iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

Nhân viên “bất tuân”, vì sao nên nỗi?

Không phải cứ là sếp thì luôn được cấp dưới nể phục và nghe lời. Thỉnh thoảng, chuyện nhân viên tỏ thái độ “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc thậm chí ngang nhiên chống đối vẫn thường xuyên diễn ra nơi công sở. Nếu bạn không tìm hiểu và giải quyết triệt để thì tình trạng này sẽ còn kéo dài và gây ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Tuy nhiên, có phải lúc nào nhân viên cũng là người đáng nhận lời khiển trách? Dưới đây là 5 lý do vì sao “trên bảo dưới không nghe” khiến bạn phải giật mình nhìn lại, và rồi bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả bản thân bạn cũng còn nhiều thiếu sót cần hoàn thiện mỗi ngày.

1. Không có động lực để nhân viên cố gắng

nhan-vien-bat-tuan-vi-sao-nen-noi-1

Khi nhân viên luôn toàn tâm toàn ý để hoàn thành nhiệm vụ mà bạn giao phó nhưng không nhận lại được bất kì lời động viên hay khen ngợi nào, họ sẽ bắt đầu giảm dần động lực và không còn muốn cống hiến nhiều như trước nữa. Tài năng của họ không được ghi nhận, họ chỉ phải chịu đựng những lời chê bai mỗi khi kết quả không đúng như ý bạn, về lâu dài, điều này sẽ gây ra sự thiếu tin tưởng và thậm chí họ sẽ tỏ ra thiếu tôn trọng bạn.

Ngoài việc không được tưởng thưởng xứng đáng, nhân viên thường không hiểu được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của công việc mình làm đến sự phát triển của doanh nghiệp, vì lẽ đó họ dễ dàng cảm thấy chán nản và không muốn nỗ lực phấn đấu. Trong trường hợp này, nếu bạn sử dụng “cây gậy” trừng phạt, ắt hẳn sẽ khiến nhân viên vô cùng căm phẫn, hãy nghĩ đến việc trao cho họ một phần thưởng bất ngờ hay chỉ đơn giản là cái vỗ vai khích lệ. Không nên khen thưởng nhân viên mọi lúc vì dễ khiến họ tự cao nhưng cũng cần sử dụng “củ cà rốt” đúng lúc để tạo động lực và giúp nhân viên dốc sức vì tổ chức.

2. Nhân viên không biết chính xác mình cần phải làm gì

Chính vì sợ uy của sếp mà nhiều nhân viên dù không hiểu rõ mệnh lệnh vẫn giả vờ vâng vâng, dạ dạ nhận nhiệm vụ để rồi không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Hơn thế nữa, những người táo bạo sẽ tự làm theo ý mình, gây lãng phí thời gian và tiền bạc vô ích. Tuy nhiên, không thể đổ toàn bộ trách nhiệm lên nhân viên, rất có thể cách truyền đạt và phân công công việc của bạn cũng chưa thực sự hiệu quả. Không phải nhân viên nào cũng đủ năng lực để đảm nhiệm các trọng trách quan trọng, bạn nên cân nhắc và đánh giá nhân viên một cách khách quan và tỉnh táo.

3. Môi trường làm việc thiếu hấp dẫn

nhan-vien-bat-tuan-vi-sao-nen-noi-2

Môi trường làm việc gò bó, nhàm chán cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trì trệ và bất hợp tác ở nhân viên. Không chỉ khiến nhân viên nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, mất dần tinh thần hăng say mà quá trình làm việc lâu dài dưới bầu không khí căng thẳng, tẻ nhạt có thể thúc đẩy họ đi đến quyết định dứt áo ra đi.

Để không vấp phải sự phản kháng mà còn được nhân viên ủng hộ hết lòng, bạn nên chú trọng vào việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng cũng không kém phần thân thiện và nên có nhiều hoạt động để gắn kết, kéo gần khoảng cách của tất cả các thành viên.

4. Sếp quá cầu toàn

Có phải bạn là người sếp cầu toàn? Bạn luôn yêu cầu nhân viên cấp dưới của mình hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất? Đó có thể là ưu điểm nhưng đôi khi cũng gây ra phản ứng ngược không mong muốn. Đối với những nhân viên có năng lực xuất sắc và sáng tạo, họ sẽ nhanh chóng nghĩ ra hướng giải quyết nhằm đáp ứng kì vọng khắt khe của bạn. Nhưng ngược lại, nếu như người được bạn giao phó chưa đủ kinh nghiệm, họ quen với việc tư duy theo lối mòn thì bài toán bạn đặt ra thực sự là áp lực không hề nhỏ. Sự mệt mỏi và căng thẳng kéo dài sẽ khiến họ không làm chủ được cảm xúc, dẫn đến tình trạng bất mãn và chống đối.

5. Mâu thuẫn nội bộ

nhan-vien-bat-tuan-vi-sao-nen-noi-3

Không xem xét kỹ lưỡng mà ngẫu nhiên sắp xếp nhiều thành viên vào cùng một nhóm làm việc, bạn sẽ không thể lường trước được các rắc rối phát sinh trong nội bộ. Vì khác biệt tính cách, bất đồng ý kiến hay chỉ đơn thuần là không có thiện cảm với nhau mà những cuộc chiến tranh lạnh, mâu thuẫn và tranh cãi diễn ra liên tục. Kết quả là chẳng ai nhường nhịn ai, họ bỏ mặc mục tiêu chung của cả nhóm để bảo thủ giữ lấy lập trường của riêng mình. Là người dẫn dắt, hoặc là bạn cần tinh ý trong việc lựa chọn người cho từng dự án, hoặc là bạn cần có những biện pháp mạnh tay hơn để họ hiểu rằng dù muốn hay không thì họ cũng phải gạt cái tôi sang một bên và ưu tiên cho lợi ích của tổ chức trước tiên.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tim viec lam nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob