của bạn mà nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc thay đổi kế hoạch và chọn bạn vào một vị trí lý tưởng.

3. Khi mức lương không được như mong muốn

tu-choi-offer-letter-nhung-van-duoc-long-nha-tuyen-dung-3

Không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng chia sẻ thông tin mức lương và đón nhận phản hồi từ phía ứng viên ngay trong buổi phỏng vấn. Điều này dẫn đến tình trạng không ít ứng viên thay đổi quyết định, từ chối nhà tuyển dụng khi thấy mức lương đính kèm trong thư mời nhận việc không tương xứng với năng lực hoặc thấp hơn mức lương hiện tại. Nếu cả công việc lẫn công ty mà bạn ứng tuyển đều khiến bạn cảm thấy hứng thú, chỉ có mức lương là chưa phù hợp thì đừng ngại ngần nữa, hãy trao đổi vấn đề này ngay trong cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng. Bằng cách cho họ thấy được niềm đam mê cũng như quyết tâm mãnh liệt mà bạn đã nỗ lực để có được vị trí công việc này, rất có thể, họ sẽ thương lượng lại với cấp trên để trả mức lương thỏa đáng, khiến bạn hài lòng. Tất nhiên, hãy làm điều này trước khi gửi thư từ chối vì một khi “bút sa” thì “gà chết”. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì chuyện bạn khước từ thư mời nhận việc cũng sẽ trở nên hiển nhiên và dễ dàng hơn lúc ban đầu.

Một số điều cần phải ghi nhớ

Đừng kì vọng rằng nhà tuyển dụng sẽ để trống vị trí công việc để chờ đợi bạn, nhất là khi công ty đang cần gấp nhân sự, họ sẽ nhanh chóng chọn ứng viên khác thay thế. Vì vậy, đừng quên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định từ chối. Ngoài ra, dù có không nhận việc, bạn cũng nên giữ mối quan hệ với nhà tuyển dụng, điều đó sẽ có lợi trong tương lai – khi bạn muốn tìm kiếm cơ hội quay trở lại. Hãy gửi cho họ lời mời kết bạn trên LinkedIn, thích hoặc chia sẻ tin tuyển dụng của họ hoặc thậm chí giới thiệu những ứng viên tiềm năng cho các vị trí mà họ đang đăng tuyển… Bạn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong trí nhớ của họ và sự nghiệp của bạn chắc hẳn cũng thêm phần thuận lợi.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob