iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

8 dấu hiệu nhận biết nhân viên lười nhác và cách đối phó

8-dau-hieu-nhan-biet-nhan-vien-luoi-nhac-va-cach-doi-pho-1

 

Trong bất kì một tổ chức hoạt động nào cũng tồn tại những nhân viên lười nhác, những người được xem như “con sâu làm rầu nồi canh”, không những không đóng góp được giá trị gì cho tổ chức mà thậm chí còn gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của mọi người xung quanh. Là một nhà quản lý, làm sao bạn có thể nhận biết được những nhân viên lười nhác để có cách đối phó thích hợp, giúp tổ chức ngày càng phát triển? Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhanh chóng nhận diện được những gương mặt “không mong muốn” này:

 

1. Hay buôn chuyện

 

8-dau-hieu-nhan-biet-nhan-vien-luoi-nhac-va-cach-doi-pho-2

 

Học hỏi thông qua việc trao đổi về công việc luôn được khuyến khích ở công sở nhưng những nhân viên lười nhác thì lại khác, họ thường khiến mọi người xao nhãng bởi những câu chuyện bên ngoài xã hội không hề liên quan. Chuyện cười hay lời bông đùa có thể khiến không khí trở nên vui vẻ và thoải mái hơn nhưng nếu cứ diễn ra suốt trong quá trình làm việc thì đích thực họ chỉ đang muốn “trốn tránh” công việc mà thôi. Nếu bạn là sếp, hãy cẩn thận với nhân viên kiểu này. Thay vì tỏ thái độ đồng tình, bạn nên yêu cầu nhân viên dừng lại và tập trung vào công việc để không ảnh hưởng đến những đồng nghiệp xung quanh.

 

2. Hay than vãn

 

Sở trường của những nhân viên lười nhác là than thở về những khó khăn mà họ gặp phải thay vì tìm phương án khắc phục những vấn đề trên. Họ có hàng tá lí do để đề nghị được giảm bớt khối lượng công việc. Họ không biết rằng thời gian họ bỏ ra cho việc kể lể đôi khi còn lớn hơn rất nhiều thời gian họ có thể dốc sức vì công việc. Với họ, than vãn là công việc dễ dàng và là điều mà họ có thể làm tốt nhất.

 

3. Vô trách nhiệm

 

8-dau-hieu-nhan-biet-nhan-vien-luoi-nhac-va-cach-doi-pho-3

 

Những nhân viên chỉ muốn ngồi không rồi lãnh lương đúng ngày thường không bao giờ nghĩ rằng mình nên có trách nhiệm đối với công việc. Họ đẩy lùi deadline và bao biện bằng một bài diễn thuyết thật dài với đầy đủ những lí do khách quan, chủ quan khiến họ xao nhãng dẫn tới không thể hoàn thành công việc đúng hạn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tình trạng này vẫn cứ tái diễn hết lần này đến lần khác mà không có sự cải thiện nào về hiệu suất và hiệu quả công việc. Có lẽ đã đến lúc bạn nên thể hiện sự nghiêm khắc và suy nghĩ về việc có nên chấm dứt hợp đồng với họ hay không.

 

4. Thường xuyên biến mất

 

Đến công ty đúng giờ để lấy dấu vân tay rồi sau đó mất tích đến tận trưa hay thường xuyên là người đến trễ trong các buổi họp cũng là dấu hiệu rõ ràng minh chứng cho sự lười nhác của nhân viên cấp dưới. Những chế tài liên quan đến tài chính đôi khi cũng không đủ để tác động mạnh mẽ và thay đổi thói quen cố hữu này.

 

5. Không đặt câu hỏi

 

Không giống như những nhân viên mong muốn phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp bằng việc liên tục đặt ra những câu hỏi nghi vấn, xung phong nhận thêm những nhiệm vụ mới để tự thử thách chính mình, những nhân viên lười nhác thường tự cô lập mình chỉ trong khối lượng công việc được định sẵn. Họ không có bất kì ý kiến hay câu hỏi nào về những việc tiếp theo họ nên làm vì họ không muốn thêm phần gánh nặng. Tuy nhiên, chính vì họ luôn hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình nên rất dễ bị hiểu lầm là những nhân viên siêng năng. Phải thật tinh ý để nhận ra được bản chất lười nhác bên trong họ.

