iconicJob.vniconicJob Việt Nam - Career Blog

5 lỗi của nhà tuyển dụng khiến ứng viên “chạy mất dép” sau khi phỏng vấn

Số lượng đơn ứng tuyển chỉ phản ánh phần nào mức độ quen thuộc của thương hiệu và chất lượng của tin tuyển dụng chứ chưa hẳn đã chứng minh cho năng lực của nhà tuyển dụng. Thực tế là dù ứng viên tham dự phỏng vấn rất nhiều nhưng vì một số nguyên nhân xuất phát từ nhà tuyển dụng, họ vẫn “chạy mất dép”, một đi không trở lại sau lần gặp đầu tiên. Không khó để nhận ra 5 lỗi phổ biến mà nhà tuyển dụng thường mắc phải khiến cho số ứng viên phù hợp đã ít, nay lại còn giảm đi gấp bội.

1. Hứa nhiều, thất hứa cũng thật nhiều

5-loi-cua-nha-tuyen-dung-khien-ung-vien-chay-mat-dep-sau-khi-phong-van-1

Dường như có rất nhiều nhà tuyển dụng mắc phải căn bệnh muôn thuở: luôn cố gắng đưa ra thật nhiều lợi ích để câu kéo ứng viên giỏi về cho tổ chức mà không ngại việc nói quá, phóng đại sự thật. Để rồi ứng viên bước vào văn phòng nhận việc với một tâm trạng vô cùng háo hức nhưng lại nhanh chóng ra đi, mang theo cảm giác “bị lừa dối”.

Chính việc hứa hẹn không đúng sự thật, không biết “lượng sức mình” của nhà tuyển dụng mà chẳng những danh tiếng của họ bị ảnh hưởng, công ty cũng chịu không ít tổn thất về chi phí.

Tốt hơn hết, nhà tuyển dụng nên nói rõ tình trạng của công ty cho ứng viên biết trong buổi phỏng vấn, thậm chí là đề cập đến những điều đang cần được cải thiện. Việc “khai báo sự thật” ngay từ đầu sẽ giúp ứng viên chuẩn bị sẵn tâm lý, không bị sốc hoặc cảm thấy thất vọng nếu họ có thực sự được nhận vào làm.

2. Buổi phỏng vấn là nơi nhà tuyển dụng độc thoại

Thật khôi hài nhưng cũng không hiếm trường hợp gần như toàn bộ thời gian của buổi phỏng vấn là cuộc độc thoại của nhà tuyển dụng về những vấn đề trên trời dưới đất, nhân sinh quan…, ứng viên chỉ đóng vai trò như khán giả dự thính, ngồi lặng im và lắng nghe. Kết quả là ứng viên một đi không trở lại, có lẽ vì nỗi sợ hãi phải “sống trong lặng câm”.

Một buổi phỏng vấn được đánh giá là hiệu quả khi phần lớn thời gian được ứng viên dẫn dắt. Nghĩa là sau khi một lần nữa giới thiệu về công ty và tóm tắt về vị trí công việc, nhiệm vụ của nhà tuyển dụng chỉ là đặt câu hỏi để kiểm tra năng lực, kỹ năng và tìm hiểu thêm về tính cách ứng viên. Ngoài ra, họ cũng có thể thêm một vài gợi ý trong quá trình ứng viên trả lời để khai thác những thông tin mà họ thực sự mong muốn. Còn lại, thời gian chính của buổi phỏng vấn nên được lấp đầy bởi những câu hỏi ngược và câu trả lời khôn khéo của ứng viên. Hãy để buổi phỏng vấn là “sân khấu” tuyệt vời để ứng viên được thăng hoa với những màn “trình diễn” của riêng mình, đừng là người cắt ngang vô ý.

3. Không trả lời câu hỏi của ứng viên

5-loi-cua-nha-tuyen-dung-khien-ung-vien-chay-mat-dep-sau-khi-phong-van-3

Ứng viên càng đặt nhiều câu hỏi (tất nhiên không phải những câu hỏi do thiếu sự chuẩn bị) thì chứng tỏ họ càng quan tâm đến công việc. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng không hay biết gì cả vì mãi chú tâm vào bảng câu hỏi soạn trước hoặc họ chọn cách trốn tránh trả lời. Hành động này sẽ khiến ứng viên cảm thấy không được tôn trọng hoặc nghi ngại công ty có điều gì khuất tất, họ sẽ luôn ở thế phòng thủ và thế là nhà tuyển dụng lại ngậm ngùi nhìn “một người nữa nay đã cất bước ra đi”.

4. Tổ chức phỏng vấn nhóm bất ngờ

Hình thức phỏng vấn nhóm không xa lạ với ứng viên nhưng nếu như nhà tuyển dụng không thông báo trước mà đột ngột tiến hành nhằm kiểm tra mức độ phản xạ và khả năng ứng biến của ứng viên thì nguy cơ mất đi những ứng viên giỏi cũng không hề nhỏ.

Khi chưa có sự chuẩn bị, ứng viên thường rơi vào trạng thái căng thẳng, hồi hộp nên chưa hẳn đã thể hiện được 100% năng lực của mình và trong một nhóm thì rất khó để từng cá nhân có cơ hội bày tỏ quan điểm riêng của mỗi người, hầu hết đều đồng thuận với những quan điểm tương tự nhau.

5. Cho rằng ứng viên nhút nhát là những người không có năng lực

5-loi-cua-nha-tuyen-dung-khien-ung-vien-chay-mat-dep-sau-khi-phong-van-5

Không phải lúc nào ứng viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cũng là người tự tin và có khả năng giao tiếp tốt. Nhà tuyển dụng hãy cẩn trọng quan sát, đừng vội vàng xếp những người rụt rè, ít nói vào danh sách những người không có năng lực.

Lời khuyên cho nhà tuyển dụng là nên cố gắng tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở và giúp ứng viên trút bỏ áp lực, căng thẳng. Trường hợp nhà tuyển dụng năm lần bảy lượt gặp phải ứng viên sợ sệt và nhút nhát thì hãy xem lại toàn bộ quá trình, rất có thể sai sót xuất phát từ chính nhà tuyển dụng.

_____________________________

Mọi thông tin liên hệ:

Việc làm IconicJob.vn – Website tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật, tìm việc làm tiếng Nhật uy tín tại Việt Nam. Chuyên tuyển dụng các Jobs tiếng Nhật cấp cao cho các Cty tầm cỡ của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.



Whatever happens, happens
back-to-top iconicjob