 

6. Không nhiệt tình

 

8-dau-hieu-nhan-biet-nhan-vien-luoi-nhac-va-cach-doi-pho-4

 

Làm việc hời hợt, không có động lực, chưa bao giờ tạo ra kết quả nổi trội là điều bạn thường bắt gặp nhất ở họ. Hội đủ các yếu tố như hay than vãn, viện lí do, không đặt câu hỏi…những người này thường không tỏ ra hứng thú và quan tâm đến công việc. Câu nói châm ngôn của họ là “Tôi làm như vậy là được rồi”. Đứng ở cương vị một người lãnh đạo, bạn cũng nên xét xem liệu có phải lí do chính dẫn đến tình trạng trên là do họ đang không được làm những công việc mà họ thực sự đam mê hay không? Hãy dò hỏi những đồng nghiệp xung quanh họ hoặc trực tiếp mời họ vào buổi nói chuyện thân mật để có thể đưa ra được quyết định chính xác nhất.

 

7. Không giúp đỡ người khác

 

Những nhân viên lười nhác thường không muốn làm thêm những công việc của người khác vì họ nghĩ điều đó sẽ khiến tiến độ công việc của họ bị đình trệ. Với họ, việc gây dựng mối quan hệ thân thiết và được đồng nghiệp yêu mến không thật sự cần thiết, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà thôi. “Đó không phải việc của tôi” là câu trả lời bạn nhận được mỗi khi đề nghị sự giúp đỡ của họ, rốt cuộc bạn lại cũng phải “tự thân vận động” mà thôi.

 

8. Không làm nếu không nhận được lợi ích

 

Có một kiểu người mà bạn không khó để bắt gặp đó là những người thường tỏ ra chăm chỉ, nhanh nhẹn và hào hứng khi làm những công việc giúp họ được công nhận hoặc mang lại lợi ích nào đó, còn đối với những công việc khác họ gần như có một trạng thái làm việc hoàn toàn trái ngược – hời hợt, không tâm huyết. Những nhân viên siêng năng thường không như vậy, họ sẽ không ngừng suy nghĩ, sáng tạo và làm việc hăng say để ghi điểm với cấp trên mà không cần suy nghĩ về lợi ích họ đạt được.

 

Sau khi đã có bức tranh toàn cảnh về những nhân viên lười nhác, bạn nên bắt tay thực hiện động thái chấn chỉnh họ bằng những gợi ý sau:

 

– Dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên: Để không đưa ra những quyết định vội vàng, bạn nên tổ chức một buổi họp kín với nhân viên để họ có cơ hội giãi bày những khó khăn gây cản trở công việc của họ và lắng nghe những nguyện vọng nghề nghiệp mà họ muốn đạt được. Nếu có thể hãy tạo cơ hội cho họ được làm những công việc mà họ yêu thích, bạn sẽ thấy họ thay đổi tích cực như thế nào.

 

– Đặt ra hạn định rõ ràng trong công việc: Đối với những nhân viên lười nhác, bạn đừng bao giờ đặt kì vọng rằng họ sẽ chủ động thực hiện công việc mà không cần nhắc nhở, thay vào đó hãy cho họ deadline cụ thể ứng với từng nhiệm vụ. Hãy cho họ thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công việc được giao và những ảnh hưởng tiêu cực họ có thể đem lại cho những người xung quanh nếu như không tận tâm với công việc.

 

– Thể hiện sự tin tưởng và đưa ra những lợi ích kích thích họ: Đừng ngại cho họ biết rằng bạn nhận ra được những tiềm năng ẩn giấu của họ và sẽ tạo mọi điều kiện để họ có thể phát huy hết năng lực. Vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về sự nghiệp thăng tiến sẽ giúp họ cảm thấy có động lực để cống hiến, dù cho có là một nhân viên lười nhác thì chắc chắn họ vẫn hy vọng được đảm nhiệm vị trí cao hơn. Đừng quên treo những phần thưởng nóng cho nhân viên nếu điều bạn mong muốn chỉ là kích thích năng suất làm việc tức thời.
8-dau-hieu-nhan-biet-nhan-vien-luoi-nhac-va-cach-doi-pho-5

 

Hỗ trợ nhân viên lập bản kế hoạch ngắn hạn: Nếu không ngại, bạn có thể tận tâm hướng dẫn nhân viên lên thời gian biểu thật chi tiết, thiết lập mục tiêu ứng với từng mốc thời gian cụ thể. Nếu phải cố gắng một mình, họ sẽ cảm thấy dễ chán nản nhưng nếu nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên là bạn, họ có thể thay đổi theo một tín hiệu đáng mừng.

 

Cuối cùng, nếu như những nỗ lực và sự kiên trì bạn dành cho họ không hề khiến họ thay đổi, họ vẫn lười nhác và thụ động thì đây chính là thời điểm bạn nên sa thải họ và trao cơ hội cho một người khác xứng đáng hơn.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

ICONICJOB VietNam – Cổng thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao, mạng tìm việc nhanh, ứng tuyển ngay việc làm mới từ các nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob